Nga phản đối việc bị loại khỏi cuộc điều tra sự cố đường ống dẫn khí đốt Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vụ nổ kỳ lạ của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch đang được điều tra, nhưng Nga, với tư cách là nhà xây dựng đường ống, đã bị loại khỏi cuộc điều tra. Hôm 14/10, Bộ Ngoại giao Nga ngày đã triệu tập đại sứ các nước Đức, Đan Mạch và Thụy Điển để bày tỏ sự 'phản đối' của Moscow về việc này.

Bị loại khỏi cuộc điều tra, Nga triệu tập đại sứ 3 nước để phản đối

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2 nối Nga với Đức bất ngờ phát nổ vào ngày 26/9. Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc đây là một hành động "khủng bố quốc tế", mang lại lợi nhuận cho Mỹ, Ba Lan và Ukraine.

"Trong những ngày gần đây, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ từ Đức, Đan Mạch và Thụy Điển tại Moscow", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã yêu cầu Gazprom và "đại diện các cơ quan có thẩm quyền" của Nga tham gia vào các cuộc điều tra do Berlin, Copenhagen và Stockholm phát động, nhưng không nhận được phản hồi chính thức.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakharova cáo buộc các điều tra viên "muốn che giấu thông tin" bằng cách không cho phép chủ sở hữu đường ống Nord Stream tham gia điều tra.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Đồng thời, có thông tin cho rằng các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, cũng tham gia vào cuộc điều tra".

Bộ Ngoại giao Nga nói với các đại sứ được triệu tập rằng nếu các chuyên gia Nga không thể tham gia cuộc điều tra, "Moscow cho rằng các quốc gia này đang cố gắng che giấu điều gì đó hoặc che giấu thủ phạm đằng sau các hành động khủng bố này".

Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng Moscow sẽ không chấp nhận sự vắng mặt của các chuyên gia Nga, điều đó có thể dẫn đến "kết quả sai lệch" của các cuộc điều tra.

Nga đề nghị nối lại nguồn cung khí đốt qua Nord Stream cho EU, Đức từ chối

Cách đây vài ngày, Nga cho biết một nhánh của Nord Stream vẫn đang hoạt động và "có thể tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu". Đáp lại, chính phủ Đức nói rằng họ sẽ không chấp nhận khí đốt tự nhiên của Nga vì nước này không còn là "nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy".

Theo tờ báo của Đức Deutsche Welle, ông Vladimir Putin phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy, đồng thời cáo buộc phương Tây đang phá hủy thị trường.

Ông Putin nói: “Việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream tùy thuộc vào Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (Court of Justice of the European Union). Chỉ cần họ muốn, công tắc sẽ được bật lên, và thế là xong”.

Phát ngôn viên Chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết, nước này đã loại trừ khả năng sử dụng khí đốt tự nhiên từ đường ống Nord Stream-2 vì "nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy" đã ngừng cung cấp khí đốt trước khi đường ống bị hư hỏng.

Báo chí nước ngoài đưa tin, mặc dù Nord Stream 1 và 2 bị ảnh hưởng sau các vụ nổ dưới đáy biển Baltic, gây rò rỉ một lượng lớn khí tự nhiên, song các nhánh của đường ống này vẫn có thể hoạt động bình thường.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã dừng quá trình cấp giấy chứng nhận cho đường ống trong chiến tranh Ukraine-Nga, vì vậy đường ống này đến nay vẫn chưa chính thức đưa vào sử dụng.

Nghi vấn của Nga

Trước khi cuộc điều tra bắt đầu, các quan chức Ba Lan và Ukraine cáo buộc Nga tấn công đường ống Nord Stream. Nga đã nhắm vào Mỹ, lập luận rằng chỉ có Mỹ mới hưởng lợi từ sự cố Nord Stream nhằm bán được nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hơn cho Liên minh châu Âu.

Người phát ngôn của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, ông Sergei Kupriyanov, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga ngày 10/10 rằng, ngay từ năm 2015, Gazprom đã phát hiện một tàu lặn phá mìn Sea Fox của NATO tại khu vực đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1.

Ông Kupriyanov cho biết vào ngày 6/11/2015, Gazprom đã phát hiện ra một tàu lặn phá mìn trong quá trình kiểm tra định kỳ đường ống "Nord Stream 1". Theo ông Kupriyanov, tàu lặn Sea Fox được phát hiện nằm giữa hai đoạn đường ống dẫn khí của Nord Stream 1, cụ thể là mốc 651 km, ở độ sâu 40 m trên biển Baltic.

Quân đội Thụy Điển sau đó đã tháo gỡ các tàu lặn phá mìn và tiến hành nổ mìn có kiểm soát. Sự cố này từng khiến "Nord Stream 1" ngừng hoạt động.

Công ty Đường ống Nord Stream đã đưa ra các thông báo liên quan trên trang web chính thức của mình vào năm đó và cảm ơn quân đội Thụy Điển. Thông báo nêu rõ tàu lặn phá mìn của NATO bị phát hiện nằm trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Thụy Điển.

NATO giải thích vào thời điểm đó rằng thiết bị trên bị thất lạc trong một cuộc tập trận quân sự của liên minh này. Tuy nhiên đại diện Gazprom không cho đây là sự cố ngẫu nhiên. Sau khi thiết bị trên được thu hồi, hoạt động của Nord Stream 1 tiếp tục diễn ra bình thường.

Rất lâu trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, đường ống Nord Stream là trọng tâm trong cuộc cạnh tranh về năng lượng của Nga với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Washington luôn phản đối việc EU phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, cho rằng động thái này sẽ làm tăng sức ảnh hưởng của Nga trong EU, đồng thời Mỹ cũng hy vọng EU có thể mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình. Khi cựu Tổng thống Trump còn cầm quyền, Mỹ đã trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2.

Thông tin do tờ Reuters cung cấp vào tuần trước cho thấy, một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ đã bay gần địa điểm vỡ đường ống Nord Stream 2 ở Biển Baltic chỉ vài giờ sau khi thiệt hại đầu tiên tại tuyến đường ống này xuất hiện.

Hồ sơ chuyến bay cho thấy máy bay máy tuần tra và trinh sát hàng hải P-8A Poseidon xuất phát từ Iceland, tiến hành tuần tra định kỳ qua Ba Lan trong khoảng một giờ, rồi bất ngờ bay đến khu vực đường ống Nord Stream ở Biển Baltic.

Đáp lại các báo cáo liên quan, Hải quân Mỹ trả lời rằng P-8A đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra định kỳ ở Biển Baltic vào thời điểm đó và không liên quan gì đến vụ nổ đường ống Nord Stream.

'Vụ nổ đường ống Nord Stream là mối đe dọa chung đối với nhân loại'

Ông Zhang Jing, một nhà nghiên cứu tại "Hiệp hội Chiến lược Trung Quốc" của Đài Loan, đã đăng một bài báo trên tờ United News Network, cho biết, sau vụ nổ đường ống Nord Stream, tất cả các bên ngay lập tức xác định đây là một vụ cố ý phá hoại và hoàn toàn loại trừ khả năng xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, phải có người chịu trách nhiệm về việc này. Kẻ chủ mưu đứng sau hoạt động phá hoại này rõ ràng là thiếu sự đồng thuận. Các chính phủ thậm chí sử dụng đến những cơ chế phát ngôn chính thức thông qua các phương tiện truyền thông để đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho các đối thủ chính trị của mình.

Ông nhận định rằng: "Đối mặt với những vụ phá hoại do con người tạo ra như vậy, các chính phủ trên thế giới thiếu sự hợp tác chân thành để tìm ra thủ phạm. Thay vào đó, họ nói chuyện lạnh lùng và nghi kỵ lẫn nhau. Kiểu đối đầu xen lẫn sự thờ ơ này sẽ là khía cạnh đáng lo ngại nhất về sự phát triển trong tương lai của cộng đồng quốc tế".

Ông Zhang Jing cho biết, khi vận tải biển thương mại quốc tế bị đe dọa, chắc chắn sẽ có những biến động trên thị trường thương mại quốc tế và trong lĩnh vực tài chính. Do đó, không thể để các quốc gia đứng ngồi không yên mà cần phải có những hành động tích cực và nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Ông cho rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay đã khiến châu Âu và Mỹ phải liên kết với nhau để đưa ra các biện pháp ứng phó, cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sau một vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt như vậy mà các quốc gia có thể đưa ra những vu khống cho Moscow.

Hơn nữa, các quốc gia phương Tây cố tình tung ra nhiều thuyết âm mưu khác nhau, hướng mũi tên nghi ngờ về phía Moscow. Cũng có thể những cáo buộc này là do chính Nga chỉ đạo và hành động, sử dụng việc phá hủy hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream nhằm đổ lỗi cho một nạn nhân nào đó, nhắm vào một mục tiêu cụ thể nào đó. Dù sao đi nữa, cách làm thiển cận như vậy quả thực không phải là phong thái mà các cường quốc cần phải có khi muốn giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu, ông kết luận.

Lam Giang

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Nga phản đối việc bị loại khỏi cuộc điều tra sự cố đường ống dẫn khí đốt Nord Stream