Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (9/12), Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng chục cá nhân và thực thể với cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga, các quan chức Iran và công dân Trung Quốc.

Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc là Li Zhenyu và Zhuo Xinrong, cùng với 10 doanh nghiệp liên kết với hai cá nhân này, bao gồm cả Doanh nghiệp Hàng hải Pingtan (PME) được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Washington cáo buộc các thực thể này đã vi phạm nhân quyền gắn liền với việc đánh bắt trái phép của Trung Quốc.

Việc liệt PME vào danh sách trừng phạt đánh dấu lần đầu tiên Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một thực thể được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.

Washington cũng tuyên bố họ đã nhắm mục tiêu vào 157 tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc có liên quan đến các doanh nghiệp bị trừng phạt.

Hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một bản ghi nhớ về an ninh quốc gia nhằm chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Đây là một phần trong cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ các quốc gia đối phó với các vi phạm của các đội tàu đánh cá, đặc biệt là của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn kiểm soát 2 đại dương quan trọng nhất hành tinh
Một tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina vào ngày 04/05/2020. Bằng việc đánh bắt bất hợp pháp ở các đại dương xa xôi, Trung Quốc đang vơ vét nguồn lợi thủy sản toàn cầu và phá hủy sinh kế truyền thống của nhiều quốc gia. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Hải quân Argentina/AFP/Getty Images)

Các quốc gia trên khắp thế giới đang phẫn nộ trước các chiến thuật đánh cá của Trung Quốc vì cho rằng các tàu Trung Quốc thường xuyên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý (370 km) của nước này và gây ra những thiệt hại không nhỏ về môi trường và kinh tế.

Do việc thực thi lỏng lẻo ở các khu vực pháp lý nước ngoài, các nhóm nhân quyền cho rằng, hành vi đánh bắt trái phép có liên quan đến các hoạt động tội phạm khác như buôn người và lao động cưỡng bức.

Ông Brian Nelson, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính về khủng bố và tình báo tài chính, cho biết: “Những chỉ định này cho thấy chúng tôi coi trọng vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp như thế nào, cũng như cam kết của chúng tôi trong việc truy tố những đối tượng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Tàu cá Trung Quốc đồng loạt tràn xuống biển Đông ngày 16/8. Ảnh: từ clip của CCTV.
Tàu cá Trung Quốc đồng loạt tràn xuống biển Đông ngày 16/8/2022. (Ảnh: từ clip của CCTV)

Đáp lại, phía Trung Quốc nói rằng họ là một quốc gia đánh bắt cá có trách nhiệm, đã và đang hợp tác quốc tế để trấn áp việc đánh bắt cá bất hợp pháp. Đồng thời, Bắc Kinh cho biết, họ đánh bắt cá trong các vùng đặc quyền kinh tế có liên quan theo các thỏa thuận song phương.

Đại sứ quán nước này tại Washington cáo buộc Mỹ "chỉ tay vào các quốc gia khác và áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương dưới vỏ bọc nhân quyền".

Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) cho biết: “Mỹ không có quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt phi lý đối với các quốc gia khác hoặc hành xử như một cảnh sát thế giới”.

Thư từ GOP: Tài trợ cho năng lượng mặt trời của chính quyền Biden thúc đẩy các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc
Một cơ sở được cho là “trại cải tạo” nơi giam giữ chủ yếu là người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, ở Artux, phía bắc Kashgar thuộc khu vực Tân Cương phía tây Trung Quốc, vào ngày 02/06/2019. (Greg Baker/AFP/Getty Images)

Lạm dụng nhân quyền, tham nhũng

Trong một động thái khác, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định 40 cá nhân và thực thể có liên quan đến vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng ở 9 quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc và Iran.

Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Bầu cử Trung ương của Nga cũng như 15 thành viên của cơ quan này. Mỹ cáo buộc cơ quan này đã hỗ trợ giám sát và theo dõi “các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo” được tổ chức tại các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine.

Bộ Tài chính Mỹ cũng buộc tội bốn cá nhân tích cực tham gia vào các hoạt động thanh lọc của Nga. Bộ Ngoại giao đã xử phạt hai công dân Nga vì nghi ngờ vi phạm nhân quyền đối với người dân Ukraine.

Một người đàn ông chạy trước một tòa nhà chung cư bị phá hủy ở Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, hôm 26/9/2022, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)

Kể từ khi xâm lược Ukraine vào tháng 2, Nga đã bị cáo buộc phạm một số tội ác chiến tranh, bao gồm việc thiết lập một hệ thống gọi là "trại thanh lọc" để vận chuyển công dân Ukraine trong các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Bộ Tài chính Mỹ cũng xử phạt hai quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở khu vực Tây Tạng của Trung Quốc: Ông Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), Bí thư thành ủy Tây Tạng từ năm 2016 đến 2021 và Zhang Hongbo, một quan chức an ninh cấp cao trong khu vực.

Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng các chính sách hà khắc để đàn áp phe đối lập sắc tộc và hạn chế các hoạt động tôn giáo ở Tây Tạng. Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.

Iran đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể sau cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini, 22 tuổi hôm 16/9, chỉ ba ngày sau khi cô bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ vì "trang phục không phù hợp". (Ảnh: Daniel Slim/Getty Images)

Động thái của Mỹ hôm 9/12 cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Iran về việc đàn áp người biểu tình, Tổng cục Biên phòng Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên và Alpha Conde, cựu Tổng thống Guinea, cũng như những cá nhân và thực thể khác ở El Salvador, Philippines, Mali và Guatemala.

Đại sứ quán Nga tại Washington và phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về động thái của Mỹ.

Động thái hôm thứ Sáu của Washington đã dẫn đến việc đóng băng mọi tài sản ở Hoa Kỳ của những cá nhân được chỉ định và nói chung cấm người Mỹ giao dịch với họ.

Tác giả: Michael Martina & Daphne Psaledakis - Reuters

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Quốc và Nga