Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD cho Đài Loan, Trung Quốc phản đối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD cho Đài Loan, trong đó có vũ khí lấy trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ để giúp đảo quốc này đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Động thái này khiến Trung Quốc phản đối.

Nhà Trắng cho biết trong một bản ghi nhớ ngày 28/7, Tổng thống Biden đã chỉ thị rút “345 triệu USD các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng của Bộ Quốc phòng, cũng như phòng vệ, đào tạo và huấn luyện để hỗ trợ Đài Loan”.

Bản ghi nhớ không tiết lộ chi tiết về hỗ trợ quân sự. Do "thỏa thuận ngầm" giữa hai nước, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng từ chối bình luận về nội dung của gói viện trợ.

Hòn đảo tự trị đã bày tỏ lòng biết ơn đối với gói hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, nói rằng việc Washington quyết định rút vũ khí từ kho dự trữ của chính họ đã mang lại "một công cụ quan trọng để tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan”.

"Đài Loan và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về các vấn đề an ninh để duy trì hòa bình, ổn định và hiện trạng ở Eo biển Đài Loan", Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.

Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Martin Meiners, cho biết, gói viện trợ sẽ nhắm vào "các kho dự trữ phòng thủ quan trọng, khả năng nhận biết đa lĩnh vực, khả năng chống thiết giáp và phòng không của Đài Loan”.

Gói viện trợ mới bổ sung thêm vào tổng số gần 19 tỷ USD doanh số bán máy bay F-16 và các hệ thống vũ khí lớn khác mà Hoa Kỳ đã phê duyệt cho Đài Loan. Việc cung cấp những vũ khí đó đã vấp phải rào cản bởi những thách thức về chuỗi cung ứng bùng phát trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và càng trở nên trầm trọng hơn dưới áp lực cơ sở công nghiệp quốc phòng toàn cầu do cuộc chiến Nga - Ukraine tạo ra.

Khoản viện trợ này là một phần trong thẩm quyền của Tổng thống Mỹ đã được Quốc hội thông qua vào năm ngoái để rút vũ khí từ kho dự trữ của Hoa Kỳ. Gói viện trợ giúp hòn đảo nhận được vũ khí nhanh hơn so với khi đặt hàng.

Thương vụ bán vũ khí thứ 10 dưới chính quyền ông Biden

Hôm 29/6, Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng (DSCA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt hai thương vụ bán vũ khí tiềm năng cho Đài Loan, trị giá lên tới 440 triệu USD, đánh dấu thỏa thuận thứ 10 được chính quyền ông Biden phê duyệt.

DSCA cho biết thỏa thuận đầu tiên ước tính trị giá 332,2 triệu USD, bao gồm đạn đánh dấu chất nổ cao 30 mm, đạn đa năng 30 mm, đạn huấn luyện 30 mm và các vũ khí liên quan khác.

Thỏa thuận thứ hai, trị giá 108 triệu USD, gồm Thỏa thuận hỗ trợ cung ứng hậu cần hợp tác (CLSSA) và Đơn đặt hàng bán hàng quân sự nước ngoài II (FMSO II). Thỏa thuận này sẽ giúp Đài Loan có được các phụ tùng thay thế và sửa chữa cho xe có bánh, vũ khí và các yếu tố liên quan khác.

Trung Quốc phản đối

Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt động thái của Washington và yêu cầu Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Chỉ một ngày sau khi Washington tuyên bố chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc đã điều 24 máy bay và 5 tàu chiến áp sát Đài Loan. Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 11 máy bay chiến đấu băng qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan.

Cùng ngày 28/7, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) tuyên bố rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” quan hệ quân sự của Mỹ với Đài Loan. Ông Lưu kêu gọi Mỹ nên “ngừng bán vũ khí cho Đài Loan” và “ngừng tạo ra những nhân tố mới có thể dẫn đến căng thẳng ở Eo biển Đài Loan”.

Mặc dù Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ và có chính phủ dân chủ của riêng mình, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của nước này và cần được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Trên danh nghĩa, Hoa Kỳ chính thức công nhận nhưng không thừa nhận chính sách "Một Trung Quốc", theo đó họ không công nhận nền độc lập chính thức của Đài Loan. Tuy nhiên, Mỹ duy trì các mối quan hệ pháp lý với Đài Loan để đảm bảo rằng họ sẽ cung cấp cho hòn đảo vũ khí cần thiết để tự vệ.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth (bên trái) và Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng James McConville, làm chứng trong phiên điều trần tại Capitol Hill, hôm 10/5/2022 tại Washington, DC. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Kho dự trữ đạn dược của Hoa Kỳ đang cạn dần

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cảnh báo rằng kho dự trữ của Lục quân Hoa Kỳ đang cạn kiệt ở mức báo động trong bối cảnh nước này phải vật lộn để trang bị vũ khí cho Ukraine, đồng thời vẫn phải đảm bảo an ninh cho chính mình.

Bà Wormuth cho biết hơn 60% hỗ trợ an ninh mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đến từ các kho dự trữ đạn dược của quân đội.

Bà cho biết kho đạn dược của Mỹ đang cạn kiệt và quân đội đang cố gắng tăng cường sản xuất để lấp đầy khoảng trống.

“Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi học được từ Ukraine là cần phải củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng”, bà nói trong phiên điều trần ngày 30/3 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Quân đội Hoa Kỳ hiện đang yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 18 tỷ USD để cải thiện và nâng cấp năng lực sản xuất vũ khí trong 15 năm tới.

Theo bà Wormuth, điều này sẽ giúp bổ sung hơn 20 tỷ USD viện trợ sát thương đã được chuyển trực tiếp đến Ukraine từ kho dự trữ của Mỹ.

"Theo quan điểm của tôi, Washington sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa. Một điều mà cuộc chiến Ukraine đã cho chúng ta thấy là những ước tính của chúng ta về đạn dược [cần thiết] cho các cuộc xung đột trong tương lai là rất thấp”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu USD cho Đài Loan, Trung Quốc phản đối