Giới tinh hoa Moscow cũng không thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu Nga xâm lược Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên hôm thứ Hai (31/1) rằng, Hoa Kỳ hiện đang xem xét các gói trừng phạt đối với các thành viên nội các của Nga, những người có vai trò chủ chốt trong việc ra quyết định của chính phủ hoặc "đồng lõa với hành vi gây bất ổn của Điện Kremlin”. Không chỉ về kinh tế, mà Nga sẽ phải gánh chịu các lệnh trừng phạt ở mọi góc độ.

Nhà Trắng cho biết, phản ứng đề xuất của Mỹ trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ.

Tái diễn các lệnh trừng phạt hồi 2014 đối với giới tinh hoa

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên hôm thứ Hai (31/1) rằng, Hoa Kỳ hiện đang xem xét các gói trừng phạt đối với các thành viên nội các của Nga, những người có vai trò chủ chốt trong việc ra quyết định của chính phủ hoặc "đồng lõa với hành vi gây bất ổn của Điện Kremlin”.

Bà Psaki cho biết: “Nhiều người trong số những cá nhân này có mối quan hệ tài chính sâu đậm với Tây phương. Do đó họ rất dễ bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt trên phương diện này".

Hoa Kỳ và các nước khác đã từng sử dụng chiến lược này để trừng phạt giới tinh hoa Nga vào năm 2014 khi Điện Kremlin sáp nhập Bán đảo Crimea.

Bà Psaki cho biết hôm thứ Hai rằng, các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân chỉ là một phần kế hoạch đang được xem xét trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine. Các gói trừng phạt sẽ "đánh vào Nga từ mọi góc độ", bao gồm cả hệ thống tài chính.

Vào hôm Chủ nhật, một số thượng nghị sĩ hàng đầu của lưỡng đảng cho biết họ sắp đạt được thỏa thuận áp lệnh trừng phạt lên Nga về việc tăng cường xây dựng quân đội thời gian gần đây.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu tại một cuộc họp báo tại Phòng họp báo James Brady của Nhà Trắng vào ngày 1/10 ở Washington, D.C. (Anna Moneymaker / Getty Images)

Thượng nghị sĩ Bob Menendez, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói trên chương trình “State of the Union” của CNN: "Tình thế hiện nay như ngàn cân treo sợi tóc".

Thượng nghị sĩ cho biết luôn có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong việc hỗ trợ Ukraine và trừng phạt Nga nếu nước này tiến hành xâm lược.

“Lưỡng đảng chắc chắn sẽ thảo luận về các biện pháp có tính răn đe và buộc Nga phải chịu trách nhiệm”, bà Psaki nói thêm rằng Nhà Trắng đang tiến hành đề xuất các phương án này trước Quốc hội.

Nga đã tập trung hàng chục nghìn binh sĩ dọc theo biên giới với Ukraine trong những tuần gần đây, cũng như ở Crimea và Belarus do Nga sáp nhập. Thứ trưởng báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết số lượng binh lính Nga, cùng với pháo hạng nặng và vũ khí phòng không, tại các địa điểm này đã tăng vọt vào cuối tuần trước.

Tại một cuộc họp báo ở Kyiv hôm thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các phương tiện truyền thông và các nhà lãnh đạo phương Tây giảm bớt những luận điệu phóng đại quá mức về mức độ nghiêm trọng của tình hình trước mắt.

“Chính điều này đã gây ra sự hoảng loạn trên thị trường và sự tuột dốc không phanh trong lĩnh vực tài chính", ông Zelensky nói với các phóng viên vào tuần trước.

Bà Psaki đã trả lời hôm thứ Hai, nói rằng chính quyền ông Biden cảm thấy điều quan trọng là phải "cởi mở và thẳng thắn" về mối đe dọa từ Nga.

Bà Psaki cũng cho biết: “Tôi không nói về động cơ hay lý do của những bình luận của giới lãnh đạo Ukraine, mà chỉ có thể nói về những nỗ lực của chúng tôi mà thôi".

Lầu Năm Góc: Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào

Người phát ngôn hàng đầu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm Chủ nhật (30/1) đã đưa ra cảnh báo về việc Nga có thể xâm lược Ukraine "bất cứ lúc nào" và tuyên bố luôn sẵn sàng một vài phương án để 'phản hồi' lại Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Binh sĩ Ukraine tuần tra trên chiến tuyến ở Zolote, Ukraine vào ngày 20/1/2022. (Ảnh Getty Images)

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Fox News Sunday: “Ông Putin có rất nhiều lựa chọn nếu muốn xâm lược Ukraine, và một trong số đó sắp trở thành hiện thực”.

Ông nói thêm, các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng cũng chia sẻ về viễn cảnh tồi tệ này. Lực lượng quân đội Nga hiện tập trung dọc theo biên giới Ukraine-Nga, quân số ở Belarus cũng đang áp sát Ukraine. Các tàu chiến của Nga được bài binh bố trận khắp Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.

“Không nhất thiết phải đi đến xung đột. Chúng tôi vẫn tin rằng, còn có thời gian và không gian cho ngoại giao. Điều chúng tôi mong muốn bây giờ là một giải pháp", ông Kirby cho biết.

Nga đã tập hợp lực lượng lên đến 100.000 quân ở biên giới Ukraine, vốn là một phần của Liên bang Xô Viết nhưng đã giành độc lập kể từ năm 1991. Nga cũng điều động pháo binh, tên lửa đạn đạo cũng như các loại vũ khí khác tới khu vực này.

Ukraine hiện có khoảng 150,000 binh sĩ và một số lượng không nhỏ lực lượng dự bị.

Nếu xảy ra cuộc chiến Nga-Ukraine, con số thương vong sẽ rất lớn

Giao tranh có thể nổ ra nhanh chóng ở thành phố 3 triệu dân Kiev. Với điều kiện thời tiết như hiện nay, cái lạnh đã đóng băng nhiều vùng nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của lực lượng quân đội trên khắp Ukraine.

Nga cho đến nay vẫn án binh bất động không xâm lược nước láng giềng. Một quan chức hàng đầu cho biết hôm thứ Sáu (28/1) rằng: “Chúng tôi không muốn một cuộc chiến”, nhưng vì Nga-NATO chưa đạt được một thỏa thuận nên Nga đã không rút bất kỳ lực lượng nào khỏi khu vực.

Hôm 27/01, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ phân tích một phản hồi bằng văn bản từ Hoa Kỳ được đưa ra sau khi Nga yêu cầu Ukraine không được phép gia nhập NATO hoặc để cho các căn cứ Hoa Kỳ đồn trú ở đất nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) tham dự cuộc họp với Thống đốc Lãnh thổ Kamchatka Vladimir Solodov tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 24/1/2022. (Ảnh Getty Images)

Các quan chức Ukraine đã lên án một số hành động cụ thể của Hoa Kỳ, gồm việc di dời các nhà ngoại giao và kêu gọi công dân Hoa Kỳ rời khỏi khu vực này.

Cùng thời điểm đó, quan chức hàng đầu của NATO, ông Jens Stoltenberg, nói trong một cuộc họp báo ở Bỉ rằng, các thành viên của liên minh sẵn sàng gia tăng sự hiện diện quân sự của mình ở phần phía đông của khối.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã gửi viện trợ an ninh cho Ukraine, bao gồm súng phóng lựu đạn cùng các loại súng ống, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cam kết về việc không gửi quân đội đến tham chiến ở đất nước này.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình theo các quy tắc của NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia NATO là một cuộc tấn công vào cả khối đồng minh này, đồng thời đã đặt 8,500 binh sĩ trong trạng thái cảnh giác cao độ. Những binh sĩ này có thể được điều động các nước thành viên NATO tiếp giáp với Ukraine, bao gồm Ba Lan, Hungary, và Romania, các quan chức Hoa Kỳ cho biết.

Các quan chức Nga thường xuyên phủ nhận kế hoạch xâm lược Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Moscow chỉ tìm kiếm một cam kết từ Hoa Kỳ và NATO rằng tổ chức an ninh này sẽ không kết nạp Ukraine làm thành viên, ngừng triển khai vũ khí tới gần biên giới Nga và rút lực lượng khỏi Đông Âu. Tuy nhiên NATO và Hoa Kỳ đã bác bỏ những yêu cầu này.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giới tinh hoa Moscow cũng không thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu Nga xâm lược Ukraine