Cựu Thủ tướng Australia 'suy đoán' về nhiệm kỳ của ông Tập và ông Putin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society đã 'suy đoán' rằng, nhà lãnh đạo Nga Putin muốn nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2036, trong khi ông Tập Cận Bình muốn nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2037. Ông Rudd nhận định rằng, mối quan hệ 'không có giới hạn' giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang bền chặt hơn bao giờ hết.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd suy đoán về nhiệm kỳ của ông Tập và ông Putin

Cách đây vài ngày, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã viết trên tờ Der Spiegel của Đức rằng mối bang giao giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang bền chặt hơn bao giờ hết.

Ông cũng suy đoán rằng nhà lãnh đạo Nga Putin muốn nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2036, trong khi ông Tập Cận Bình muốn nhiệm kỳ của mình kéo dài đến năm 2037.

Ông Rudd tin rằng mối quan hệ Trung-Nga đã được thắt chặt, bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài nhiều năm do ông Gorbachev và Đặng Tiểu Bình khởi xướng năm 1989. Lý do thứ hai cho mối quan hệ thân thiết là Nga đã quay sang ủng hộ Trung Quốc sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Theo đó, vào năm 2014, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cuộc cuộc bỏ phiếu cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ soạn thảo nhằm kêu gọi các nước không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Ông lưu ý: “Kể từ đó, ông Putin và ông Tập đã phát triển một mối quan hệ chặt chẽ về cả phương diện cá nhân, chính trị và chiến lược".

Trả lời về nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có của ông Tập Cận Bình, ông Rudd nói rằng tất cả các quyết định nhân sự chủ chốt và định hướng chính sách trong tương lai của ĐCSTQ cuối cùng sẽ do ông Tập Cận Bình và những cốt cán xung quanh ông quyết định. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như không phải là người sẵn sàng chấp nhận lời khuyên. Ông Rudd nói rằng nếu ai đó nói với ông Tập, "Thưa Chủ tịch, tôi nghĩ ông đã làm sai điều gì đó", người đó có lẽ sẽ không tồn tại được lâu trong "hệ thống" của ông Tập.

Ông nói: "Khi một lượng lớn quyền lực chính trị và chính sách tập trung nằm trong tay các nhà lãnh đạo, các nhóm lãnh đạo và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - tức là Trung Nam Hải - thì một trong những vấn đề mà nó tạo ra là 'tắc nghẽn động mạch'. Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho Trung Quốc trong việc ứng phó một khi nền kinh tế gặp khó khăn”.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống còn 3,2%, Nếu như con số này cuối cùng thành hiện thực, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp thứ hai kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa. Nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu 5,5% của chính phủ Trung Quốc là bất khả thi.

Ông Rudd cho biết, ngoài chính sách năng động nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, các yếu tố như già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm, dân số và lực lượng lao động ngày càng giảm, cũng như sự chuyển hướng của Trung Quốc trong hệ tư tưởng và chính trị trong 5 năm qua đã lý giải cho sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

Trong 5 năm qua, ông Tập Cận Bình đã áp dụng một loạt chính sách cho phép đảng và nhà nước can thiệp vào nền kinh tế thị trường, bao gồm mở rộng các doanh nghiệp nhà nước, hạn chế các công ty tư nhân và các ngành công nghệ, đàn áp ngành bất động sản, và đề xuất cái gọi là "thịnh vượng chung".

Về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20

Theo một báo cáo của tờ Deutsche Welle của Đức hôm 14/10, ông Kevin Rudd đã nói về những quan sát của ông đối với Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ tại một sự kiện của hiệp hội. Ông Rudd nói rằng, ông Tập Cận Bình đã phát đi tín hiệu về phản ứng của Trung Quốc đối với tình hình quốc tế và cách xử lý quan hệ Mỹ-Trung tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.

Ông tin rằng việc ông Tập Cận Bình tập trung quyền lực quá mức khiến ông khó có thể xử lý tốt đẹp mối quan hệ Mỹ-Trung, việc giải những "câu hỏi hóc búa" như vậy là rất khó khăn.

Đề cập đến vấn đề Đài Loan, ông Rudd tin rằng không nên để xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan trong vòng 5 năm tới, vì Bắc Kinh vẫn cần duy trì lợi thế quân sự lớn hơn, và cũng tránh khỏi bị trừng phạt ở cấp độ kinh tế và tài chính.

Ông phân tích: "Trong 5 năm tới, nếu không có hành động khiêu khích trực tiếp từ Đài Loan hay Mỹ, tôi không nghĩ ông Tập Cận Bình có khả năng phát động các chiến tranh về mặt quân sự, tài chính hay kinh tế, cũng như thống nhất Đài Loan".

Ông cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ quan tâm hơn đến những việc này khi bước vào những năm 2030.

Tuy nhiên, ông Kevin Rudd cũng đề cập rằng có hai biến số lớn vẫn có thể dẫn đến bùng nổ xung đột ở Eo biển Đài Loan.

Thứ nhất, Mỹ hiện đang "cắt giảm dần" chính sách "Một Trung Quốc" và nhiều biểu hiện khác nhau có liên quan đến "sự mơ hồ chiến lược".

Thứ hai, xung đột Eo biển Đài Loan có nổ ra hay không còn phụ thuộc vào những luận điệu về vấn đề "Đài Loan độc lập" của Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của Đài Loan hay dư luận của Đài Loan trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2024.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình và cuộc gặp với ông Putin

Sau khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, ông Tập Cận Bình đã không công du nước ngoài. Nhưng trước thềm Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 20, ông Tập đã có chuyến công du hiếm hoi tới Uzbekistan và gặp gỡ ông Putin.

Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Khürelsukh đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 15/9. Đây là cuộc gặp lần thứ sáu giữa các nguyên thủ Nga và Mông Cổ.

Trước đó, khi thế giới bên ngoài còn đang đắm chìm trong dự đoán về việc Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 có thay đổi lãnh đạo hay không, thì Chủ tịch Tập Cận Bình đã bất ngờ tuyên bố về chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ sau đại dịch.

Các nhà phân tích tin rằng: "Động thái này cho thấy vị thế của ông Tập ở trong nước là an toàn và đảm bảo chắc chắn rằng ông sẽ giữ chức Tổng bí thư lần thứ ba tại Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20, vì vậy ông mới có thể tự tin xuất ngoại", ông Zhu Zhiqun, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell, nói với ấn bản tiếng Trung của đài BBC.

Bà Yun Sun, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc của Trung tâm Stimson tại Mỹ, một tổ chức tư vấn của Washington, cũng nói với ấn bản tiếng Trung của đài BBC rằng: "Đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhưng Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 20 đã được ấn định. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tập kể từ sau đại dịch cho thấy sự tự tin của ông đối với chính trị trong nước".

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Cựu Thủ tướng Australia 'suy đoán' về nhiệm kỳ của ông Tập và ông Putin