Gã khổng lồ truyền thông Úc sử dụng AI để tạo ra 3.000 tin bài một tuần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi một số hãng truyền thông tỏ ra thận trọng với AI, một số lại hưởng ứng tích cực xu hướng này.

Giám đốc điều hành News Corp Australia Michael Miller đã tiết lộ gã khổng lồ truyền thông đang tích cực sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra 3.000 mẩu tin địa phương mỗi tuần cho khán giả.

Trong một bài phát biểu trước Đại hội Truyền thông Tin tức Thế giới vào tháng trước, vị Giám đốc điều hành cho biết một phần trọng tâm của công ty về nội dung địa phương để thúc đẩy người đăng ký cũng liên quan đến việc sử dụng AI để đưa tin về các chủ đề hàng ngày như thời tiết, giá nhiên liệu và điều kiện giao thông.

"Trong vài năm nay, chúng tôi đã sử dụng tự động hóa để cập nhật giá nhiên liệu địa phương vài lần mỗi ngày cũng như thông tin tòa án hàng ngày, giao thông và thời tiết, thông báo về cái chết và tang lễ", một phát ngôn viên nói với tờ The Guardian.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các thông tin và quyết định đó đều được giám sát bởi các nhà báo đang làm việc từ nhóm Dữ liệu địa phương".

Ông Miller tiết lộ rằng trọng tâm trước mắt của News Corp là tập trung vào đối tượng "siêu địa phương" để thúc đẩy đăng ký và phục vụ cho các thị trấn nhỏ có ít hơn 15.000 người ở Úc.

Ông nói: “Họ sống trong các cộng đồng tiến bộ với các mối quan tâm tích cực về thể thao, chính trị, kinh doanh và du lịch và mức độ tương tác trên mạng xã hội thấp hơn".

Gã khổng lồ truyền thông Úc sử dụng AI để tạo ra 3.000 tin bài một tuần
Chủ tịch điều hành News Corp Úc Michael Miller trong phiên điều trần công khai về sự đa dạng của truyền thông ở Úc tại Ủy ban Tham khảo về Môi trường và Truyền thông tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 19/02/2021 ở Canberra, Úc. (Ảnh: Sam Mooy/Getty Images)

Công vụ viết tin của Google

Bài thuyết trình được đưa ra sau khi The New York Times tiết lộ Google đã phát triển một công cụ AI mới, Genesis, để hỗ trợ việc đưa tin.

Theo thông tin, công cụ này có thể tiếp nhận các sự kiện và viết các tin tức. Các giám đốc điều hành truyền thông của The Times, The Washington PostNews Corp đã được xem một buổi trình diễn của công cụ này.

Sự thay đổi của ngành công nghiệp tin tức hướng tới việc sử dụng AI đang dẫn dần diễn ra, với một số công ty triển khai một cách tiếp cận cẩn thận với sự giám sát của con người và những công ty khác lao mình vào công nghệ này.

Tờ báo lớn nhất của Đức, Bild, đã nắm bắt mạnh mẽ công nghệ này với việc nhà xuất bản của nó loại bỏ hàng trăm vị trí và thay thế nó bằng AI.

Công ty cho biết họ sẽ "chia tay với những đồng nghiệp có công việc sẽ bị thay thế bởi AI và/hoặc các quy trình tự động trong thế giới kỹ thuật số hoặc những người không thấy mình phù hợp với đội ngũ mới này với các kỹ năng hiện tại của họ", theo một email được tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine thu thập.

"Các vai trò như biên tập viên, nhà báo sản xuất in ấn, người đọc lại, người chỉnh sửa ảnh và trợ lý sẽ không còn tồn tại như hiện nay".

Vào tháng 3, CEO Axel Springer [đơn vị chủ quản của Bild], ông Mathias Döpfner, đã đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ cho nhân viên về tác động của AI.

“Trí tuệ nhân tạo có khả năng làm cho báo chí độc lập trở nên tốt hơn bao giờ hết — hoặc đơn giản là thay thế nó”, ông nói trong một bức thư nội bộ gửi nhân viên.

“Hiểu được sự thay đổi này là điều cần thiết cho khả năng tồn tại trong tương lai của một nhà xuất bản”, ông Döpfner nói thêm. “Chỉ những người tạo ra nội dung gốc tốt nhất mới tồn tại”.

Quan điểm thận trọng hơn

Trái ngược với ông Döpfner, những người đứng đầu các nhà xuất bản Mỹ có quan điểm thận trọng hơn về ứng dụng của AI.

Nhà xuất bản báo chí khổng lồ Gannett và dịch vụ tin tức Reuters cho biết họ sẽ đưa AI vào quy trình sản xuất tin bài nhưng chỉ với sự giám sát của con người.

"Mong muốn đi nhanh là một sai lầm đối với một số dịch vụ tin tức khác", ông Renn Turiano, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc sản phẩm của Gannett, cho biết trong các bình luận được Reuters thu thập.

"Chúng tôi không phạm sai lầm đó".

Trong khi đó, ông trùm truyền thông Barry Diller, người đồng sáng lập Fox Broadcasting Company, cảnh báo thẳng thắn rằng AI có thể tàn phá các tòa soạn.

“Trừ khi các nhà xuất bản nói, 'Bạn không thể làm điều đó cho đến khi có một cơ sở phù hợp để các nhà xuất bản được trả tiền'. Bạn sẽ thấy một làn sóng khác thậm chí còn tàn phá hơn”, ông nói với Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu Sir Harry Evans về Báo chí Điều tra.

Ông Diller đã so sánh tác động của AI với tác động của tin tức trực tuyến đối với ngành truyền thông truyền thống, nói rằng có "sự tàn phá to lớn" đối với các tòa soạn.

Các chính phủ trên toàn thế giới hiện đang vật lộn với việc xây dựng các quy định để kiểm soát sự phát triển của AI.

Doanh nhân công nghệ và người sáng lập Tesla, ông Elon Musk, là người chỉ trích đáng chú ý nhất về sự đổi mới không kiểm soát trong lĩnh vực AI.

Ông Musk đã cùng với hơn 1.000 chuyên gia công nghệ khác kêu gọi tạm dừng ngay lập tức việc phát triển AI.

Trong một bức thư chung, họ cảnh báo rằng các công ty đã "bị cuốn vào một cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát nhằm phát triển và triển khai những bộ óc kỹ thuật số ngày càng mạnh mẽ hơn mà không ai - kể cả những người tạo ra chúng - có thể hiểu, dự đoán hoặc kiểm soát một cách đáng tin cậy".

"Các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi chúng ta tự tin rằng tác động của chúng sẽ tích cực và rủi ro của chúng sẽ có thể được kiểm soát", bức thư cho biết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Gã khổng lồ truyền thông Úc sử dụng AI để tạo ra 3.000 tin bài một tuần