Ma trận chiến lược mới tại Đông Địa Trung Hải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tất cả các yếu tố tác động đến mối quan hệ của các quốc gia tại Đông Địa Trung Hải với nhau và với các cường quốc truyền thống bên ngoài đã bị thay đổi. Ngay cả những gì tồn tại trong quá khứ gần đây cũng khó có thể còn có giá trị.

Những biến đổi lớn, riêng biệt đang nổi lên trong bối cảnh chính trị trong nước tại Ai Cập, Israel, Li-băng, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Síp và Hy Lạp.

Những điều này, cùng với sự biến đổi trong ảnh hưởng của các "cường quốc” ở khu vực Đông Địa Trung Hải, sẽ định hình thị trường năng lượng châu Âu và ảnh hưởng tương đối của Mỹ, Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Iran.

Sự xáo trộn nghiêm trọng trong khuôn khổ chính trị của Liên minh châu Âu - đặc biệt là Pháp và Ý, với tư cách là các cường quốc Địa Trung Hải, cũng như Đức - có nghĩa là những nỗ lực hình thành một hệ thống thương mại lưu vực Địa Trung Hải gắn kết, điều có vẻ rất hợp lý cách đây chưa đầy một thập kỷ, giờ đây phải được xem xét một lần nữa. Nhưng trong khuôn khổ đó, tiềm năng cung ứng năng lượng lớn hơn nữa (chủ yếu là khí đốt) từ Địa Trung Hải đến EU có thể vượt xa khả năng cung ứng dầu khí Trung Á. Nhưng điều này chỉ thành vấn đề nếu EU nhận ra thực tế rằng họ không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào cái gọi là năng lượng “tái tạo”.

Trong chính lưu vực Địa Trung Hải, triển vọng về một Libya ổn định phần lớn đã bị hủy hoại bởi các lực lượng tham chiến chính trong cuộc nội chiến ở đó, bắt đầu vào năm 2011 khi Mỹ cố gắng can thiệp vào Cyrenaica, qua đó cản trở việc khôi phục một khuôn khổ chặt chẽ tại Libya, theo các đường lối của mô hình Hiến pháp năm 1951 của Liên Hiệp Quốc. Đáng chú ý, vào năm 2011, Washington đã kịch liệt phản đối việc khôi phục mô hình hiến pháp duy nhất đã thống nhất Libya - dưới thời Vua Idris I và gia tộc Senussi. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kiên quyết đến mức không cho phép sự khôi phục của chế độ quân chủ.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng chế độ quân chủ Afghanistan sẽ không được khôi phục sau thất bại ban đầu của Chính phủ Taliban, bất chấp yêu cầu của các trưởng lão Afghanistan. Có lý do hợp lý để tin rằng Afghanistan có thể đã ổn định nếu Vua Zahir Shah trở lại, và điều đó hẳn sẽ làm thay đổi khu vực, bao gồm cả Trung Á, làm thay đổi một phần đáng kể cán cân chiến lược toàn cầu.

Ma trận chiến lược mới tại Đông Địa Trung Hải
(Từ trái sang phải) Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymukhamedov đến dự cuộc họp báo chung của Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á ở Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây phía bắc Trung Quốc, vào ngày 19/05/2023. (Ảnh: Florence Lp/POOL/AFP qua Getty Images)

Tương tự như vậy, việc khôi phục chế độ quân chủ thống nhất ở Libya - thứ từng hiệu quả vì chế độ quân chủ Senussi không thuộc một trong 140 bộ lạc ở Libya và né tránh vấn đề chính trị bộ lạc - sẽ hạn chế sâu sắc nạn buôn người và di cư bất hợp pháp từ Bắc Phi sang châu Âu.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó sau giai đoạn 2011–2012, đặc điểm bao trùm của ma trận chiến lược Đông Địa Trung Hải mới là nó được định hình bởi sự kiệt quệ của các bên tham gia.

Không bên nào trong khu vực, ngoại trừ Israel, có thể đủ khả năng chuyển hướng các nguồn lực cho quá trình chuyển đổi ở Đông Địa Trung Hải. Israel đã và đang nỗ lực để mở rộng mạng lưới Hiệp định Abraham của mình nhằm đạt được các mối quan hệ chặt chẽ hơn, chẳng hạn như với Ảrập Xêút. Tất nhiên, tất cả những điều này đều liên quan đến mối liên hệ giữa Địa Trung Hải với Biển Đỏ thông qua Kênh đào Suez của Ai Cập, và sự kết thúc của cuộc chiến ở Yemen… và sự khởi đầu của các cuộc xung đột mới ở vùng Sừng châu Phi và có thể trên khắp khu vực Maghreb (của châu Phi).

Vì vậy, tất cả các yếu tố tác động đến mối quan hệ của các quốc gia trong khu vực với nhau và với các cường quốc truyền thống bên ngoài đã bị thay đổi. Ngay cả những gì tồn tại trong quá khứ gần đây cũng khó có thể còn có giá trị.

Thay đổi của Nga và Wagner

Việc Nga bị cuốn vào cuộc chiến ở Ukraine, và sự sụp đổ sau đó của lực lượng quân sự tư nhân Wagner, cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng Nga hỗ trợ các đồng minh khu vực của mình ở Libya, Syria, Ethiopia, Eritrea, và có thể ở Sudan và Mali (ở Tây Phi). Người ta có thể đặt câu hỏi về tương lai của nhóm Wagner, khi mà nó đã chuyển đến Belarus chứ không phải bị giải tán hoàn toàn.

Rõ ràng, bộ phận tại Ukraine của Wagner đã được sáp nhập vào Lực lượng vũ trang chính thức của Nga ở Ukraine, hoặc trong Quân khu phía Nam của Nga, nhưng rõ ràng là Wagner vẫn hoạt động như một lực lượng nhà thầu quân sự được trả lương ở Syria, Mali, và có thể là Sừng châu phi.

Thông tin tình báo và truyền thông phương Tây đã bỏ qua vai trò của Wagner bên ngoài Ukraine, và bỏ qua thực tế là Moscow vẫn cần khả năng của Wagner ở những nơi khác trên thế giới. Việc người đứng đầu Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, vào đầu tháng 07/2023, đã trả lại nhiều thiết bị quân sự của Wagner cho thấy rằng Wagner vẫn là nhà thầu quân sự tư nhân quan trọng của Chính phủ Nga, nhưng hiện tập trung vào bên ngoài Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ

Trong khi đó, sự sụp đổ kinh tế - chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ không còn có thể bị các đồng minh cũ của họ phớt lờ, những đối tượng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan vì họ không thể có một NATO thành công - nếu sứ mệnh của NATO (như một tàn dư của Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất) vẫn là ngăn chặn Nga - nếu Ankara gắn bó với Moscow hơn là Washington.

Tỷ lệ lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ, sau vòng cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống ngày 29/05/2023, đã hạ nhiệt từ mức chính thức 85% vào cuối năm 2022 xuống còn khoảng 38% tính theo năm vào tháng 06/2023. Nhưng điều đó là chưa đủ: người dân đã trở nên tuyệt vọng. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trượt giá, với tỷ lệ 26,01 ăn 1 USD vào đầu tháng 07/2023; nó đã là 18 ăn 1 sáu tháng trước đó, và ngay cả mức cũ cũng là không thể chấp nhận được. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đi xuống.

Có thể đối với cả NATO và Nga, một Thổ Nhĩ Kỳ bị vô hiệu hóa về kinh tế là điều đáng ao ước. Nó sẽ hạn chế khả năng can thiệp độc lập của nước này vào các vấn đề khu vực.

Bắc Kinh kém tích cực

Điều đáng chú ý trong sự chuyển đổi này của khu vực, cộng với của khu vực Vịnh Ba Tư - Bán đảo Ả Rập - Biển Đỏ là việc Bắc Kinh đã hoạt động kém tích cực như thế nào. Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh những hạn chế mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang phải đối mặt. Bắc Kinh đang hoạt động, nhưng không tích cực và hiệu quả như mong đợi.

Cần có một cách tiếp cận mới để hiểu “Địa Trung Hải mới”.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Gregory Copley là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington. Sinh ra tại Úc, ông Copley cũng là một thành viên của Order of Australia, là một doanh nhân, nhà văn, cố vấn chính phủ, và biên tập viên cho các xuất bản về quốc phòng. Cuốn sách mới nhất của ông là The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic (Cuộc chiến toàn diện mới của Thế kỷ 21 và yếu tố kích hoạt đại dịch sợ hãi).



BÀI CHỌN LỌC

Ma trận chiến lược mới tại Đông Địa Trung Hải