Chính phủ Anh 'quan ngại sâu sắc' về 25 năm đàn áp Pháp Luân Công của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức chính phủ Anh bày tỏ “quan ngại sâu sắc” khi cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã kéo dài 25 năm.

Ông Benedict Rogers, đồng sáng lập và phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh cho biết, cuộc đàn áp cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không thể là một đối tác kinh doanh đáng tin cậy. Đồng thời, ông kêu gọi chính phủ Anh ngừng hoạt động kinh doanh thường lệ với Trung Quốc.

Còn theo ông Edward McMillan-Scott, Cựu Đại biểu nghị viện châu Âu, ngày 25 tháng 4 (ngày diễn ra sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa của hàng nghìn học viên Pháp Luân Công Trung Quốc 25 năm trước) nên là một “ngày nhận thức đối với thế giới”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia. Các học viên tập năm bài khí công nhẹ nhàng và chiểu theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” để hành xử trong cuộc sống hàng ngày.

Môn tập được truyền ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992, và đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người học. Tuy nhiên vào năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp môn tu luyện tinh thần này.

Sự kiện thỉnh nguyện 25/4/1999

Theo nhà báo Hoa Kỳ Danny Schechter, vào 25/4/1999, khoảng 10.000 đến 15.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung xung quanh Trung Nam Hải, trụ sở của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, để thỉnh nguyện ôn hòa. Sự kiện xảy ra sau khi cảnh sát chống bạo động ở Thiên Tân tấn công và bắt giữ 45 học viên khác, khi họ kiến nghị về một bài báo công kích Pháp Luân Công.

Bức tranh "25/4/1999" của Họa sĩ Khổng Hải Yến.

Hàng nghìn học viên đã tự phát đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh. Cuộc tụ họp này rất trật tự và hòa bình. Một số đại diện trong các học viên Pháp Luân Công được mời đến gặp Thủ tướng Trung Quốc, lúc đó là ông Chu Dung Cơ. Sau đó những học viên bị bắt ở Thiên Tân đã được thả và tất cả mọi người lại về nhà.

Tuy nhiên, ba tháng sau, ĐCSTQ đã chính thức phát động chiến dịch nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công trong vòng ba tháng.

Kể từ đó, những học viên từ chối từ bỏ đức tin của mình đã bị sách nhiễu, bị đuổi việc, đuổi học, giam giữ, tra tấn và giết hại, bao gồm cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập do luật sư và thẩm phán nổi tiếng người Anh Sir Geoffrey Nice, KC tuyên bố, những người tập Pháp Luân Công đã và đang tiếp tục là nhóm nạn nhân chính bị giết để lấy nội tạng. Bằng chứng cũng chỉ ra, trong những năm gần đây, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng cũng xảy ra với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.

Chính phủ Anh và Scotland quan ngại sâu sắc về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc

Trong một bức thư gửi cho ông Wei Liu, giám đốc Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Vương quốc Anh do The Epoch Times thu thập được, Phố Downing cho biết chính phủ “vẫn quan ngại sâu sắc về cuộc đàn áp tại Trung Quốc với các học viên Pháp Luân Công và những người khác vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”. Bức thư chỉ ra rằng có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy các học viên Pháp Luân Công đang bị ngược đãi nghiêm trọng.

Bức thư viết: “Tất cả mọi người nên được hưởng quyền tự do thực hành, thay đổi hoặc chia sẻ đức tin hay tín ngưỡng của mình mà không bị phân biệt đối xử hay chống đối bằng bạo lực”.

“Chính phủ tin rằng những xã hội có mục tiêu đảm bảo quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng sẽ ổn định hơn, thịnh vượng hơn và kiên cường hơn trước chủ nghĩa bạo lực cực đoan.”

Theo Văn phòng Thủ tướng Scotland Humza Yousaf, Chính phủ Scotland “vẫn quan ngại sâu sắc” về cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc và cho biết họ sẽ “xem xét thận trọng" bằng chứng về cáo buộc lạm dụng và thu hoạch nội tạng người.

“Nếu đúng như vậy thì hành vi thu hoạch nội tạng có hệ thống, được nhà nước bảo trợ sẽ cấu thành hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.”

Hôm 20/4, phát biểu tại sự kiện đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện tại Bắc Kinh, ông Rogers cho biết các nguyên lý của Pháp Luân Công là “những giá trị phổ quát” được “những người thuộc mọi tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng” ủng hộ, đồng thời cảnh báo các nền dân chủ tự do không nên tin vào ĐCSTQ .

Ông Benedict Rogers phát biểu tại sự kiện đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc biểu tình ôn hòa của học viên Pháp Luân Công Trung Quốc, ngày 20/4/2024 tại London. (Yanning Qi/The Epoch Times)

Ông Rogers nói “Chế độ này không thể là một đối tác kinh doanh đáng tin cậy khi họ giam giữ và tra tấn người dân vì niềm tin vào ‘Chân, Thiện, Nhẫn’. Chế độ này không thể là một người bạn đáng tin cậy khi họ cưỡng bức thu hoạch nội tạng người."

Ông Rogers cũng chỉ trích cách Bắc Kinh phá bỏ các thỏa thuận quốc tế trong vấn đề Hồng Kông; tách trẻ em ở Tây Tạng khỏi cha mẹ và gửi chúng đến trường nội trú, không cho chúng thực hành đức tin, sống với văn hóa và nói ngôn ngữ của mình; phá bỏ thánh giá, dỡ bỏ các nhà thờ và buộc những người theo đạo Cơ đốc phải cúi đầu trước hình ảnh của Tập Cận Bình. Thậm chí Bắc Kinh đang đe dọa chính những người Anh tại quê nhà của họ bằng việc thâm nhập vào các trường đại học thông qua Viện Khổng Tử, tấn công mạng trong Nghị viện Anh... "Đây không phải là chế độ mà chúng ta có thể kinh doanh đơn giản như thường lệ", ông nói.

“Đây có lẽ là chế độ đặt ra thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Đó là một thách thức mà cách đây 25 năm, các học viên Pháp Luân Công đã giúp chúng ta chú ý tới. Và đó là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt”, ông nói.

Ông Rogers, người bị ĐCSTQ trừng phạt vì vận động nhân quyền, cho biết ông ủng hộ việc duy trì đối thoại cởi mở với Bắc Kinh, nhưng kêu gọi các chính trị gia cần “đặt nhân quyền làm trọng tâm trong các cuộc đối thoại” và suy nghĩ kỹ về việc có nên kinh doanh với "chế độ tội phạm" này hay không và như thế nào.

Phát biểu với NTD, ông McMillan-Scott nói rằng, cuộc đàn áp Pháp Luân Công và những nhóm người khác “là một sợi chỉ xuyên suốt” trong “nền chính trị ác mộng” của ĐCSTQ và đã làm rõ “bản chất thực sự" của ĐCSTQ.

“Hàng ngàn người đã chết vì bị tra tấn trong những năm kể từ đó. Chúng ta không thể quên họ”, ông nói.

Theo Epochtimes
Thùy Anh lược dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chính phủ Anh 'quan ngại sâu sắc' về 25 năm đàn áp Pháp Luân Công của Bắc Kinh