Mỹ trên đà trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2023

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dữ liệu theo dõi tàu do tờ Bloomberg thu thập được, Hoa Kỳ đang trên đà vượt qua Qatar để trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới vào năm 2023. Cả Hoa Kỳ và Qatar đã xuất khẩu 81,2 triệu tấn LNG vào năm ngoái.

Năm 2022 chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn ở châu Âu trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ cho sưởi ấm và sản xuất điện của các quốc gia. Hoa Kỳ sở hữu nguồn cung khí đốt dồi dạo, bất chấp việc giá khí đốt trên toàn cầu tăng vọt, theo tờ Bloomberg.

Trên thực tế, nếu không xảy ra vụ nổ và hỏa hoạn vào giữa năm 2022 tại một nhà máy xuất khẩu khí đốt then chốt ở Freeport thuộc tiểu bang Texas, thì Hoa Kỳ đã sớm trở thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Sự kiện này đã làm gián đoạn khoảng 1/5 công suất xuất khẩu khí đốt, đồng thời đặt áp lực lên nguồn cung khí đốt vốn đã mong manh của châu Âu.

Rystad Energy, một tổ chức phân tích ngành dầu khí hàng đầu thế giới, tuyên bố vào cuối năm 2022 rằng, nếu dự án Freeport LNG hoạt động hết công suất, nó đã có thể giúp cho xuất khẩu của Hoa Kỳ cán mốc 86 triệu tấn và chính thức giúp Hoa Kỳ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Theo Rystad Energy, khi công suất của Freeport LNG được khôi phục hoàn toàn vào năm 2023, sản lượng LNG của Mỹ sẽ tăng 11%, vượt xa sản lượng hiện tại của các nhà sản xuất hàng đầu Qatar và Úc hàng triệu USD. Úc hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba trên thế giới.

Tuy nhiên, để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu thị trường cho đến cuối thập kỷ này, các doanh nghiệp Mỹ cần bắt tay vào việc xây dựng các nhà máy xuất khẩu LNG mới, theo tờ Bloomberg.

Qatar có thể giành lại vị trí dẫn đầu sau khi kế hoạch mở rộng North Field bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2027, dự kiến ​​sẽ nâng công suất hóa lỏng khí của đất nước này lên 126 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, nếu các nhà cung cấp Hoa Kỳ có thể duy trì mức tăng nguồn cung thông qua vận hành các nhà máy mới, quốc gia này vẫn có thể duy trì vị thế dẫn đầu.

Nhu cầu toàn cầu về LNG tiếp tục tăng trưởng đều đặn, đạt mức cao kỷ lục hàng năm kể từ năm 2015. Các nền kinh tế châu Âu và thị trường châu Á mới nổi phụ thuộc rất nhiều vào LNG để phục vụ cho nhu cầu phát điện và sưởi ấm.

Hoa Kỳ mới bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm 2016 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn thế giới, đánh dấu một bước nhảy vọt giúp quốc gia này trở thành cường quốc trên thị trường xuất khẩu khí đốt chỉ sau bảy năm.

Một tàu chở dầu Mỹ cập cảng Đức

Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên siêu lạnh thường xuyên đầu tiên của Hoa Kỳ đã cập cảng Đức vào ngày 3/1, đánh dấu một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm hỗ trợ Đức thay thế nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Tàu chở dầu Maria Energy đã cập cảng Wilhelmshaven ở Biển Bắc hôm 3/1. Sau đó, các lô hàng LNG sẽ được chuyển đổi thành khí đốt tại một nhà ga nổi đặc biệt. Buổi khánh thành nhà ga này có sự tham dự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Đức đã phải vật lộn để tìm một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Cảng Wilhelmshaven là một trong nhiều nhà ga tương tự đang được Đức xây dựng để giúp nước này ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Quốc gia Tây Âu này cũng tạm thời kích hoạt lại các nhà máy điện đốt than và dầu cũ, đồng thời kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này cho đến giữa tháng 4/2023.

Các nhà vận động môi trường cho biết, họ sẽ phản đối sự hiện diện của tàu chở dầu Mỹ. Họ cho rằng Đức không nên nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt thu được từ quá trình thủy lực cắt phá (fracking).

Fracking là quá trình tạo ra các vết nứt trong đá và thành đá bằng cách bơm chất lỏng chuyên dụng vào các vết nứt để buộc chúng mở thêm. Các khe nứt lớn hơn cho phép nhiều dầu và khí chảy ra khỏi các thành tạo và vào giếng, từ đó chúng có thể được chiết xuất dễ dàng.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ trên đà trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2023