Huy chương Vàng cho bộ môn Tuyên truyền: Olympic không thể che giấu Suy thoái dài hạn của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Olympic Mùa đông ở Bắc Kinh có vẻ ấn tượng đấy, nhưng nếu dành một chút thời gian để xem xét các xu hướng kinh tế dài hạn, thì chúng ta sẽ thấy rằng thời của Trung Quốc có thể đã qua rồi.

Trong thời gian diễn ra Olympic, chính quyền Trung Quốc làm cho nó có vẻ như quốc gia này là trung tâm của thế giới vậy. Nhờ Olympic, họ đã thuận lợi trong việc nêu bật các địa điểm hoành tráng của mình. Họ đã quảng bá những màn trình diễn "rực rỡ", và trả tiền cho những người có ảnh hưởng và truyền thông chất lượng cao, nhằm làm nổi bật "những câu chuyện tích cực". Một số hãng truyền thông đã tuyên bố, Thế vận hội là tín hiệu cho thấy sự "sẵn sàng" của Tập Cận Bình và Trung Quốc.

Tuy nhiên, có những vấn đề nghiêm trọng cần được chú ý về cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối xử với người dân của mình, và cách mà họ hành động trên trường thế giới. Một số hãng truyền thông phương Tây đã nêu bật một cách chính xác hoàn cảnh của những người Duy Ngô Nhĩ đang phải chịu sự diệt chủng của ĐCSTQ, và một phóng viên Hà Lan đã bị chính quyền Trung Quốc xử lý ngay trên truyền hình trực tiếp.

Nhưng, huyền thoại về Trung Quốc hùng mạnh, và Thế vận hội được thiết kế như là một màn ra mắt của ĐCSTQ có thể mị hoặc người dân Mỹ và các đồng minh, khiến họ nghĩ rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và công nghệ. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét các xu hướng dài hạn, vốn cho thấy Trung Quốc có thể đã đang trên đà suy thoái rồi, và thời hoàng kim của họ đang qua đi.

Khi tôi còn là một đứa trẻ vào những năm 1980, mọi người đều lo lắng về việc Nhật Bản và Đức sẽ vượt qua Mỹ. Giống như Trung Quốc ngày nay, Nhật và Đức khi ấy có nền kinh tế khá ấn tượng, và là chủ đề cho các bài báo kích thích nỗi lo sợ khi mô tả sự trỗi dậy của họ. Nhưng cả Nhật và Đức đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trầm trọng. Họ không có đủ nhân công để hỗ trợ dân số già của mình. Nhật Bản phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, và phải mất một thập kỷ để phục hồi. Đức là nền kinh tế mạnh của châu Âu, nhưng đang bị kéo xuống bởi các quốc gia nợ nần như Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Sau đó ở cấp 3, tôi bắt đầu đọc về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thật sự là trong suốt 20 năm qua, tôi đều đã nhìn thấy hình ảnh lá cờ đỏ Trung Quốc trên trang bìa tạp chí Time với dòng tiêu đề đầy lo sợ tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thế giới nhanh chóng như thế nào.

Nhưng chính sách một con của Bắc Kinh đã đặt ra những thách thức về nhân khẩu học tương tự như Đức và Nhật Bản, với dân số già và thiếu lao động trẻ để hỗ trợ việc chăm sóc người già. Điều này gây ra các vấn đề trước mắt đối với việc tuyển dụng và giữ chân cho quân đội. Nhiều trẻ em Trung Quốc mắc hội chứng "tiểu hoàng đế", dẫn đến các vấn đề về kỷ luật và thể lực mà các nhà tuyển dụng phải đối mặt. Tất nhiên, các quan chức Trung Quốc vẫn ngựa quen đường cũ, và đã tuyên bố ngược lại rằng, "chất lượng của các lực lượng vũ trang nói chung được cải thiện đáng kể" nhờ các tiểu hoàng đế. Về lâu dài, sự mất cân bằng giới giữa nam và nữ dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm cô dâu, và dẫn đến rối loạn chức năng xã hội như tăng tỉ lệ phạm tội.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn không đồng đều. Ví dụ, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng GDP trung bình kỷ lục kể từ năm 1979, nhưng vẫn có một lượng đáng kể người sống trong các hang động. Thu nhập ròng trung bình của công dân Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với những người ở Mỹ hoặc thậm chí châu Âu. GDP của Trung Quốc nhìn có vẻ quá lớn vì nước này có quá nhiều người — nhưng tốc độ tăng dân số đang giảm. Vì vậy, sự phát triển của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc, nhưng không làm cảm động mọi người — và quan trọng nhất là, sự tăng trưởng này có thể không tiếp tục mãi mãi.

