Moderna công bố vaccine công nghệ mRNA chống cúm mùa, cổ phiếu lập tức mất giá 10% vì gây thất vọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công nghệ vaccine mRNA có thể đã được kỳ vọng quá mức; thậm chí các tuyên bố rằng mRNA sẽ thay thế hoàn toàn công nghệ cũ. Nhưng vaccine cúm mùa công nghệ mRNA cho thấy quan điểm đó khá là mơ mộng. mRNA không thể thay đổi thế giới này trong việc ngăn chặn kẻ thù virus dai dẳng nhất của loài người: cúm mùa.

Mùa thu năm ngoái, khi vaccine Covid-19 của Moderna vượt qua vạch đích, hãng này đã tiết lộ kế hoạch sử dụng nền tảng mRNA mới được chứng minh của mình tạo ra vaccine chống lại virus cúm mùa. Hãng thậm chí còn hy vọng hiệu quả của vaccine chống cúm mùa công nghệ mRNA sẽ thay thế hoàn toàn các loại vaccine chống cúm mùa hiện nay.

Nhưng mong muốn đó khá là ‘mơ mộng’

Ngoài các chương trình vaccine đã có từ trước của họ, các giám đốc điều hành Moderna đã công bố những chương trình phát triển vaccine mới chống lại bệnh cúm mùa và bệnh HIV; những loại bệnh mà hiện giờ vaccine thông thường còn kém hiệu quả hoặc thậm chí chưa phát minh ra được (như vaccine chống lại HIV) trong suốt 40 năm qua.

Trong bệnh cúm, các công ty vắc xin mRNA khác - BioNTech (với Pfizer), Translate Bio (thuộc Sanofi) và CureVac (với GSK) - đều có tham vọng tương tự, hy vọng tạo ra các mũi tiêm có hiệu quả cao tới 80% (theo tin từ New York Times).

Tuần trước, thứ Sáu ngày 10/12 vừa qua, Moderna trở thành công ty đầu tiên phát hành dữ liệu về ứng cử viên vaccine chống cúm mRNA.

Moderna công bố rằng vaccine của họ có thể tạo ra thành công kháng thể chống lại bốn họ vi rút cúm. Hiện tại, các loại vaccine dựa trên protein và virus sống bị làm yếu hiện nay làm được.

Nhưng ngay trong ngày công bố dữ liệu về vaccine chống cúm mùa theo công nghệ mRNA, cổ phiếu của hãng này lập tức mất 10%; các nhà đầu tư của Moderna đã thất vọng vì hiệu quả chống cúm mùa của vaccine này thậm chí (trong giai đoạn đầu nghiên cứu) không bằng Fluzone HD của Sanofi (SASY.PA) (theo tin từ Reuters).

Các chuyên gia cho biết không có gì trong dữ liệu ban đầu cho thấy việc tạo ra các kháng thể đó tốt hơn các loại vaccine theo công nghệ truyền thống.

Ông Peter Palese, người nghiên cứu về vaccine cúm và cúm tại Trường Y Icahn cho biết: “Nó cũng tốt như những gì chúng tôi có bây giờ”. “Nhưng tôi không nghĩ rằng những gì chúng ta đã thấy [về vaccine cúm theo công nghệ mRNA] có thể phá vỡ công nghệ vaccine truyền thông hay thực sự mở ra một con đường hoàn toàn mới trong lĩnh vực này.”

Hay, như đồng nghiệp Florian Krammer của ông đã nói trên twitter: “mRNA không phải là một viên đạn bạc”.

Phản ứng phụ, tá dược và đừng quá kỳ vọng!

Vaccine phòng cúm mùa công nghệ mRNA chưa có hiệu quả vượt qua vaccine hiện có theo công nghệ truyền thống. Nhưng không chỉ vậy, vấn đề về vaccine chống cúm mùa công nghệ mRNA còn nhiều ‘mặt trái’ tệ hơn cả công nghệ cũ. Tác dụng phụ sau tiêm như nhức đầu, sốt và một số tác dụng phụ khó chịu khác được ghi nhận sau tiêm; tệ hơn so với vaccine đã có.

Dữ liệu của Moderna cho thấy, giống như vaccine Covid-19, vaccine cúm của hãng gây ra nhiều phản ứng bất lợi hơn vaccine dựa trên protein hoặc virus sống. Trong hội nghị trực tuyến công bố kết quả ban đầu, các nhà phân tích lập luận rằng điều đó có thể cản trở tham vọng lớn hơn của Moderna trong việc tạo ra một mũi tiêm duy nhất theo mùa kết hợp vaccine cúm, RSV và Covid-19; một tầm nhìn chỉ khả thi với công nghệ mRNA.

Vấn đề là chỉ một mũi tiêm phòng cúm mRNA thôi cũng có thể đặt ra các câu hỏi về an toàn, ông Palese nói. Các hạt nano lipid mang mRNA đến các tế bào cũng hoạt động như một ‘tá dược' (adjuvant), kích thích hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Điều đó thúc đẩy sự bảo vệ mà mọi người nhận được, nhưng nó có thể có tác dụng lâu dài nếu được cung cấp hàng năm.

“Adjuvant - Tá dược là một tác nhân dược lý hoặc miễn dịch làm thay đổi hiệu quả của các tác nhân khác. Adjuvant có thể được thêm vào vaccine để thay đổi đáp ứng miễn dịch bằng cách thúc đẩy để tạo được lượng kháng thể cao hơn và kéo dài thời gian bảo vệ, nhờ đó giảm thiểu lượng chất ngoại sinh truyền vào cơ thể.” (Trích Wikipedia)

Các loại vaccine cúm mà hầu hết mọi người hiện đang nhận đều không có tá dược. Nói chung, chỉ những người trên 65 tuổi được chủng ngừa cúm có tá dược như Fluzone.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tạm thời có sự miễn cưỡng khi sử dụng tá được cho vaccine chống cúm, bởi vì người ta không muốn tiêm tá dược hàng năm, liên tục trong 60 hoặc 70 năm cuộc đời của ai đó.”

Các giám đốc điều hành của Moderna cảnh báo không nên so sánh quá kỹ giữa các loại vaccine trước khi có kết quả từ một thử nghiệm đối kháng. Và họ chỉ ra các lĩnh vực khác mà các chuyên gia đồng ý rằng mRNA có thể có lợi thế hơn.

Ví dụ, mRNA có thể được tạo ra nhanh hơn so với tiêm phòng cúm truyền thống bằng trứng hoặc tế bào nuôi cấy. Về lý thuyết, điều đó có thể giúp Moderna và các công ty mRNA khác có thêm thời gian để đảm bảo các chủng cúm trong vaccine khớp với các chủng cúm lưu hành vào mùa thu, giải quyết vấn đề mà trong một số năm có thể khiến việc tiêm phòng theo mùa chỉ còn 19% có hiệu lực.

Dù vậy, chuyên gia vaccine, ông Palese nghi ngờ lợi thế được quảng bá là đáng kể của mRNA. Nhưng Chủ tịch của Moderna, Stephen Hoge, lưu ý rằng công ty đã có kế hoạch sản xuất một biến thể dành riêng cho Omicron trong 100 ngày; họ nhấn mạnh đây là lợi thế của công nghệ mRNA.

Công ty Moderna cũng đang nỗ lực thúc đẩy chương trình vaccine HIV theo công nghệ mRNA; nếu được, đây chính là giải thưởng lớn nhất trong lĩnh vực tiêm chủng trong hơn ba thập kỷ. Ông Louis Picker, một nhà miễn dịch học tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon tập trung vào HIV, cảnh báo bất kỳ ai không nên hy vọng vào vaccine chống HIV.

Ông nói trong một email: “Tại thời điểm này, công nghệ vaccine mRNA có rất ít tác dụng để chống lại những trở ngại lớn đối với hiệu quả của vaccine HIV.” (theo trang Endpoint News)

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Moderna công bố vaccine công nghệ mRNA chống cúm mùa, cổ phiếu lập tức mất giá 10% vì gây thất vọng