Mỹ và Ukraine ký bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Bảo vệ Thông tin và Truyền thông đặc biệt nhà nước Ukraine (SSSCIP) và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng, đồng thời tái khẳng định cam kết hợp tác trong lĩnh vực này, theo một tuyên bố của CISA hôm 27/7.

Phó Cục trưởng SSSCIP Oleksandr Potii nhấn mạnh bản ghi nhớ này phản ánh sự tương đồng trong bảo vệ các giá trị chung của hai nước thông qua tăng cường chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa các cơ quan và các lĩnh vực quan trọng, cũng như cam kết hợp tác để phát triển mối quan hệ đối tác bền vững.

Giám đốc CISA Jen Easterly ca ngợi thỏa thuận làm sâu sắc thêm sự hợp tác về an ninh mạng của cơ quan này với Ukraine trong một tuyên bố ngày 27/7. Bà cũng hoan nghênh những nỗ lực của Ukraine trong việc bảo vệ đất nước trong bối cảnh quân đội Nga đang xâm lược.

"Tôi hoan nghênh những nỗ lực anh hùng của Ukraine trong công cuộc bảo vệ đất nước của mình trước sự tấn công an ninh mạng chưa từng có của Nga. Và tôi cùng xúc động trước sự kiên cường và dũng cảm của người dân Ukraine trong suốt cuộc chiến vô cớ này", bà Easterly nói.

“Các mối đe dọa an ninh mạng là xuyên biên giới và xuyên đại dương. Do đó, chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ hiện hữu của chúng tôi với SSSCIP để chia sẻ thông tin và cùng nhau xây dựng khả năng phục hồi toàn cầu trước các mối đe dọa an ninh mạng”, bà cho hay.

Bản ghi nhớ cũng sẽ mở rộng dựa trên mối quan hệ hiện có của hai cơ quan liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu trên cơ sở hạ tầng quan trọng và cho phép đào tạo chung về an ninh mạng và các cuộc tập trận chung.

Cuộc tấn công mạng

Nga được cho là đã tấn công cả trong lĩnh vực an ninh mạng và cơ sở hạ tầng mạng của Ukraine và Mỹ trong quá khứ. Với việc nước này bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công công nghệ SolarWinds vào năm 2020 khiến một số cơ quan, bao gồm các Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Năng lượng, Kho bạc, và Bộ Thương mại Hoa Kỳ bị tổn hại nghiêm trọng.

Các quan chức Nga đã phủ nhận các cáo buộc trên, với việc Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng nước này “không tiến hành các hoạt động tấn công trong lĩnh vực an ninh mạng”.

Vào đầu tháng 1 năm nay, trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, Hoa Kỳ đã cáo buộc Nga đứng sau một cuộc tấn công mạng đánh sập các trang web của chính phủ, cáo buộc rằng Moscow đã tham gia vào một "cuộc chiến tranh" chống lại nước láng giềng.

Tháng trước, một cuộc tấn công mạng đã tạm thời đánh sập các trang web ở Lithuania, với một nhóm hacker thân Moscow được cho là đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Cuộc tấn công đó xảy ra trong bối cảnh được cho là nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Lithuania trong việc hạn chế việc vận chuyển thép và kim loại đen.

Vào tháng 3, một quan chức cấp cao của Cục Điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) cho biết, vụ xâm nhập do nhà nước bảo trợ là mối đe dọa "hiện tại" đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Vị quan chức này cho rằng tin tặc đã quét hệ thống của các công ty năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác ở Hoa Kỳ nhằm phát hiện và khai thác các lỗ hổng về bảo mật.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ và Ukraine ký bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng