Hải quân Mỹ phát triển tàu không người lái để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ ĐCSTQ, Hải quân Mỹ đã phát triển các tàu chiến không người lái để theo dõi các lực lượng đối phương trên khắp khu vực Thái Bình Dương, mở rộng phạm vi hỏa lực và giữ an toàn cho các thủy thủ.

Hải quân Mỹ đang tăng tốc phát triển những con tàu robot và coi đây là cách tuyệt vời để bắt kịp với sự phát triển của hạm đội của ĐCSTQ. Đồng thời, lực lượng này cam kết không lặp lại những sai lầm đóng tàu tốn kém trong những năm gần đây.

Bốn tàu chiến không người lái lớn nhất đang được sử dụng cùng lúc vào mùa hè này trong cuộc tập trận hải quân ở nhiều nước trong khu vực Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các tàu chiến không người lái đường thủy nhỏ hơn khác đang được Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ triển khai ở vùng biển ngoài khơi Trung Đông.

Mục tiêu của Hải quân Mỹ trong những năm tới là xem cách thức kết hợp giữa radar và cảm biến của các con tàu này với trí tuệ nhân tạo (AI), tích hợp với các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu sân bay truyền thống, để tạo ra một hạm đội mạnh mẽ, trải rộng ở những khoảng cách xa và khó bị kẻ thù tiêu diệt hơn, Hải quân cho biết.

Hải quân Mỹ tin rằng công nghệ có thể giúp đạt được ba chìa khóa cho sự thành công trong lĩnh vực quân sự: vũ khí, chỉ huy và kiểm soát - với chi phí và rủi ro thấp hơn, ông James Holmes, giáo sư tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân ở Newport, Rhode Island cho biết.

Nhưng tất cả những yếu tố trên cần phải được chứng minh, song song với đó là sự bền bỉ trong môi trường nước mặn khắc nghiệt, ông nói.

“Chúng tôi đang ở trong lãnh địa Jerry Maguire bằng công nghệ. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều đó sẽ hữu ích. Tuy nhiên, liệu đó có phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi hay không thì chưa rõ", ông Holmes cho biết.

Trước tiên Hải quân phải giành chiến thắng trước Quốc hội sau hàng loạt thất bại trong lĩnh vực đóng tàu.

Các tàu tác chiến ven bờ tốc độ cao của Hải quân Mỹ đã gặp vấn đề về động cơ, dẫn đến việc nghỉ hưu sớm. "Hệ thống súng tiên tiến" trên tàu khu trục tàng hình của nó đã bị phá sản vì chi phí của đạn dược là rất đắt đỏ. Thêm vào đó, tàu sân bay mới nhất của lực lượng này cũng gặp vấn đề với thang máy và hệ thống phóng tàu.

Các nhà phê bình cho rằng, Hải quân đã vội vàng nhồi nhét quá nhiều công nghệ mới lên những con tàu đó, dẫn đến thất bại và chi phí ngày càng tăng.

Hạ nghị sĩ Elaine Luria (Dân chủ-Virginia), một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu cho biết: “Chúng ta không thể ném toàn bộ nguồn lực vào tàu chiến robot với thành tích 20 năm thất bại trong lĩnh vực này".

Ông Michael Stewart, giám đốc lực lượng đặc nhiệm cho biết Lực lượng Đặc nhiệm Không người lái của Hải quân đang tiếp cận theo cách thức mới. Lực lượng này sử dụng mô hình quân sự tương đương với mô hình đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy các ý tưởng mới và chỉ triển khai sau khi áp dụng thành công công nghệ đó, Michael Stewart, giám đốc lực lượng đặc nhiệm cho biết.

Mùa hè này, bốn tàu chiến không người lái đang đồng thời hoạt động cùng với các tàu thông thường trong cuộc tập trận hải quân có tên RIMPAC.

Cuộc tập trận bao gồm Sea Hunter và Sea Hawk, những con tàu chạy bằng động cơ diesel được trang bị thiết bị ngoại vi để đảm bảo ổn định khi biển động. Hai chiếc còn lại là Ranger và Nomad, tích hợp với các tàu tiếp dầu. Chúng có sàn phẳng lớn giúp một tên lửa bắn thành công vào năm ngoái.

Trong khi các tàu lớn hơn này được thử nghiệm ở Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ nhận thấy những kết quả đầy hứa hẹn với các tàu thương mại nhỏ hơn đang được Lực lượng Đặc nhiệm 59, thuộc Hạm đội 5 ở Bahrain, đánh giá, theo ông Timothy Hawkins, người phát ngôn của Hạm đội 5 cho hay.

Một trong những con tàu nhận được sự chú ý là Saildrone, một con tàu chạy bằng bu hệ thống năng lượng mặt trời. Được trang bị radar và camera, Saildrones được quảng cáo là có thể hoạt động tự động trong nhiều tháng mà không cần bảo trì hay tiếp tế.

Với những thành công của các cuộc tập trận đa quốc gia vào mùa đông năm ngoái, Hạm đội 5 cho biết Hải quân Mỹ và các đối tác quốc tế dự định triển khai 100 tàu không có thuỷ thủ đoàn vào mùa hè tới.

Đề xuất chi tiêu của Hải quân cho năm tài chính mới bao gồm 433 triệu USD cho các tàu mặt nước không có thủy thủ đoàn và 284 triệu USD đối với các tàu hoạt động dưới nước.

Ông Gilday, sĩ quan hàng đầu của Hải quân Mỹ cho biết những tàu này cùng với trí tuệ nhân tạo có khả năng làm cho hạm đội của Hải quân hoạt động hiệu quả hơn nhiều.

Ông Loren Thompson, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Lexington, cho biết lợi thế lớn nhất của tàu chiến robot là chúng có thể được chế tạo với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với tàu chiến thông thường. Trên thực tế, Hải quân Mỹ đang phải vật lộn để theo kịp Trung Quốc và Nga. Hoa Kỳ đã tụt hậu hơn nhiều so với ĐCSTQ về số lượng tàu và khoảng cách đang tăng lên mỗi năm.

Ông Bryan Clark, một nhà phân tích quốc phòng tại viện Hudson, cho biết Quốc hội Mỹ không 'sẵn lòng' tài trợ cho các chương trình mới. Ông Clark nói: “Quốc hội Mỹ muốn Hải quân phải xây dựng một kế hoạch tốt, rồi sau đó mới theo đuổi nó một cách quyết liệt".

Tại Capitol Hill, Hạ nghị sĩ Elaine Luria cho biết sẽ có khả năng triển khai các tàu không có thủy thủ đoàn để thay thế khả năng tên lửa cho các tàu mà Hải quân muốn nghỉ hưu. Nhưng có rất nhiều nghiên cứu và phát triển cần thiết để thuyết phục Quốc hội đầu tư mạnh vào những con tàu không có thủy thủ đoàn.

Hạ nghị sĩ Luria nói: “Tôi nghĩ rằng, chưa đến lúc Quốc hội Mỹ đầu tư vào công nghệ này".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hải quân Mỹ phát triển tàu không người lái để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc