Gián điệp Triều Tiên đã thâm nhập Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong nhiều năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, một cựu sĩ quan quân đội cấp cao của cơ quan gián điệp Triều Tiên, hiện là một người đào tẩu, đã làm chứng rằng một điệp viên Triều Tiên đã xâm nhập vào văn phòng tổng thống Hàn Quốc trong 5 hoặc 6 năm vào đầu những năm 1990, và sau đó quay trở lại Triều Tiên. Triều Tiên sẽ không ngừng các hoạt động gián điệp ở Hàn Quốc chừng nào nơi này chưa bị cộng sản hoá bởi gia tộc Kim.

Đeo kính râm khi quay phim, ông Kim Kuk-song, Đại tá cấp cao của Tổng cục Trinh sát Triều Tiên, nói với BBC hôm 11/10 rằng ông đã mất 30 năm để thăng tiến lên vị trí lãnh đạo cấp cao tại các cơ quan gián điệp của Triều Tiên, vốn là “đôi mắt, đôi tai, và bộ não của Lãnh tụ tối cao.”

Việc các điệp viên Triều Tiên được cử đến Hàn Quốc để thực hiện các hoạt động bí mật như tiếp cận và móc nối với những nhân vật quan trọng không phải là một bí mật.

Cựu quan chức quân đội Triều Tiên nói rằng một trong những nhiệm vụ của ông là thiết kế các chiến lược khác nhau nhằm thu được thông tin tình báo hữu hiệu từ Hàn Quốc. Khi còn tại nhiệm, ông Kim Kuk-song nhiều lần phái các điệp viên đến Hàn Quốc. Trong số đó có một điệp viên Triều Tiên từng làm việc tại Cheong Wa Dae, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Gián điệp Triều Tiên đã làm việc cho Nhà Xanh trong khoảng 5 đến 6 năm

Điều đó đã xảy ra vào đầu những năm 1990. “Sau khi làm việc cho Nhà Xanh [Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc] trong khoảng 5 đến 6 năm, điệp viên này đã an toàn trở về Triều Tiên và làm việc tại Văn phòng Liên lạc 314 của Đảng Lao động,” ông Kim cho biết.

“Tôi có thể nói với bạn rằng các đặc vụ Triều Tiên đóng vai trò tích cực tại các tổ chức xã hội dân sự khác nhau cũng như tại nhiều tổ chức quan trọng khác tại Hàn Quốc”.

Nhưng “cấp bậc và lòng trung thành không đảm bảo an toàn cho bạn ở Triều Tiên,” ông nói với BBC.

Năm 2014, ông Kim trốn khỏi Triều Tiên và sống ở Seoul kể từ đó, làm việc cho tình báo Hàn Quốc.

Giải thích cho lý do đào tẩu của mình, ông Kim nói rằng ông từng là cộng sự thân cận của Jang Song-thaek bị thanh trừng. Ông Jang là chú dượng (kết hôn với cô) của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Jang từng là nhân vật quyền lực số 2 của đất nước khi lãnh tụ tối cao tiền nhiệm Kim Jong-il bị bệnh. Chủ tịch Kim Jong-un đã xử tử ông Jang, chú dượng của mình, vào năm 2013.

Ông Kim cho biết ông đã sống một cuộc sống đặc biệt ở Triều Tiên. Dì của Kim Jong-un từng tặng cho ông một chiếc Mercedes và cho phép ông tự do đi lại để quyên tiền cho lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011. Lãnh tụ tối cao Kim Jong-un quyết định thanh trừng những người mà ông coi là mối đe dọa, bao gồm cả người chú dượng Jang Song-thaek.

Ông Kim đã nghĩ rằng ông Jang sẽ bị đày về vùng nông thôn. Ông Kim đã sốc khi nhận tin rằng ông Jang đã bị xử tử, lúc nhận được tin này, ông Kim đang ở nước ngoài. “Đó là một đòn chí mạng và tôi vô cùng hoảng sợ… Tôi ngay lập tức cảm thấy nguy hiểm đến tính mạng của mình. Tôi biết mình không thể ở lại Triều Tiên nữa ”.

Sau đó Kim đã quyết định cùng gia đình bỏ trốn sang Hàn Quốc.

BBC cho biết họ không thể xác minh các tuyên bố của ông Kim một cách độc lập. BBC đã liên hệ với đại sứ quán Triều Tiên ở London và phái đoàn ở New York nhưng không nhận được phản hồi.

Chuyên gia: Triều Tiên sẽ không bao giờ ngừng các hoạt động gián điệp ở Hàn Quốc

Ông Yoo Dong-ryul, Chủ tịch Viện Dân chủ Tự do Hàn Quốc, nói với Đại Kỷ Nguyên rằng Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động gián điệp ở Hàn Quốc như đã từng làm trong quá khứ, mặc dù hai nước đang trong tiến trình hòa giải.

Ông Yoo Dong-ryul, Chủ tịch Viện Dân chủ tự do Hàn Quốc (Nguồn: Ảnh chụp từ màn hình video của NTD/ The Epoch Times)

"Bất kể mối quan hệ chính trị giữa miền Bắc và miền Nam, cho dù có thân thiết về chính trị hay không, các tổ chức gián điệp của Triều Tiên sẽ liên tục hoạt động để đạt được các mục tiêu của chế độ", ông Yoo nói. "Trong thời kỳ hòa giải, miền Bắc Triều còn tranh thủ cơ hội để do thám một cách mạnh mẽ hơn."

Ông Yoo cho biết các tổ chức gián điệp của Triều Tiên như Tổng cục Trinh sát, Cục Trao đổi Văn hóa và Cục Mặt trận Thống nhất sẽ rất nhàn rỗi nếu họ không tham gia vào công việc gián điệp. Ông nói rằng không có gián điệp nào bị bắt ở Hàn Quốc, nhưng các tổ chức này vẫn tồn tại và hoạt động, vì vậy có rất nhiều gián điệp của Triều Tiên ở Hàn Quốc, họ chỉ chưa được xác định.

Ông Yoo nói: “Họ [gián điệp Bắc Triều Tiên] đã hoạt động ở Hàn Quốc ít nhất 20 năm, không chỉ trong một hoặc hai ngày,” ông Yoo cũng nhấn mạnh thêm rằng “những điệp viên đó đang hoạt động trong giới chính trị để lừa một số đảng viên và đã tiến hành các hoạt động gián điệp điển hình, đặc biệt là ở Chungbuk.” Chungbuk là một tỉnh ở Hàn Quốc.

Theo chuyên gia này, gián điệp Triều Tiên sẽ không vội vã tuyển dụng người, họ sẽ cẩn thận điều tra trước. “Các điệp viên đánh giá liệu ứng cử viên tuyển dụng đó có giá trị để khai thác hay không, họ đặt tên cho quá trình này là‘ phát triển tài năng. Thông tin sau đó được tham chiếu chéo đến các mạng gián điệp khác, từ đó xác định xem có tuyển dụng [mua chuộc] người đó làm gián điệp hay không sau khi đã có xác nhận ”.

Theo ông Yoo, trước những năm 1990, các điệp viên Triều Tiên sẽ che giấu sự thật rằng họ đến từ Triều Tiên, nhưng từ giữa những năm 1990, họ sẽ tự nhận dạng bản thân và sau đó tiếp cận và lôi kéo đối thủ.

Trước đây, các điệp viên Triều Tiên đã thâm nhập vào Hàn Quốc với mục đích quân sự, đánh cắp bí mật quân sự và lôi kéo những cá nhân cụ thể. Giờ đây, nhiệm vụ của các điệp viên rộng lớn hơn và mạng lưới điệp viên dày đặc hơn, đặc biệt là một số kẻ đào ngũ giả mạo, thậm chí còn tham chính tại Hàn Quốc.

Hơn 30.000 người đào tẩu khỏi Triều Tiên đã vào Hàn Quốc, và trong số đó có nhiều điệp viên cải trang thành những người đào tẩu để vào Hàn Quốc hợp pháp, Yoo nói thêm.

Chừng nào Hàn Quốc còn chưa được cộng sản hoá thì Triều Tiên còn chưa ngừng các hoạt động gián điệp của mình

Ông Yoo cho biết lý do Triều Tiên tiếp tục do thám Hàn Quốc là để duy trì chế độ của nước này. Mục tiêu của Triều Tiên là tiếp quản Hàn Quốc và thống nhất toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Khi đó Hàn Quốc sẽ bị cai trị bởi chế độ độc tài hiện nay của gia tộc Kim. Mục tiêu này đã được tuyên bố trong một chương của Đảng Lao động Hàn Quốc.

“Đây là mục tiêu của Đảng Lao động Hàn Quốc… Đảng phái các điệp viên xuống phía nam và gọi đó là‘ thời kỳ quyết định’. Thời kỳ quyết định là gì? Đó là một thời kỳ thống nhất không gượng ép”, ông Yoo nói.

“Chừng nào Hàn Quốc còn chưa được cộng sản hóa thì Triều Tiên còn chưa ngừng các hoạt động gián điệp của mình. Hàn Quốc không thể ngăn chặn được [mục tiêu này của họ]”.

“Rất khó để bắt được một điệp viên, đặc biệt là dưới thời chính quyền Moon Jae-in. Tổng thống hiện tại của Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in, đã áp dụng chính sách hữu nghị giữa Triều Tiên và Hàn Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền, và để cải thiện quan hệ Bắc-Nam, tổng thống thậm chí còn phục vụ cho Triều Tiên.

“Người dân của đất nước chúng tôi [Hàn Quốc] cần thực sự nhận thức được chế độ của Kim Jong-un”, ông Yoo nói.

Yoo trích dẫn một cuộc thăm dò công khai cho thấy 70% người Hàn Quốc cho rằng Kim Jong-un là một người rất tốt sau Tuyên bố Panmunjom và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, được coi là những dấu mốc quan trọng của mối quan hệ hữu nghị giữa Bắc-Hàn trong những năm gần đây.

Nhưng “suy nghĩ đó hoàn toàn sai,” Yoo nói.

Tuyên bố Panmunjom được thông qua vào ngày 27 tháng 4 năm 2018 và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng được đưa ra vào tháng 9 năm 2018, theo thỏa thuận của Tổng thống Hàn Quốc ông Moon Jae-in và Lãnh đạo tối cao Triều Tiên ông Kim Jong-un.

Yoo nói: “Người dân Hàn Quốc nghĩ rằng Triều Tiên sẽ không gửi thêm gián điệp nữa trong quá trình hòa giải giữa hai miền Nam - Bắc. Đó là một suy nghĩ là sai lầm.

Chế độ Kim Jong-un là một chế độ chuyên quyền, bạo lực “Kim Jong-un có thể giết chú mình và anh trai cùng cha khác mẹ của mình là Kim Jong-nam. Ông ta đang đàn áp nhân quyền của người dân Triều Tiên, đó là bản chất của một chế độ chuyên chế ”.

Đàm Thanh

(Theo The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Gián điệp Triều Tiên đã thâm nhập Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong nhiều năm