Giao tranh tại Sudan: Người Mỹ thứ hai thiệt mạng, thảm họa sinh học rình rập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (26/4), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby xác nhận một công dân Mỹ thứ hai đã thiệt mạng tại Sudan trong một cuộc xung đột bạo lực giữa quân đội và một nhóm bán quân sự tại nước này. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng Sudan hiện đang đối mặt với nguy cơ xảy ra thảm họa sinh học quy mô lớn.

Phát biểu trước báo giới qua cuộc gọi video, ông Kirby xác nhận rằng một người Mỹ thứ hai đã thiệt mạng hôm 25/4 tại Sudan nhưng không cung cấp thông tin chi tiết xung quanh cái chết của người Mỹ không rõ danh tính này.

Ông Kirby nói với đài Fox News rằng: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình [nạn nhân xấu số]”.

"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm rõ với lãnh đạo của cả Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) rằng họ phải chịu trách nhiệm bảo vệ thường dân và những người không tham chiến, bao gồm cả những người đến từ các nước thứ ba và nhân viên nhân đạo đang làm nhiệm vụ cứu người”.

Ông Kirby cũng nhấn mạnh rằng giao tranh dường như đã lắng dịu “đáng kể” và chính quyền ông Biden đang tiếp tục đàm phán với cả hai bên trong cuộc xung đột để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn nhằm cho phép tăng cường viện trợ nhân đạo.

“Mặc dù vẫn có những báo cáo về bạo lực và pháo kích lẻ tẻ, nhưng chúng tôi rất vui khi thấy rằng mức độ bạo lực nói chung dường như đã giảm đáng kể. Chúng tôi kêu gọi cả hai bên quân sự duy trì và kéo dài đầy đủ lệnh ngừng bắn”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng bạo lực đơn giản là không thể chấp nhận được và phải chấm dứt. Chúng ta phải làm những gì phù hợp với người dân Sudan. Họ muốn hòa bình và an ninh quay trở lại Khartoum và trên khắp đất nước, đồng thời họ muốn chứng kiến ​​sự chuyển đổi sang chế độ dân sự. Và chúng ta phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu này”.

Tuần trước, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận cái chết của công dân Hoa Kỳ đầu tiên ở Sudan trong một tuyên bố với giới truyền thông.

Bình luận của Nhà Trắng được đưa ra sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) được công bố và có hiệu lực từ nửa đêm 24/4 sau "các cuộc đàm phán căng thẳng trong 48 giờ qua", Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tuần này.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, một nhân chứng cho biết anh này đã nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ lẻ tẻ ở thành phố Omdurman, mặc dù người dân địa phương cho biết giao tranh chỉ giới hạn ở trụ sở SAF ở Khartoum và các căn cứ xung quanh Omdurman.

Lệnh ngừng bắn mới nhất là nỗ lực thứ tư nhằm chấm dứt giao tranh kể từ khi xung đột ở Sudan nổ ra vào ngày 15/4. Một số lệnh ngừng bắn ngắn hạn đã được hai nhóm tham chiến nhất trí trong tuần qua, nhưng không phải tất cả đều được thực hiện.

Nỗ lực sơ tán của ông Biden bị chỉ trích là 'nỗi ô nhục'

Trong khi đó, chính quyền ông Biden đã bị một số người Mỹ ở quê nhà chỉ trích vì “ra lệnh quân đội mở chiến dịch sơ tán nhân viên của chính phủ Mỹ khỏi Khartoum” hôm 22/04/2023. Một nhà phê bình đã so sánh nỗ lực này của chính quyền ông Biden với sứ mệnh mang mật danh “Móng Vuốt Đại bàng” (Eagle Claw) năm 1979.

Đây là một chiến dịch quân sự của Hoa Kỳ do Tổng thống Jimmy Carter chỉ đạo nhằm giải cứu 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran trong giai đoạn nổ ra Cách mạng Hồi giáo Iran

Ông Joe Kent, một cựu thành viên đặc nhiệm của Lục quân Mỹ, đã đăng lên Twitter rằng việc Tổng thống Joe Biden bỏ rơi người Mỹ là một "nỗi ô nhục".

Đề cập đến Chiến dịch Móng Vuốt Đại Bàng, ông Kent lập luận rằng, hơn bốn thập kỷ trước chính phủ Mỹ "đã không bỏ rơi người Mỹ ở Iran, sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn và gánh chịu những tổn thất thảm khốc để cố gắng giải cứu người dân Mỹ".

Ông nói thêm: "Còn ngày nay, Tổng thống Biden nói với 16.000 người Mỹ bị mắc kẹt ở Sudan rằng họ phải tự lo liệu. Các nhà lãnh đạo không bao giờ bỏ rơi người dân của đất nước mình. Ông Biden là một nỗi ô nhục".

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Khartoum của Sudan, nơi có tổng cộng chưa đến 100 người. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo rằng do tình hình bạo lực leo thang nên chính phủ không thể hỗ trợ sơ tán những công dân song tịch đang mắc kẹt tại nước này.

Trong một tuyên bố hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Blinken cho biết chỉ có “vài chục” người Mỹ bày tỏ mong muốn sơ tán. Ông nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ không nắm rõ số lượng người Mỹ còn mắc kẹt tại Sudan và chỉ biết những người đã yêu cầu giúp đỡ hoặc bày tỏ mong muốn được di tản.

“Người Mỹ không bắt buộc phải đăng ký với Đại sứ quán, với chính phủ, kể cả khi họ đi, khi họ cư trú hay khi họ sơ tán. Vì vậy, chúng tôi không thể xác định chính xác số lượng người Mỹ đang ở đó vào bất kỳ thời điểm nào, kể cả bây giờ", ông Blinken giải thích.

Chính quyền ông Biden đang ‘tích cực’ giúp đỡ người Mỹ mắc kẹt tại Sudan

Hôm 26/4, ông Kirby cho biết Tổng thống Biden đã “yêu cầu triển khai mọi phương án khả thi để giúp đỡ càng nhiều người Mỹ càng tốt”, đồng thời khẳng định Washington đang “tích cực tạo điều kiện cho một số lượng tương đối nhỏ người Mỹ” muốn sơ tán.

Ông nhấn mạnh rằng một số người Mỹ đã đến Cảng Sudan để sơ tán và nhận được sự giúp đỡ, đồng thời Hoa Kỳ đang tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực sơ tán hạn chế khác.

Theo ông Kirby, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã triển khai lực lượng tới khu vực và sẵn sàng tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo, với điều kiện cả hai bên xung đột phải nhất trí cam kết tuân thủ và gia hạn thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, WHO cho biết hơn 450 người đã thiệt mạng và ít nhất 4.000 người bị thương trong các cuộc bạo động. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, cuộc chiến cũng đã tàn phá các bệnh viện, cản trở việc phân phối thực phẩm và làm gián đoạn nguồn cung cấp điện ở một quốc gia vốn đã dựa vào viện trợ cho một phần ba dân số, tương đương khoảng 16 triệu người.

Sudan đối mặt với nguy cơ xảy ra thảm họa sinh học quy mô lớn

Ngoài ra, Tiến sĩ Nima Saeed Abid, Đại diện của WHO tại Sudan, phát biểu trong một cuộc họp báo của Liên Hợp Quốc tại Geneva vào thứ Ba (25/4) qua liên kết video từ Cảng Sudan rằng, một phe trong xung đột đã kiểm soát phòng thí nghiệm y tế trung tâm ở thủ đô Khartoum, trục xuất toàn bộ các chuyên viên khỏi phòng thí nghiệm và biến đây thành căn cứ quân sự.

Theo đó, phòng thí nghiệm bị chiếm giữ ở Sudan là nơi chứa chứa các chủng phân lập bệnh bại liệt, chủng phân lập bệnh sởi và các chủng phân lập dịch tả cùng hàng loạt các virus nguy hiểm khác để phục vụ cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học. Đây là những loại virus có khả năng gieo rắc chết chóc.

“Điều đó cực kỳ, cực kỳ nguy hiểm vì chúng tôi lưu trữ các chủng phân lập bại liệt, chủng phân lập bệnh sởi và chủng phân lập bệnh tả trong phòng thí nghiệm", ông Abid nói.

“Việc một trong những bên tham chiến chiếm đóng Phòng Thí nghiệm Y tế trung tâm ở thủ đô Khartoum gây ra rủi ro sinh học đáng kể”, ông bày tỏ.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Giao tranh tại Sudan: Người Mỹ thứ hai thiệt mạng, thảm họa sinh học rình rập