Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Ông Emmanuel Macron tái đắc cử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai ứng cử viên cho Tổng thống Pháp là đương kim Tổng thống Macron và đại diện của đảng Tập hợp quốc gia Le Pen. Kết quả: ông Macron giành chiến thắng với 58,8% phiếu bầu trước 41,2% của bà Le Pen.

Từ 8h sáng 24/4 theo giờ địa phương (tức 13h theo giờ Việt Nam), các điểm bỏ phiếu tại Pháp đã mở cửa để cử tri đi bầu tổng thống nhiệm kỳ mới.

Trong vòng bỏ phiếu này, cử tri lựa chọn một trong hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất ở vòng 1 là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện của đảng Tập hợp quốc gia Marine Le Pen cho vị trí chủ nhân Điện Elysee trong 5 năm tới.

Ông Emmanuel Macron mong muốn trở thành tổng thống đầu tiên của Pháp giữ hai nhiệm kì liên tục trong vòng 20 năm qua. Còn bà Marine Le Pen muốn lật ngược kịch bản 5 năm trước, để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đi bỏ phiếu ngày 24/4. (Ảnh: Getty Images)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đi bỏ phiếu ngày 24/4. (Ảnh: Getty Images)

Cập nhật kết quả bầu cử tổng thống Pháp 2022

  • Theo các ước tính, Tổng thống đương nhiệm Macron được từ 57,6% đến 58,2% phiếu bầu, so với 42,4% đến 41,8% của bà Le Pen.

  • Bà Le Pen lên tiếng sẽ tiếp tục cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, sẽ diễn ra trong vài tuần tới. Le Pen cho biết kết quả bỏ phiếu là "một chiến thắng nổi bật" với bà và những ý tưởng mà bà đại diện "đã đạt đến một tầm cao mới". Đồng thời Le Pen nói thêm: "Trong trận thua này, tôi không thể không cảm thấy hy vọng".
  • Thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Tây Ban Nha và Chủ tịch EU đã chúc mừng ông Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp.

  • Kết quả bỏ phiếu công nhận chính thức, ông Macron, 44 tuổi, sẽ là tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm qua từ khi sau chiến thắng năm 2002 của cố Tổng thống Jacques Chirac, theo hãng tin AFP.
  • Thách thức đầu tiên sau bầu cử đối với tổng thống Pháp sẽ là giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện Pháp vào tháng 6. Vị tân tổng thống cần nắm đa số ghế tại nghị viện để có thể thực thi chương trình nghị sự.
  • Theo Reuters, dù giành chiến thắng, ông Macron sẽ phải đối mặt nhiệm kỳ thứ hai khó khăn hơn mà không có “thời kỳ trăng mật” như sau chiến thắng đầu tiên trước bà Le Pen vào cuộc bầu cử năm 2017.
  • Tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức 63,2% vào lúc 17h chiều (giờ địa phương), theo Bộ Nội vụ Pháp. Con số này thấp hơn 2% so với cùng thời điểm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
  • Theo một số ước tính, tỷ lệ bỏ phiếu trắng lần này đến 28%, tăng 1,7% so với vòng đầu tiên (26,31%). Con số này đứng thứ hai sau mức cao kỷ lục vào năm 1969 (31,3%).
  • Tính đến 12h trưa ngày 24/4 (giờ địa phương), 26,4% số cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu lựa chọn tổng thống cho nhiệm kỳ mới. Con số này cao hơn so với vòng bỏ phiếu đầu tiên (ngày 10/4), theo Bộ Nội vụ Pháp.
  • Bà Le Pen đã vận động theo đường lối cứng rắn đối với vấn đề nhập cư và duy trì bản sắc truyền thống của Pháp, cũng như giúp đỡ các hộ gia đình đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều hãng truyền thông của Pháp kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm Macron.
Bà Le Pen đi bỏ phiếu ngày 24/4.
Bà Le Pen đi bỏ phiếu ngày 24/4. (Ảnh: Getty Images)

Các chủ đề quan tâm trong Bầu cử Tổng thống Pháp

Dưới đây là các chủ đề được các cử tri Pháp quan tâm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm nay.

Lạm phát và phúc lợi

Chủ đề quan tâm số 1 trong cuộc bầu cử lần này giá cả sinh hoạt leo thang - từ hóa đơn điện, thực phẩm đến xăng xe.

Bà Le Pen đưa ra cam kết rằng một Chính phủ thống nhất dân tộc sẽ "tấn công" tình trạng giá cả leo thang. Le Pen cam kết sẽ có các biện pháp để giảm chi phí sinh hoạt của người dân. Bà khẳng định sẽ làm tốt hơn so với Tổng thống đương nhiệm Macron để cải thiện cuộc sống, nâng cao giá trị việc làm và thúc đẩy sức mua của dân chúng.

Trong khi đó, Tổng thống Macron cho biết chủ trương cải thiện cuộc sống người dân sẽ được hiện thực hóa thông qua các dự án lớn về giáo dục và y tế. Ông khẳng định các biện pháp mà ông đưa ra sẽ giúp cải thiện thu nhập của các hộ gia đình Pháp hiệu quả hơn so với chính sách của bà Le Pen và nước Pháp sẽ trở thành một cường quốc sinh thái trong thế kỷ 21.

Di cư

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong vấn đề di cư. Cũng như lần tranh cử hồi năm 2017, bà Le Pen nhấn mạnh cần tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tiếp nhận người di cư và cần phải giải quyết tình trạng di cư mà bà mô tả là "hỗn loạn" hiện nay. Về phần mình, ông Macron cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân không thay đổi được điều gì và vấn đề này phụ thuộc sự hợp tác với các nước khác.

Quan hệ với EU

Liên quan đến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), bà Le Pen có phần mềm mỏng hơn khi khẳng định vẫn muốn nước Pháp là thành viên, song cần cải tổ EU và Ủy ban châu Âu tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Bà nhấn mạnh nước Pháp là một cường quốc thế giới chứ không chỉ là cường quốc châu Âu.

Trong khi đó, ông Macron lại đề cao tinh thần hợp tác trong EU, thể hiện rõ qua việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 trong các nước châu Âu. Ông cho rằng ý tưởng của bà Le Pen về "một châu Âu gồm các quốc gia" đồng nghĩa với cái kết cho Liên minh châu Âu (EU).

Vấn đề Nga-Ukraine

Sự tương phản giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp còn được thể hiện trong vấn đề Nga-Ukraine.

Bà Le Pen bày tỏ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, song bà phản đối việc áp đặt lệnh hạn chế nhập khẩu năng lượng và khí đốt của Nga. Theo bà Le Pen, ngừng nhập khẩu khí đốt sẽ không gây ảnh hưởng đến Nga và chỉ gây tác động nặng nề đối với người dân Pháp.

Bầu cử Tổng thống Pháp có quan trọng với thế giới?

Cuộc bỏ phiếu của hôm 24/4 xác định người điều hành nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn.

Pháp là nền kinh tế thứ hai của khối gồm 27 thành viên, là nền kinh tế duy nhất có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là cường quốc hạt nhân duy nhất của khối EU. Khi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, sự lãnh đạo của Pháp sẽ giúp định hình phản ứng của châu Âu.

Ngoài những khác biệt trong nước, Le Pen và Macron cũng phân biệt rõ ràng về tầm nhìn của họ về thế giới và vị trí của Pháp trong đó - có thể là về châu Âu, NATO hay cuộc chiến ở Ukraine.



BÀI CHỌN LỌC

Kết quả bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Ông Emmanuel Macron tái đắc cử