ĐCSTQ 'tự mình hại mình' bằng cuộc bức hại Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 25/4, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức lễ kỷ niệm 24 năm cuộc kháng nghị ôn hòa để phản đối cuộc bức hại ở Trung Quốc.

Vào ngày 25/04/1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung bên ngoài trụ sở của chính phủ Trung Quốc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh để đính chính những bình luận vu khống trên các ấn phẩm và truyền hình do nhà nước kiểm soát, đồng thời yêu cầu trả tự do cho khoảng 45 học viên đã bị bắt giữ sai trái ở thành phố Thiên Tân, gần thủ đô Bắc Kinh.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia “kết hợp thiền định và các bài tập nhẹ nhàng (tương tự như Yoga hoặc Thái Cực Quyền) với triết lý đạo đức tập trung vào các nguyên lý Chân Thiện Nhẫn”, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Theo một bài báo đăng ngày 10/4 của tác giả Trịnh Nham (Zheng Yan) trên tờ Minghui.org, nhiều người ở trong và ngoài Trung Quốc không hiểu rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã kéo dài 5 năm trước khi bùng phát các sự kiện vào năm 1999.

Bài báo nên được tiếp nhận với tinh thần cởi mở bởi vì trong một cuốn sách về Pháp Luân Công do Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành năm 2008, Giáo sư David Ownby đã chỉ ra các tường thuật về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên tờ Minghui ấn bản tiếng Anh là “có độ tin cậy cao ngay cả khi chúng ta không có cách nào xác minh chi tiết tất cả những báo cáo đó”. Tuy nhiên, ông Ownby đã có thể xác minh một số báo cáo bằng cách liên hệ với các nhân chứng.

Bất chấp chiến dịch tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên phạm vi toàn cầu, ngày càng có nhiều người ghi nhận cuộc bức hại này.

Các học viên Pháp Luân Công cầm những tấm bích chương ghi tên các nạn nhân của cuộc đàn áp tín ngưỡng của họ ở Trung Quốc tại một cuộc mít tinh ở Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, hôm 8/9/2000. (Ảnh: Levi Browde/ The Epoch Times)

Theo một bài báo được xuất bản vào ngày 22/4 trên tạp chí Spectator của Úc, "cuộc đàn áp đã được xác nhận bởi Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về tra tấn, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cũng như các nhà báo điều tra như ông Ian Johnson”.

Bài báo cũng nhấn mạnh rằng bài báo đã mang về cho ông Ian Johnson giải Pulitzer danh giá. Giải Pulitzer là một trong những giải thưởng danh giá nhất của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là báo chí và văn học.

Trong khi hầu hết mọi người trong và ngoài Trung Quốc đều tin rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công được phát động để phản ứng lại sự kiện ngày 25/4/1999 ở Bắc Kinh, tác giả Trịnh Nham lập luận rằng: "từ năm 1996 đến 1999, nhiều năm trước khi xảy ra sự kiện ở Thiên Tân, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân, với sự trợ giúp của La Cán và Tăng Khánh Hồng, đã dàn dựng một số hoạt động và tấn công bí mật nhằm phỉ báng và làm mất uy tín của Pháp Luân Công”.

Tác giả Trịnh nói rằng vào ngày 25/4, cảnh sát ở Bắc Kinh đã chỉ đạo các học viên Pháp Luân Công “xếp hàng xung quanh khu phức hợp của chính quyền trung ương”, sự việc này có vẻ đúng dựa trên video về sự kiện này. Ông Trịnh lập luận rằng chính quyền sau đó đã cáo buộc các học viên “'bao vây chính phủ'... như một cái cớ để bắt đầu cuộc đàn áp vào tháng 7/1999".

Theo ông Trịnh Nham, cuộc thỉnh nguyện ở Bắc Kinh là “một sự kiện bị chính phủ thao túng để biện minh cho cuộc đàn áp” chứ không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp này.

Với các báo cáo rằng có từ 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công, nhiều hơn số đảng viên ĐCSTQ vào thời điểm đó, giới lãnh đạo ĐSCTQ rất có thể coi Pháp Luân Công là “cái gai trong mắt” và đe dọa đến triều đại của họ.

Theo ông Trịnh Nham, ngay từ năm 1994, chính quyền đã bắt đầu huy động các đặc vụ chìm để điều tra các học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát không phát hiện ra điều gì tiêu cực nhưng vẫn tiếp tục cuộc điều tra của mình. Ngày 17/6/1996, một bài báo xuất hiện trên tờ Quang Minh Nhật báo, cơ quan ngôn luận của chính quyền, báo hiệu cuộc đàn áp của chính quyền bắt đầu.

Khoảng năm tuần sau, ĐCSTQ cấm xuất bản và phân phối các kinh sách Pháp Luân Công.

Tác giả Trịnh Nham phân tích: “Vào tháng 1 và tháng 7/1997, Bộ Công an đã điều tra Pháp Luân Công trên toàn quốc và cố gắng gán môn này dưới một cái mác ‘tà giáo’. Họ không những không thu thập được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cho lời buộc tội trên, mà bản thân nhiều sĩ quan tham gia vào cuộc điều tra đã trở thành học viên Pháp Luân Công”.

Vào tháng 7/1998, ĐCSTQ tuyên bố Pháp Luân Công là tà giáo mặc dù không có bằng chứng. Theo các báo cáo, cảnh sát từ bốn tỉnh và khu vực đã được lệnh bắt đầu cuộc đàn áp. Cảnh sát đã lục soát nhà của các học viên và tịch thu tài sản của họ.

45 học viên đã được trả tự do vào buổi tối 25/4/1999 sau cuộc thỉnh nguyện về sự kiện Thiên Tân ở Bắc Kinh và một nỗ lực rõ ràng vào buổi sáng của Thủ tướng Chu Dung Cơ nhằm xoa dịu phản ứng của ĐCSTQ.

Nhưng sức mạnh của Pháp Luân Công trong việc huy động đông đảo học viên ở Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của Giang Trạch Dân. Năm 2000, Giang tuyên bố cấm Pháp Luân Công.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, “từ tháng 7/1999 đến tháng 3/2001, 188 học viên đã bị tra tấn đến chết ở Trung Quốc, vài trăm người đã bị kết án tới 18 năm tù và hơn 50.000 người đã bị giam giữ trong các trại giam, trại lao động và bệnh viện tâm thần".

Trong gần một phần tư thế kỷ, các học viên Pháp Luân Công đã kiên cường phản đối ĐCSTQ. Đáp lại, cuộc đàn áp ngày càng leo thang bao gồm cả việc ĐCSTQ giam giữ hàng loạt, tra tấn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên bị bỏ tù, mà Liên Hợp Quốc coi đây là tội ác diệt chủng.

Dân biểu Christopher H. Smith phát biểu trong cuộc họp về công tác lập pháp liên quan đến HR 1154 - Đạo luật Chấm dứt Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng năm 2023 tại Washington, hôm 27/3/2023, trong một đoạn phim tĩnh từ một video. (Ảnh: Hạ viện Mỹ/Ảnh chụp màn hình qua NTD)

Khi ĐCSTQ mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới nhờ sự tăng trưởng chưa từng có trong thương mại quốc tế, thì khả năng đàn áp Pháp Luân Công ở hải ngoại của ĐCSTQ cũng tăng theo.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thừa nhận rằng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) đang nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ.

Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ phụ trách Quận phía Đông của New York đã công bố một trường hợp cụ thể và hai vụ bắt giữ hồi tuần trước liên quan đến chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của Bộ Công an Trung Quốc (MPS), bao gồm cả thông qua các đặc vụ để điều hành một "đồn cảnh sát" Trung Quốc không được khai báo ở Thành phố New York . Cả hai đặc vụ trên đều là công dân Hoa Kỳ.

Nhiều người Trung Quốc bất đồng chính kiến, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, đã trở thành mục tiêu của đồn cảnh sát này.

Theo tờ New York Post The Epoch Times, ngay từ năm 2015, chính quyền ĐCSTQ đã chỉ đạo một trong những người bị bắt giữ, ông Lư Kiến Vương (Lu Jianwang), nhắm vào Pháp Luân Công bằng các cuộc biểu tình phản đối.

Đại sứ quán Trung Quốc tại New York được cho là đã "chỉ đạo ông Lư đăng các bài báo nhắm vào Pháp Luân Công", mặc dù ông này đã phủ nhận hành vi đó.

Đồn cảnh sát và mối liên hệ của nó với cuộc đàn áp Pháp Luân Công là dấu hiệu mới nhất cho thấy ĐCSTQ tiếp tục bức hại môn tu luyện tinh thần này và các nhóm thiểu số tôn giáo khác - không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Đáng buồn thay, trong hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công và Phật tử Tây Tạng, ĐCSTQ đã đi xa đến mức phạm tội diệt chủng.

ĐCSTQ dường như không nhận thức được rằng, việc họ càng ít chấp nhận sự đa dạng về quan điểm và thực tiễn ở trong và ngoài Trung Quốc, thì sự tình dường như càng tồi tệ hơn.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ 'tự mình hại mình' bằng cuộc bức hại Pháp Luân Công