Hoa Kỳ cấm thị thực các quan chức Trung Quốc thi hành chính sách đồng hóa trẻ em Tây Tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức Trung Quốc, những người mà đã ép trẻ em Tây Tạng phải theo học các trường nội trú do nhà nước quản lý với mục đích xóa bỏ hoàn toàn ngôn ngữ và văn hóa của trẻ.

“Chúng tôi kêu gọi chính quyền CHND Trung Hoa chấm dứt việc ép buộc trẻ em Tây Tạng vào các trường nội trú do chính quyền điều hành, đồng thời chấm dứt các chính sách đồng hóa mang tính đàn áp ở Tây Tạng và ở khắp các khu vực khác của CHND Trung Hoa", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố vào thứ 3 (22/8).

Ông Blinken nhấn mạnh rằng hơn 1 triệu trẻ em Tây Tạng đã bị buộc phải sống trong các trường nội trú do nhà nước kiểm soát. Tại đây, các em phải học các chương trình được thiết kế để bị đồng hóa vào nền văn hóa người Hán. Ngoại trưởng Blinken không nêu tên các quan chức cụ thể, cũng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Tây Tạng nằm dưới sự cai trị của Bắc Kinh kể từ năm 1951 sau khi quân đội Trung Quốc giành quyền kiểm soát lãnh thổ này thông qua cái mà họ gọi là “giải phóng hòa bình”.

Kể từ đó, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận hà khắc để trấn áp sự bất mãn tại Tây Tạng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các gia đình Tây Tạng phải chịu bức hại khi họ liên lạc với người thân lưu vong; người Tây Tạng cũng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ giới chức an ninh địa phương yêu cầu xóa các tấm ảnh và thông tin khác trong điện thoại mà cơ quan chức năng coi là nhạy cảm.

Hoa Kỳ cấm thị thực các quan chức Trung Quốc thi hành chính sách đồng hóa trẻ em Tây Tạng
Học sinh Tây Tạng ở Trường Trung học Phổ thông Số 2 viết thư pháp Tây Tạng trong một lớp học, trong chuyến thăm Tây Tạng do chính quyền Trung Quốc tổ chức, ở Shannan, Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 18/6/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Tổ chức “Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng” (International Campaign for Tibet), có trụ sở tại Washington, cho biết vào tháng 9/2022 rằng ít nhất 5 người Tây Tạng đã tự tử trong tháng đó do lệnh phong tỏa kéo dài chống COVID-19. Tổ chức này cho rằng lệnh phong tỏa COVID hà khắc là “sự mở rộng hơn nữa các yêu cầu vốn đã ngột ngạt và có tính chất xâm phạm ở Tây Tạng”.

Với mục tiêu tăng cường kiểm soát, Bắc Kinh cũng thúc đẩy chính sách đồng hóa tại Tây Tạng, khuyến khích người Hán Trung Quốc đến khu vực này, loại bỏ các biểu tượng trong văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo Tây Tạng, đồng thời truyền bá tiếng Quan Thoại thay cho tiếng Tây Tạng.

Các chính sách tương tự cũng được áp dụng ở Nội Mông. Vào năm 2020, quyết định của Bắc Kinh về việc bắt buộc dạy tiếng Quan Thoại trong các trường tiểu học và trung học đã làm bùng phát các cuộc phản đối ở Nội Mông. Nhiều bậc phụ huynh đã thảo luận về việc tổ chức các lớp học tiếng Mông Cổ tại nhà. Để đáp trả, chính quyền bắt giữ các nhà hoạt động và gây áp lực buộc các bậc cha mẹ - những người làm việc trong chính quyền địa phương - phải cho con họ đi học trở lại.

Hoa Kỳ cấm thị thực các quan chức Trung Quốc thi hành chính sách đồng hóa trẻ em Tây Tạng
Người Mông Cổ phản đối kế hoạch của Trung Quốc về việc tổ chức các lớp học chỉ bằng tiếng Quan thoại tại các trường học ở Nội Mông, tại Quảng trường Sukhbaatar ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, ngày 15/9/2020. (Ảnh: Byambasuren Byamba-Ochir/AFP qua Getty Images)

Vào tháng 2, một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo về nạn đồng hóa trẻ em Tây Tạng.

Theo các chuyên gia, số lượng trường học nội trú mở ra quanh Tây Tạng và số trẻ em Tây Tạng theo học tại đó đã tăng lên đáng kể. Họ nhấn mạnh rằng tỷ lệ trường nội trú ở các khu vực đông dân cư tại Tây Tạng cao hơn nhiều so với tại các vùng khác của Trung Quốc.

Những trường này “gần như chỉ” sử dụng tiếng Quan Thoại trong giảng dạy và giao tiếp, nội dung sách giáo khoa “hầu như chỉ miêu tả trải nghiệm sống của học sinh người Hán”, nhiều trường trong số này nằm “xa gia đình học sinh”, theo các chuyên gia. Kết quả là trẻ em Tây Tạng không thể dễ dàng giao tiếp với gia đình của các em bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Hôm thứ 3 vừa qua, tổ chức nhân quyền “Chiến dịch Quốc tế vì Tây Tạng” đã hoan nghênh hạn chế mới về thị thực của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc.

“Không thể không kiểm soát việc Trung Quốc tách trẻ em Tây Tạng ra khỏi gia đình của chúng. Việc tách trẻ em ra khỏi gia đình cho thấy chiều sâu của kế hoạch phá bỏ lối sống người Tây Tạng và biến người Tây Tạng thành những tín đồ trung thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, bà Tencho Gyatso - Chủ tịch của tổ chức - cho biết trong một tuyên bố.

“Chương trình trường nội trú này nhắm vào những tâm trí dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng nhất, và nhằm mục đích chuyển hóa người Tây Tạng thành người Trung Quốc, củng cố sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đối với Tây Tạng, đồng thời tiêu diệt văn hóa và lối sống của người Tây Tạng".

Trước đó, vào ngày 9/12/2022, nhân ngày Nhân quyền Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu tên 2 quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng: ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie) - cựu Bí thư Đảng ủy Tây Tạng từ năm 2016 đến 2021, và ông Trương Hồng Ba (Zhang Hongbo) - Giám đốc Công an Khu tự trị Tây Tạng từ năm 2018. Họ đã bị đưa vào danh sách trừng phạt cùng với ông Đường Dũng (Tang Yong) - nguyên Phó giám đốc Nhà tù Khu vực Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc, người mà Hoa Kỳ đã chỉ đích danh là một trong những thủ phạm cuộc bức hại Pháp Luân Công. Trong danh sách trừng phạt cũng có tên của ông Lý Chấn Vũ (Li Zhenyu) - người điều hành Công ty Ngư nghiệp Viễn dương Đại Liên (Dalian Ocean Fishing), và ông Trác Hân Vinh (Zhuo Xinrong) - người điều hành Doanh nghiệp Hải dương Bình Đàm (Pingtan Marine Enterprise); họ bị trừng phạt vì thực hiện hành vi bóc lột sức lao động trên tàu đánh cá của họ.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ cấm thị thực các quan chức Trung Quốc thi hành chính sách đồng hóa trẻ em Tây Tạng