Chuyên gia: Ngoại giao 'gấu trúc' và 'chiến lang' thất bại, Trung Quốc đối mặt với sự cô lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ngoái, hơn chục con gấu trúc từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Malaysia, Vương quốc Anh và Đức, được cho là đã được "hồi hương" về Trung Quốc.

“Trung Quốc đã chào đón 17 con gấu trúc khổng lồ từ nhiều quốc gia trên thế giới về nước vào năm 2023”, hãng truyền thông Trung Quốc CGTN đưa tin vào ngày 30/12.

Tuy nhiên, các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh, được gọi là “gấu trúc” và “chiến lang”, đã vấp phải khó khăn.

Ngoại giao gấu trúc

Sau chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972, chính sách “ngoại giao gấu trúc” bắt đầu.

Những con gấu trúc, được coi là quyền lực mềm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đóng một vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho Trung Quốc gia nhập cộng đồng quốc tế, ban đầu dưới dạng quà tặng và sau đó là những khoản cho thuê đắt đỏ.

Nhà quan sát Trung Quốc Ming-Shih Shen nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng mặc dù gấu trúc tượng trưng cho thiện chí, nhưng việc chúng trở lại Trung Quốc cho thấy “mối quan hệ căng thẳng giữa ĐCSTQ và các quốc gia phương Tây”.

Ông Shen là giám đốc bộ phận Nghiên cứu An ninh Quốc gia và quyền phó giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài Loan.

Ông Arthur Shuh-fan Ding, giáo sư danh dự tại Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc Lập Chính Trị ở Đài Loan, nhận xét: “Phương Tây nhận ra động cơ của ĐCSTQ là định hình trật tự quốc tế theo ý muốn của mình”.

Ông Ding cho biết: “Ngoài ra, cách tiếp cận đối đầu trong ngoại giao của ĐCSTQ, được minh chứng bởi các đại sứ có lập trường thẳng thắn như ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đã khiến cho mối quan hệ của Trung Quốc với các nước phương Tây xấu đi đáng kể”.

Ngoại giao chiến lang

Theo ông Ding, Bắc Kinh đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại của mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ông nói, kể từ khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo vào năm 2012, cách tiếp cận ngoại giao của ĐCSTQ đã phát triển thành ngoại giao “chiến lang”, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 tấn công thế giới.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã được coi là một “chiến lang”. Chẳng hạn, ông đã gây áp lực buộc một nhà lập pháp Pháp phải hủy chuyến thăm chính thức Đài Loan vào năm 2021, trong khi phái đoàn Pháp muốn tìm hiểu cách chính phủ Đài Loan kiểm soát đại dịch một cách hiệu quả.

Ông Shen chỉ ra rằng tình hình hiện tại khiến chế độ này phải xấu hổ vì ĐCSTQ đã không thể vực dậy nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt chip được áp đặt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bộc lộ những lỗ hổng về cả khía cạnh quân sự và công nghệ đối với ĐCSTQ.

Ông nói: “Chiến lược ngoại giao chiến lang cưỡng ép đã mất đi hiệu quả”.

Gấu trúc khổng lồ là loài độc nhất ở Trung Quốc, đồng thời được mọi người trên khắp thế giới yêu thích vì chúng rất dễ thương và hiền lành. ĐCSTQ nhận thức rõ điều này. Từ năm 1957 đến 1982, Bắc Kinh đã tặng 23 con gấu trúc khổng lồ cho 9 quốc gia. Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp, Nhật Bản và Đức đều đã nhận được gấu trúc như những món quà đặc biệt.

Sau năm 1982, dưới áp lực toàn cầu trong việc bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, ĐCSTQ đã ngừng tặng gấu trúc khổng lồ. Sau đó, ĐCSTQ đã thay đổi cách tiếp cận và quyết định gửi có thời hạn các cặp gấu trúc trưởng thành ra nước ngoài. Những con gấu trúc này sẽ ở lại nước sở tại trong 10 năm (hoặc hơn) nhằm mục đích “hợp tác nghiên cứu”. Trong toàn bộ khoảng thời gian đó, bên thuê gấu trúc sẽ phải trả hàng triệu USD phí thuê hàng năm cho ĐCSTQ.

Trong nhiều thập kỷ, gấu trúc khổng lồ đã được đối xử như những ngôi sao ở bất cứ nơi nào chúng đến. Đồng thời, chúng cũng giúp ĐCSTQ “đánh bóng” hình ảnh một cách hiệu quả.

Khi ngoại giao 'gấu trúc' và 'chiến lang' thất bại

Ông Shen cho biết, tâm điểm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh liên quan đến các vấn đề kinh tế luôn là Hoa Kỳ, đồng thời ông cho biết thêm rằng ông Tập sẽ hướng tới nỗ lực cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các quốc gia phù hợp với lợi ích của ĐCSTQ hoặc có lập trường chống Mỹ sẽ được ưu tiên hơn trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng một liên minh quốc tế thách thức ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời ông lấy Afghanistan làm ví dụ.

“Trung Quốc dường như đang định vị mình là người thay thế cho Hoa Kỳ. [Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan] Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bổ nhiệm đại sứ mới tại Afghanistan”.

Theo ông Shen, Trung Quốc đang thể hiện mong muốn thiết lập một cách tiếp cận ngoại giao khác với cách tiếp cận của các quốc gia phương Tây.

Ông nói: “Trong khi các nước phương Tây có thể coi Afghanistan là kẻ thù hoặc liên kết nước này với chủ nghĩa khủng bố, thì ĐCSTQ đang tích cực theo đuổi quan hệ ngoại giao với nước này”.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Ngoại giao 'gấu trúc' và 'chiến lang' thất bại, Trung Quốc đối mặt với sự cô lập