Nga sẽ lập tức quay lại Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với một điều kiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Moscow sẽ hồi sinh Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen đang bị đình trệ nếu th mãn các yêu cầu về sự có đi có lại của họ. Trong khi đó, căng thẳng gia tăng ở Biển Đen khi Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào các cảng biển của Ukraine trong khi đẩy lui làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái ở Bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

Theo ông Dmitry Polyansky, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Moscow sẵn sàng tái gia nhập Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nếu phương Tây dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu nông sản của Nga.

“Các nước phương Tây phải tập trung vào việc đảm bảo rằng ngũ cốc và phân bón của Nga đến được các nước có nhu cầu mà không gặp trở ngại", ông Polyansky phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 3/8.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các quốc gia phương Tây dường như không “có bất kỳ kế hoạch nào để thực hiện điều này”.

Được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm ngoái, sáng kiến này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen bất chấp những xung đột đang diễn ra với Nga.

Nga đã ngừng tham gia thỏa thuận vào ngày 17/7, nói rằng các phần quan trọng của thỏa thuận không được đáp ứng.

Kể từ khi có hiệu lực vào mùa hè năm ngoái, thỏa thuận này đã cho phép Ukraine xuất khẩu hơn 30 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen.

Tuy nhiên, theo Moscow, yếu tố thứ hai của thỏa thuận - một bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc - đã không bao giờ được các chính phủ phương Tây hoặc chính tổ chức quốc tế này tôn trọng.

Bản ghi nhớ dỡ bỏ thuế quan đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, đồng thời yêu cầu khôi phục xuất khẩu amoniac của Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Bản ghi nhớ tiếp tục kêu gọi tái kết nối ngân hàng nông nghiệp quốc doanh của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Ông Polyansky nói: “Nếu tất cả các vấn đề chúng tôi đã xác định được loại bỏ và bản ghi nhớ Nga - LHQ được thực thi, chúng tôi có thể quay lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen”.

'Vũ khí hóa' lương thực

Đầu tuần này, Đại diện của Washington tại Liên Hợp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, tuyên bố rằng nếu Nga muốn các sản phẩm nông nghiệp của mình tiếp cận thị trường toàn cầu, "họ sẽ phải quay lại thỏa thuận này”.

Phát biểu trước báo giới hôm 1/8, bà Thomas-Greenfield cho biết: “Chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu cho thấy họ [Nga] có thể muốn quay lại bàn đàm phán”.

“Chúng tôi sẽ chờ xem liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không", bà nói thêm.

Hai ngày sau, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergey Vershinin, gợi ý thỏa thuận có thể được khôi phục "dưới hình thức mới" nếu phương Tây thực hiện "các bước cụ thể" để đáp ứng yêu cầu của Moscow.

Giới chức phương Tây cáo buộc Moscow sử dụng các chuyến hàng thực phẩm như một “vũ khí chiến tranh". Họ thường nói rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc sẽ tước đi nguồn cung cấp ngũ cốc trọng yếu của các nước nghèo hơn.

Ngày 27/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre tuyên bố rằng việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc sẽ "làm trầm trọng thêm nạn đói ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, bao gồm cả châu Phi".

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đó tuyên bố rằng khoảng 65% lượng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu theo thỏa thuận đã được chuyển đến “các quốc gia dễ bị tổn thương nhất” trên thế giới.

Tuy nhiên, các quan chức Nga bác bỏ khẳng định này, nói rằng thỏa thuận ngũ cốc cuối cùng đã không đạt được mục tiêu của nó - cụ thể là đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia có thu nhập thấp.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, chưa đến 5% ngũ cốc của Ukraine đến được các quốc gia có thu nhập thấp theo thỏa thuận, trong đó phần lớn được chuyển đến các nước châu Âu giàu có hơn.

The Epoch Times không thể xác minh độc lập tuyên bố này.

Châu Phi nhận được ngũ cốc miễn phí

Tổng thống Vladimir Putin đã công bố ý định cung cấp ngũ cốc miễn phí của Nga cho nhiều nước châu Phi tại một hội nghị lịch sử giữa Nga và châu Phi vào tuần trước.

Ông Putin tuyên bố rằng Nga sẽ "cung cấp miễn phí từ 25.000 đến 50.000 tấn ngũ cốc cho mỗi nước, gồm: Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea trong vòng 3 hoặc 4 tháng tới”.

Một số nguyên thủ quốc gia châu Phi đã tham dự hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức ở St. Petersburg.

Ông Putin phát biểu tại buổi lễ: “Các nước phương Tây cản trở nguồn cung cấp ngũ cốc và phân bón của chúng tôi trong khi đổ lỗi cho chúng tôi một cách đạo đức giả về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay”.

Trong một tuyên bố chung hôm 4/8, các nhà lãnh đạo châu Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh đã kêu gọi loại bỏ “các rào cản đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga”, qua đó cho phép nối lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen.

Họ cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện “hành động cần thiết để giải phóng 200.000 tấn phân bón của Nga bị chặn tại các cảng biển của Liên minh châu Âu (EU) để phân phối khẩn cấp và miễn phí đến các nước châu Phi”.

Căng thẳng trên Biển Đen

Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào tháng trước, căng thẳng trong và xung quanh Biển Đen đã tăng lên đáng kể.

Hôm 20/7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng tất cả các tàu biển đang trên đường đến các cảng biển của Ukraine từ nay về sau sẽ được coi là “có khả năng thù địch”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tàu có gắn cờ như vậy sẽ bị coi là “các bên tham gia xung đột đứng về phía Ukraine”.

Nga cũng tiếp tục thực hiện các cuộc không kích không thường xuyên nhằm vào các cơ sở cảng của Ukraine, đặc biệt là ở Odessa trên Biển Đen.

Gần đây, họ đã mở rộng phạm vi của các cuộc tấn công này bao gồm cả cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine dọc theo sông Danube, đổ ra Biển Đen.

Hôm 2/8, Phó thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết các cuộc tấn công của Nga vào cảng Izmail của sông Danube đã làm hư hại 40.000 tấn ngũ cốc dành cho xuất khẩu.

Ông Kubrakov khẳng định trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội rằng cơ sở hạ tầng cảng dọc con sông đã bị “tàn phá”.

Tuy nhiên, không có thương vong nào được ghi nhận ngay sau cuộc tấn công.

Trong cùng khoảng thời gian đó, Nga đã ngăn chặn nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở khu vực Biển Đen của Bán đảo Crimea, nơi Moscow sáp nhập vào năm 2014.

Hôm 4/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng của họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea với sự tham gia của 13 máy bay không người lái.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng hai tàu chiến Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công riêng biệt bằng máy bay không người lái trên biển nhằm vào cảng Novorossiysk của Nga ở Biển Đen. Theo báo chí phương Tây, cuộc không kích đã làm hư hại ít nhất một tàu hải quân Nga.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nga sẽ lập tức quay lại Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với một điều kiện