Mỹ từ chối đề xuất tăng khoản quyên góp của WHO vì lo ngại Bắc Kinh thâm nhập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Reuters đưa tin rằng, do lo ngại về khả năng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tương lai, Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đã từ chối đề xuất của tổ chức này về việc tăng các khoản đóng góp hàng năm từ các quốc gia thành viên, thay vào đó sẽ thúc đẩy thành lập một quỹ riêng do các nhà tài trợ trực tiếp kiểm soát.

Theo một tài liệu do WHO công bố ngày 4/1, đề xuất này do tổ công tác tài chính của WHO đưa ra sẽ tăng mức đóng góp hàng năm của mỗi quốc gia thành viên.

Ngân sách cốt lõi của WHO có mục đích ứng phó với dịch bệnh và tăng cường củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới. WHO cũng tăng thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để giải quyết những thách thức toàn cầu như các bệnh nhiệt đới, cúm, v.v.

Các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng, chính phủ Mỹ phản đối đề xuất này vì lo ngại khả năng của WHO trong việc ứng phó với các mối đe dọa trong tương lai, bao gồm cả mối đe dọa từ Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thay vào đó, Mỹ đang thúc đẩy một quỹ riêng do các nhà tài trợ trực tiếp kiểm soát. Quỹ này có thể cung cấp kinh phí cho việc phòng ngừa và kiểm soát các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.

Reuters cho biết, 4 quan chức Châu Âu tham gia cuộc họp đã xác nhận việc Mỹ phản đối đề xuất của WHO. Chính phủ Mỹ không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Trong đó một quan chức Châu Âu nói rằng, các nước lớn khác, bao gồm Nhật Bản, Brazil cũng bày tỏ do dự về đề xuất của WHO.

Những nhà tài trợ nói rằng, sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ tự nguyện từ các nước thành viên cũng như các tổ chức từ thiện hiện nay, buộc WHO phải tập trung vào các việc ưu tiên do nhà tài trợ đặt ra, đồng thời khiến tổ chức này khó có thể chỉ trích thành viên khi họ xuất hiện vấn đề.

Một nhóm độc lập về dịch tễ học được bổ nhiệm để cố vấn về cải cách WHO đã kêu gọi tăng mạnh chi phí bắt buộc lên 75% ngân sách cốt lõi, cho rằng hệ thống hiện tại "gây ra rủi ro đáng kể cho sự tín nhiệm và độc lập của WHO".

Ba quan chức Châu Âu cho biết, các nước lớn của Liên minh Châu Âu (EU) như Đức, cũng như hầu hết các nước châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và Ả Rập, đều ủng hộ kế hoạch này.

Ba quan chức nói rằng, đề xuất này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của ban điều hành WHO vào tuần này, nhưng những bất đồng có nghĩa là thỏa thuận này sẽ không đạt được kết quả.

WHO xác nhận rằng hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên và cho biết các cuộc đàm phán có thể sẽ được tiếp tục cho đến phiên họp thường niên của Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2022.

Các nhà tài trợ Châu Âu đặc biệt ủng hộ việc củng cố, hơn là làm suy yếu các tổ chức đa phương, bao gồm cả WHO.

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích WHO, cáo buộc tổ chức này phát ngôn thay cho ĐCSTQ. Ngay sau đó, chính quyền Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi WHO trước cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ chia sẻ thông tin với thế giới trong giai đoạn đầu khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát năm 2019.

Chính quyền Biden đã tái gia nhập WHO sau khi lên nhậm chức, nhưng các quan chức nói với Reuters rằng WHO cần một cuộc đại tu lớn, đồng thời bày tỏ lo ngại khả năng của tổ chức thế giới này trong việc điều hành và ứng phó với các mối đe dọa không ngừng gia tăng, (đặc biệt là mối đe dọa từ ĐCSTQ).

Minh Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ từ chối đề xuất tăng khoản quyên góp của WHO vì lo ngại Bắc Kinh thâm nhập