Mỹ kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo sau phán quyết của Châu Âu ủng hộ Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Ngoại giao Mỹ đang kêu gọi tất cả các chính phủ tôn trọng tự do tôn giáo sau khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) ra phán quyết rằng lệnh cấm của Nga đối với các tài liệu liên quan đến môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công là bất hợp pháp.

“Nói rộng hơn, chúng tôi cực lực phản đối các luật cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo - những quyền được bảo vệ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng tôi lo ngại trước bất kỳ nỗ lực nào ngăn cản các cá nhân thực hành các quyền cơ bản của họ và khuyến khích tất cả các chính phủ tôn trọng quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với The Epoch Times.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã đưa ra phán quyết vào ngày 31/1 liên quan đến lệnh cấm của Nga có từ năm 2008 nhắm vào bốn tài liệu liên quan đến môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định có nguồn gốc từ Trung Quốc, đề cao các giá trị Chân - Thiện - Nhẫn.

Trong số các ấn phẩm bị nhắm mục tiêu có cuốn sách chính của môn tu luyện này là cuốn “Chuyển Pháp Luân”; hai cuốn sách nhỏ giới thiệu về môn tu luyện và quảng bá một cuộc biểu tình đốt đuốc Thế vận hội trên toàn thế giới nhằm nêu bật những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh nhắm vào tín ngưỡng này; và một báo cáo điều tra về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức có hệ thống của chính quyền Trung Quốc.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần kết hợp các bài tập thiền định chậm rãi và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.

Môn tu luyện này trở nên phổ biến sau khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, và ước tính vào thời điểm đó đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc.

Khi số người tập Pháp Luân Công lên đến 100 triệu người và cuốn sách chính của Pháp Luân Công là Chuyển Pháp Luân trở thành cuốn sách bán chạy nhất, lãnh đạo ĐCSTQ đương thời là Giang Trạch Dân cảm thấy vô cùng lo sợ.

Vào ngày 10/6/1999, Giang Trạch Dân đã bí mật thành lập phòng 610 để lên kế hoạch và thực hiện chính sách đàn áp quy mô lớn chống lại Pháp Luân Công. Có hơn 10 nghìn “Phòng 610” địa phương tại tất cả các cấp trên khắp Trung Quốc, huy động gần một triệu người để đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị chính quyền Trung Quốc bức hại nghiêm trọng. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên đã bị bỏ tù, bị đưa vào các trại lao động và trung tâm tẩy não, khiến nhiều người bị ngược đãi, tra tấn và giết hại để cướp nội tạng sống.

Lệnh cấm nói trên được ban hành vào tháng 8/2008 - đúng thời điểm diễn ra Thế vận hội mùa hè Bắc Kinh.

Các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động nhân quyền đã bị sách nhiễu hoặc bỏ tù trên khắp Trung Quốc trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Theo đó, các nhà giám sát nhân quyền trích dẫn tin tức từ các học viên Pháp Luân Công và gia đình của họ rằng, có hơn 8.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong một cuộc đàn áp trước Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Có ít nhất 100 người được cho là đã chết do bị ngược đãi trong thời gian bị giam giữ. Trong đó có một nhạc sĩ dân gian nổi tiếng 42 tuổi tên là Vu Trụ (Yu Zhou). Ông Vu chết trong trại giam sau 11 ngày bị bắt vì lưu trữ các tài liệu về Pháp Luân Công.

Người vợ họa sĩ của ông, một nghệ sĩ có tên Hứa Na (Xu Na), đã bị bắt trước Thế vận hội 2022. Hiện bà đang thụ án 8 năm tù vì vừa kiên định với môn tu luyện tu luyện tinh thần và vừa chia sẻ những bức ảnh liên quan đến đại dịch Covid-19 với The Epoch Times trong bối cảnh Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ thông tin về đại dịch năm 2020.

Học viên Pháp Luân Công Hứa Na trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (Ảnh: The Epoch Times)

Khi xem xét dưới góc độ quyền tự do tôn giáo của Hiến chương Liên Hợp Quốc, cơ quan nhân quyền châu Âu đã xác định rằng lệnh cấm của Nga đã vi phạm Công ước châu Âu về Nhân quyền trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Phán quyết hôm 31/1 nêu rõ những tòa án Nga “đã không đánh giá được sự cần thiết của việc cấm những ấn phẩm liên quan đến bối cảnh những tài liệu này được xuất bản, bản chất và từ ngữ, cũng như tác hại có thể có của những tài liệu này”.

“Hơn nữa, những tòa án này thậm chí còn không đề cập, chứ đừng nói đến việc thảo luận thấu đáo, đến ảnh hưởng của lệnh cấm này đối với các quyền của người nộp đơn theo Điều 9 và Điều 10 của Công ước… do đó không đánh giá được quyền của họ với lợi ích công cộng”, phán quyết này nói thêm, viện dẫn các phần bảo vệ quyền tự do biểu đạt và ngôn luận (pdf).

Ông Levi Browde, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã hoan nghênh phán quyết của tòa án Châu Âu, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng phán quyết này sẽ là lời “nhắc nhở chính quyền Nga rằng việc hợp tác với ĐCSTQ sẽ không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp”.

Ông nói với The Epoch Times: “Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng Moscow không phải là ĐCSTQ và chúng tôi vẫn tiếp tục tin rằng chính quyền Nga có thể đi đúng hướng và không làm theo mệnh lệnh của ĐCSTQ trong việc đàn áp tự do tôn giáo”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo sau phán quyết của Châu Âu ủng hộ Pháp Luân Công