Một người đàn ông đang chuẩn bị đậu bên ngoài nhà mình, tại một ngôi làng gần sông Hoàng Hà ở hạt Lankao, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, 28/09/2017. (Greg Baker / AFP / Getty Images)

Trong cuộc suy thoái năm 2008, Trung Quốc bắt đầu miệt mài cho vay và chi tiêu ở mức độ chưa từng có, nhằm ngăn chặn một cuộc suy thoái như ở Mỹ và trên toàn thế giới. Nhưng hiện Trung Quốc có bong bóng nợ lớn hơn bong bóng mà Mỹ phải đối mặt vào năm 2008. Hơn nữa, dân số già của Trung Quốc và năng suất làm việc trì trệ sẽ vẫn như vậy.

Lần cuối cùng Trung Quốc ghi nhận sự suy thoái kinh tế là vào năm 1976, vì vậy cuối cùng nước này cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng — mà quy mô của nó sẽ khiến cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 trông nhỏ xíu. Đây có thể sẽ là một sự sụp đổ, hoặc có thể là một cuộc suy thoái kéo dài một thập kỷ, tương tự như cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế Nhật Bản vốn được ca ngợi nhiều đã trải qua. Có những dấu hiệu về bong bóng vỡ ở các thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc. Và Bắc Kinh đang cố gắng đảm bảo Trung Quốc hạ cánh nhẹ nhàng bằng cách nới lỏng tín dụng, mở các khoản thế chấp, và đổ tiền vào duy trì cho các nhà phát triển bất động sản đã phá sản — nhưng nền kinh tế chỉ huy ấy cũng chỉ có thể cải thiện được một phần nhỏ mà thôi.

Khi sự sụp đổ ập đến, nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều người lao động thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn — những người đã mua những bất động sản đắt tiền vì được chính phủ khuyến khích tin rằng, đó là những khoản đầu tư tốt. Điều đó sẽ làm giảm lòng tin hơn nữa đối với các quan chức ĐCSTQ — những người dường như luôn giàu lên trong khi người dân thì khổ sở. Như tôi đã thảo luận, một chính phủ độc tài có thể chỉ huy các cơ quan, nhưng thường khiến lòng dân xa cách, và tác động không cân xứng của cuộc khủng hoảng sẽ gây ra hậu quả tai hại cho ĐCSTQ.

Một cuộc suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ gây ra những ảnh hưởng trên toàn thế giới, bao gồm ảnh hưởng đến các mặt hàng do nước ngoài cung cấp như quặng sắt, than cốc, và đồng. Nó sẽ làm giảm giá cổ phiếu của các công ty niêm yết tại nước ngoài, nhưng kinh doanh tại Trung Quốc. Việc thiếu thu nhập từ đầu tư vốn sẽ tàn phá thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc, tàn phá chi tiêu của người tiêu dùng nói chung, và các công ty cung cấp các sản phẩm đó.

Cuối cùng thì, Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ là một ví dụ điển hình về lý do tại sao nền kinh tế chỉ huy lại không được ưa chuộng. Việc này có thể không cần phải nói, nhưng có nhiều người Mỹ dường như vẫn thấy ngột ngạt bởi tiến trình dân chủ thường chậm chạp và lộn xộn. Trong khi nhiều biện pháp bảo vệ nền dân chủ tại Mỹ — ví dụ như biện pháp "tranh luận không giới hạn" (filibuster) — vẫn chưa bị gỡ bỏ, bong bóng do nền kinh tế chỉ huy của Trung Quốc là một tấm gương điển hình cho Mỹ, về sự nguy hiểm của việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay chỉ một phe. Bong bóng đó quá lớn vì những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nó thì lại không có tiếng nói trong chính sách kinh tế.

Dù cuộc khủng hoảng diễn ra theo hướng nào, nó cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bắt kịp Mỹ trong vòng 50 năm tới, và thậm chí có thể đã bắt đầu cuộc suy thoái không thể tránh khỏi. Vì vậy, các bạn hãy tận hưởng Thế vận hội đi. Nhưng hãy ghi nhớ những điều dối trá đằng sau màn trình diễn đó. Người Duy Ngô Nhĩ vẫn đang bị hành hạ, các vận động viên thường phải đối mặt với các quy tắc phát ngôn, và đây không phải là Berlin vào năm 1936, mà giống như London năm 1946 hơn — một thế lực trông có vẻ mạnh mẽ nhưng lại yếu ớt vô cùng khi bạn nhìn kỹ vào nó.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Morgan Deane là một cựu thủy quân lục chiến Mỹ, một nhà sử học quân sự, và một tác giả tự do. Ông học lịch sử quân sự tại Đại học Hoàng đế London và Đại học Norwich. Ông Deane là giáo sư lịch sử quân sự tại Đại học Công lập Mỹ.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Huy chương Vàng cho bộ môn Tuyên truyền: Olympic không thể che giấu Suy thoái dài hạn của Trung Quốc