Kỳ tích giải cứu thêm 9 nạn nhân trong bối cảnh hơn 41.000 người chết trong thảm hoạ động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính đến hôm 15/2, số người chết trong thảm hoạ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia láng giềng Syria đã tăng lên hơn 41.000 người. Thêm 9 người còn sống đã được giải cứu sau hơn 200 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên số lượng những 'kỳ tích' như vậy đang giảm dần.

Hiện trọng tâm của nỗ lực viện trợ chuyển sang giúp đỡ những người sống sót đang phải hứng chịu hậu quả của trận động đất kinh hoàng, không có nơi ở hoặc không đủ thức ăn trong cái lạnh buốt giá.

Theo hãng tin Reuters, thảm họa động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng 6/2 đã khiến hơn 41.000 người thiệt mạng, nhưng con số này được dự đoán tiếp tục tăng. Thảm họa này đã tàn phá các thành phố ở cả hai quốc gia, khiến nhiều người sống sót trở thành vô gia cư trong nhiệt độ mùa đông gần như đóng băng.

Một người phụ nữ (giữa) được dìu đi trong lúc bà đang tìm kiếm người thân của mình giữa đống đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 14/2/2023 (Ảnh: Yasin Akgul/AFP/Getty Images)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan xác nhận rằng, tổng số nạn nhân thiệt mạng do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là 35.3418 người. Hơn 5.814 người đã thiệt mạng ở Syria, theo thống kê của tờ Reuters từ các báo cáo của truyền thông nhà nước Syria và một cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Erdogan cũng thừa nhận đã có những vấn đề trong phản ứng ban đầu của chính phủ đối với trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng 6/2, nhưng ông cho biết tình hình đã được kiểm soát.

"Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất không chỉ ở đất nước chúng ta mà còn trong lịch sử nhân loại", ông Erdogan nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ở Ankara.

Trong số những người được giải cứu hôm 14/2 có hai anh em, 17 và 21 tuổi, đã được kéo ra khỏi một tòa nhà chung cư ở tỉnh Kahramanmaras; một người đàn ông và một phụ nữ trẻ người Syria cũng được giải cứu sau hơn 200 giờ (hơn 8 ngày) bị vùi lấp dưới đống đổ nát ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây được xem như một "kỳ tích", tuy nhiên những câu chuyện giải cứu kỳ diệu như thế này không còn nhiều do điều kiện thời tiết ở đây đang ở mức gần như đóng băng.

Một nhân viên cứu hộ cho biết có thể còn nhiều người còn sống.

Tuy nhiên, đại diện Liên Hợp Quốc cho biết, giai đoạn giải cứu sắp kết thúc, hiện trọng tâm của cơ quan này là cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm và mở lại trường học.

Ông Hassan Saimoua, một người tị nạn đang ở cùng gia đình trong một sân chơi ở thành phố Gaziantep, phía Đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: "Mọi người rất khổ sở. Chúng tôi đã đăng ký nhận lều, viện trợ hoặc thứ gì đó, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thứ gì".

Ông Saimoua và những người Syria đã chạy sang Gaziantep để tránh cuộc chiến tranh ở quê nhà Syria nhưng nay họ lại trở thành vô gia cư do trận động đất. Ông và những người tị nạn khác phải tận dụng các tấm nhựa, chăn và bìa cứng để dựng lều tạm trong sân chơi.

Ông Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại khu vực châu Âu, cho biết: "Nhu cầu cứu trợ rất lớn, tăng lên từng giờ. Khoảng 26 triệu người ở cả hai quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo. Cũng có những lo ngại ngày càng tăng về các vấn đề sức khỏe mới nổi liên quan đến thời tiết lạnh, tình trạng vệ sinh không đảm bảo và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, trong đó những người dễ bị tổn thương đặc biệt có nguy cơ".

Tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Iskenderun, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, Thiếu tá quân đội Ấn Độ Beena Tiwari cho biết, trước đây các bệnh nhân đến bệnh viện vì những vết thương trên cơ thể, nhưng bây giờ thì khác.

“Bây giờ nhiều bệnh nhân đến đây vì chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, sau tất cả những cú sốc mà họ đã trải qua trong trận động đất", cô nói.

Các gia đình ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho biết, họ đang phải vật lộn với hậu quả tâm lý sau trận động đất. Đối với những người được kéo ra từ đổ nát, trải nghiệm cận tử lần này đã để lại những sang chấn tâm lý và nỗi đau chưa thể nguôi ngoai.

Đoàn xe viện trợ đầu tiên của Liên Hợp Quốc đã tiến vào vùng Tây Bắc Syria do quân nổi dậy kiểm soát từ Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu Bab al-Salam mới được mở.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 13/2 đã đồng ý cho phép viện trợ của Liên Hợp Quốc đến từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hai cửa khẩu biên giới mới được mở lại. Động thái này đánh dấu một sự thay đổi đối với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia từ lâu đã phản đối việc chuyển hàng viện trợ xuyên biên giới tới vùng đất của quân nổi dậy.

Nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại hiện trường một tòa nhà bị sập vào ngày 07/2/2023 ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Burak Kara/Getty Images)

Gần 9 triệu người ở Syria đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất, Liên Hợp Quốc cho biết, khi cơ quan này đưa ra lời kêu gọi tài trợ 400 triệu USD.

Người đứng đầu nhóm giải cứu chính của tổ chức Mũ bảo hiểm trắng, ông Raed al Saleh, cho biết, việc tìm kiếm những người sống sót sắp kết thúc ở khu vực Tây Bắc Syria.

Nga cũng cho biết nước này đang kết thúc công tác tìm kiếm cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và chuẩn bị rút quân.

Những người sống sót đã sơ tán hàng loạt khỏi các khu vực bị động đất tàn phá, rời bỏ nhà cửa và không chắc liệu họ có thể quay trở lại hay không.

Theo Tổng thống Erdogan, hơn 2,2 triệu người đã rời khỏi những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hàng trăm nghìn tòa nhà đã trở nên không thể ở được.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ tích giải cứu thêm 9 nạn nhân trong bối cảnh hơn 41.000 người chết trong thảm hoạ động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria