Giao tranh chuyển sang phía đông sau khi Nga rút khỏi Kherson

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Nga rút quân khỏi bờ tây bắc sông Dnipro ở khu vực phía nam Kherson, trọng tâm giao tranh đã chuyển hướng sang phía đông, theo các nguồn tin của Nga và Ukraine.

Giao tranh khốc liệt nhất được cho là đang diễn ra ở khu vực phía đông Donetsk cùng với Luhansk, tạo nên vùng Donbass nói tiếng Nga.

Vào cuối tháng 9, Nga chính thức sáp nhập Donetsk và Luhansk, cùng với các vùng phía nam Kherson và Zaporizhzhia. Kể từ đó, Moscow xem cả 4 khu vực này là lãnh thổ của Liên bang Nga.

Về phần mình, Kyiv và các đồng minh phương Tây từ chối công nhận tính hợp pháp của các cuộc sáp nhập này.

Hôm 17/11, cố vấn Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho hay, giao tranh đang diễn ra ở khu vực Donetsk hiện tập trung vào các thị trấn Pavlivka, Vuhledar, Maryianka và Bakhmut, cũng như các thị trấn Avdiivka và Bilohorivka.

Các nguồn tin thân Nga cũng đưa tin rằng, giao tranh ác liệt đang nổ ra ở khu vực Donetsk, trong đó các lực lượng Ukraine đã hứng chịu tổn thất nặng nề cả về nhân lực và khí tài trong vòng 24 giờ qua.

Hãng thông tấn TASS của Nga hôm 17/11 dẫn lời lực lượng quân sự của Cộng hòa Nhân dân Donetsk thân Nga cho biết, hàng chục binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và một lượng lớn thiết bị quân sự bị phá hủy.

Đầu tuần này, Moscow tuyên bố rằng thị trấn Pavlivka của Donetsk đã rơi vào tay lực lượng Nga và các đồng minh địa phương sau nhiều ngày giao tranh ác liệt.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, có tới 1.400 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong nhiều ngày giao tranh bên trong và xung quanh thị trấn chiến lược.

The Epoch Times không thể xác minh các tuyên bố trên chiến trường của cả hai bên.

Các tòa nhà nằm trong đống đổ nát sau khi bị phá hủy trong cuộc giao tranh giữa lực lượng chiếm đóng Ukraine và Nga, hôm 23/10/2022 tại Kam'yanka, Kharkiv oblast, Ukraine. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Tái triển khai lực lượng đến mặt trận phía Đông

Các lực lượng Ukraine đã tiến vào Kherson và các vị trí chiến lược khác gần sông Dnipro.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói rằng, có bằng chứng cho thấy các lực lượng Nga đã thực hiện hành vi tàn bạo đối với người dân địa phương trước khi họ rút khỏi khu vực.

Các quan chức Nga phủ nhận những cáo buộc trên và lên án lực lượng Ukraine đã dàn dựng "các cuộc trả đũa phi pháp" đối với cư dân thân Nga của thành phố Kherson.

Việc Nga rút lui được coi là một chiến thắng to lớn dành cho Kyiv.

Tuy nhiên, cuộc rút quân cũng giúp giải phóng một lượng đáng kể nhân lực và thiết bị của Nga, được cho là đang tái triển khai tới mặt trận phía đông và khu vực Zaporizhzhia lân cận.

Trong khi đó, các lực lượng Nga hôm 17/11 tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng.

Theo Kyiv, tuần này Ukraine đã chứng kiến ​​các cuộc oanh tạc dữ dội nhất của Nga vào cơ sở hạ tầng nước này trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng.

Thủ tướng Denys Shmyhal nói với hãng thông tấn Interfax Ukraine vào ngày 17/11 rằng: “Ngay bây giờ, các tên lửa đang bay qua lãnh thổ Kyiv”.

Ông nói thêm rằng, các lực lượng Nga hiện đang tấn công các cơ sở sản xuất khí đốt và nhà máy sản xuất vũ khí ở thành phố Dnipro, miền trung Ukraine.

Cùng ngày, các nguồn tin Ukraine cũng đưa tin về các vụ nổ lớn ở thủ đô Kyiv và thành phố cảng Odesa ở miền nam nước này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về tình hình ở Ba Lan sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7 và Châu Âu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào ngày 16/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Sự cố tên lửa rơi xuống Ba Lan

Trong một lần hiếm hoi thể hiện sự mất đoàn kết giữa Nhà Trắng và Kyiv, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã bác bỏ gay gắt những khẳng định của ông Zelenskyy rằng một tên lửa tấn công lãnh thổ Ba Lan trong tuần này là do Nga phóng.

“Đó không phải là bằng chứng”, ông Biden nói với các phóng viên vào ngày 17/11 sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia.

Hai ngày trước đó, một quả tên lửa đã tấn công một cơ sở sấy ngũ cốc ở làng Przewodow, Ba Lan, khiến hai người thiệt mạng. Przewodow nằm cách biên giới Ukraine chỉ 6 km.

Vụ việc xảy ra khi các lực lượng Nga tiếp tục tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine, dẫn đến những suy đoán ban đầu rằng tên lửa có thể do Nga phóng.

Trong khi các quan chức Ba Lan và Ukraine nhanh chóng quy trách nhiệm cho Nga về vụ việc, thì ngay sau đó đã có thông tin cho rằng rất có thể đó là một tên lửa phòng không của Ukraine.

Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 16/11, đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya đã cáo buộc Warsaw và Kyiv cố gắng “kích động một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.

Tờ TASS dẫn lời ông Nebenzya cho biết, ông Zelenskyy "không thể không nắm được thông tin rằng, đó chính là tên lửa của Ukraine được phóng từ một hệ thống phòng không và bay qua Ba Lan”.

Ông nói: “Đó không chỉ là thông tin sai lệch có chủ ý, mà là một nỗ lực có ý thức nhằm thúc đẩy NATO, tổ chức đang tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga ở Ukraine, tham gia vào một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga”.

Chính phủ Ba Lan “cũng không khác là mấy”, ông Nebenzya nói thêm và lưu ý rằng, Warsaw ban đầu đã khẳng định chắc chắn rằng Ba Lan “đã bị Nga tấn công”.

Tuy nhiên, Kyiv dường như tiếp tục khẳng định các tuyên bố của mình và yêu cầu được tiếp cận địa điểm xảy ra vụ nổ ở đông nam Ba Lan, nơi một đội ngũ của Ba Lan và Mỹ hiện đang điều tra vụ việc.

Ông Jakub Kumoch, cố vấn của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, hôm 17/11 cho biết, “Nếu cả hai bên đạt được sự đồng thuận, và theo như tôi biết thì sẽ không có sự phản đối nào từ phía Mỹ, thì có thể sớm đạt được quyền tiếp cận [địa điểm xảy ra vụ nổ]”.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giao tranh chuyển sang phía đông sau khi Nga rút khỏi Kherson