Gần 1.000 người thiệt mạng và 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi 'trận lụt kinh hoàng' ở Pakistan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Pakistan đã hứng chịu những trận mưa gió mùa liên tục kể từ tháng 6. Lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người và khiến hơn 30 triệu người mất nhà cửa. Chính phủ nước này ngay lập tức ban bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia".

Gần 1.000 người thiệt mạng vì lũ lụt, Pakistan ban bố tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 6 để đối phó với lũ lụt trong mùa mưa. Theo Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan (NDMA), ít nhất 982 người, trong đó có 343 trẻ em, đã thiệt mạng kể từ giữa tháng 6. Các vùng đầm lầy ở phía tây nam Balochistan vẫn bị ngập lụt. Cảnh tượng gợi nhớ đến trận lũ lụt tàn phá quốc gia này năm 2010.

Ngập lụt không phải là hiếm ở Pakistan, nhưng người dân địa phương cho biết những trận mưa gần đây là điều họ chưa từng thấy. Lượng mưa ở Sindh gần gấp 8 lần mức trung bình trong tháng Tám. Một quan chức địa phương gọi đó là "đại hồng thủy trong Kinh thánh".

Tại nhiều khu vực, các tuyến đường vành đai ngoài cũng bị gián đoạn khiến các nhân viên cứu hộ gặp khó khăn khi đến vùng thiên tai sơ tán người bị nạn. Các tỉnh như Balochistan và Sindh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã đăng lên Twitter, "Những trận mưa liên tục đã tàn phá khắp đất nước. Thiệt hại, mặc dù chưa được thống kê đầy đủ nhưng có thể so sánh với trận lũ quét năm 2010", ám chỉ trận lũ chết người năm 2010.

Khi một phóng viên đài BBC lái xe qua Sindh, mọi ngôi làng đều chật kín. Người dân địa phương buộc phải di dời và mô tả đây là trận lụt tồi tệ nhất mà họ từng trải qua.

Hơn 100 huyện ở bốn tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Thủ đô Quetta của Balochistan bị chia cắt với phần còn lại của đất nước và nhiều đường cao tốc và cầu bị cuốn trôi theo dòng lũ. Hơn một nửa số thương vong đến từ Balochistan và nam Sindh, nơi những trận mưa kỷ lục đã phá hủy nửa triệu ngôi nhà trên khắp cả nước. Số lượng thiệt mạng của Balochistan là 234 và nam Sindh là 306 người.

Một người tên Fida Saddam Shahani đến từ một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Sindh đang đau buồn vì con trai bị nước lũ cuốn trôi. “Hôm qua, nước lũ tiếp tục dâng cao tràn vào nhà chúng tôi, đứa con trai 17 tuổi của tôi bị bỏ lại khi chúng tôi cố gắng lên vùng đất cao hơn, tôi chỉ tìm được thi thể của nó sáng nay”, Shahani nói.

Người đàn ông 42 tuổi cho biết chính phủ đã không cung cấp bất kỳ khoản cứu trợ hay trợ giúp nào cho gia đình 12 người của ông và chỉ có những người tình nguyện đến để giúp gia đình.

Ông Shahani cho biết lượng mưa năm nay là chưa từng có và nói thêm, "Ngay cả trong trận lũ lụt năm 2010, tình hình cũng không quá tệ, chúng tôi chưa bao giờ phải rời làng của mình, nhưng lần này, mọi thứ đã bị phá hủy".

Thảm họa nhân đạo kinh hoàng! Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng ở Pakistan

Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman hôm 26/8 cho biết những trận mưa và lũ lụt trong lịch sử đã ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người trong vài tuần qua và gọi đây là một "thảm họa nhân đạo kinh hoàng".

Theo báo cáo của CNN hôm 26/8, ông Lehman cho biết 33 triệu người bị ảnh hưởng và số người vô gia cư cuối cùng đang được đánh giá. "Miền nam Pakistan gần như chìm trong biển nước".

Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) lưu ý rằng những trận mưa gió mùa đã ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu người ở Pakistan, trong đó 184.000 người phải di dời đến các trại cứu trợ trên khắp đất nước. Trong 24 giờ qua, 150 km đường trên khắp Pakistan đã bị hư hại và hơn 82.000 ngôi nhà bị hư hại một phần hoặc toàn bộ, Cơ quan Quản lý Thảm họa Pakistan (NDMA) cho biết trong một báo cáo.

Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman lưu ý rằng Sindh đã hứng chịu lượng mưa nhiều hơn 784% trong tháng này so với mức trung bình của tháng 8, trong khi tỉnh Balochistan có lượng mưa nhiều hơn gần 500%. Có 23 khu vực của đất nước đã được tuyên bố là "thảm họa".

Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Pakistan (NDMA), các khu vực của Punjab và Khyber Pakhtunkhwa có thể phải đối mặt với "lũ lụt rất nặng" trong những ngày tới, với nhiều trận lũ quét hơn ở Balochistan.

Ông Lehman nói: “Pakistan đang ở giữa thời kỳ gió mùa chưa từng có và dữ liệu cho thấy một chu kỳ khác có thể xảy ra vào tháng 9”.

Hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất - Balochistan và Sindh - đã hứng chịu lượng mưa lần lượt là 298mm và 689mm trong năm nay, cao hơn khoảng 400% so với mức trung bình trong 30 năm trở lại đây.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Gần 1.000 người thiệt mạng và 33 triệu người bị ảnh hưởng bởi 'trận lụt kinh hoàng' ở Pakistan