G7 tuyên bố sẽ có lập trường thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên Bang Đức Robert Habeck cho biết sau cuộc họp các bộ trưởng thương mại G7 hôm 15/9 rằng, các quốc gia G7 đồng thuận về các vấn đề thương mại và sẽ duy trì lập trường cứng rắn hơn chống lại ĐCSTQ.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp G7, được tổ chức tại Cung điện Neuhardenberg ở phía đông Berlin, bảy cường quốc công nghiệp đã bày tỏ quan ngại về "các hành vi thương mại không công bằng, chẳng hạn như các hình thức ép buộc chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, hạ thấp tiêu chuẩn lao động và môi trường để đạt được lợi thế cạnh tranh, cũng như các hành vi bóp méo thị trường của các doanh nghiệp nhà nước".

Sau cuộc họp G7, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên Bang Đức Robert Habeck nói với các phóng viên rằng mục đích của các cuộc thảo luận G7 về Trung Quốc là nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn cao của thương mại quốc tế và ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đàn áp các nước khác.

Ông Harbeck nói, "Đức nay đã không còn ngây thơ đối với ĐCSTQ, trong khi mọi người nói 'hãy cứ kinh doanh và để nó diễn ra tự nhiên' mà không cần quan tâm đến các tiêu chuẩn xã hội hoặc nhân đạo. Chúng tôi sẽ không cho phép điều này tái diễn".

Ông nói rằng Đức sẽ nỗ lực để thuyết phục Liên minh Châu Âu (EU) xây dựng chính sách thương mại mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ cho Trung Quốc thấy lập trường thương mại mạnh mẽ hơn thông qua châu Âu".

Ông Harbeck cho biết các thành viên của G7 - bao gồm Anh, Canada, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ - cũng đã đồng ý thực hiện một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và sẽ sớm phối hợp hành động.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Reuters hôm thứ Ba (13/9), ông Harbeck xác nhận rằng chính phủ Đức đang xây dựng một chính sách thương mại mới với Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô, pin và các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc.

Ông Harbeck cho biết mục đích của sáng kiến ​​“Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ là giành được cơ sở hạ tầng chiến lược của châu Âu và gây ảnh hưởng lên chính sách thương mại. Do đó, châu Âu không nên ủng hộ dự án “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ. Ông cũng ủng hộ việc giám sát chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc ở châu Âu, và phản đối việc COSCO Shipping sở hữu cổ phần tại Cảng Hamburg, Đức.

Theo phân tích của tờ Reuters, đây là lần đầu tiên Đức chuyển đường lối cứng rắn chống lại ĐCSTQ thành các biện pháp chính sách thực tế. Trong sáu năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai nước đã vượt 245 tỷ euro.

Vào cuối tháng 4 năm nay, cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là Thủ tướng Liz Truss đã công khai cảnh báo ĐCSTQ rằng Nhóm G7 sẽ đoàn kết để trừng phạt tài chính Trung Quốc nếu nước này "không tuân theo các quy tắc" trên trường quốc tế.

Bà Truss tin rằng các cường quốc công nghiệp như G7 nên thành lập một "NATO kinh tế". Nếu nền kinh tế của các nước này bị Trung Quốc và Nga xâm chiếm, các nước thành viên cần phải bảo vệ lẫn nhau.

"Sự trỗi dậy của ĐCSTQ không phải là điều khó tránh khỏi. Nếu họ không tuân thủ quy tắc, họ sẽ không thể tiếp tục vươn lên".

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

G7 tuyên bố sẽ có lập trường thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc