Nguyên nhân Ảrập Xêút không còn bơm dầu theo yêu cầu của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và bây giờ là Ảrập Xêút nói rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang trên đà kết thúc. Riyadh đang dần từ bỏ mối quan hệ đồng minh với Washington để hướng tới Bắc Kinh - vị khách hàng lớn nhất hiện tại.

Trong nhiều thập kỷ, Ảrập Xêút là đồng minh của Mỹ dựa trên việc trao đổi dầu mỏ - an ninh. Ảrập Xêút cung cấp nhiều dầu hơn khi giá dầu tăng cao, trong khi Mỹ hứa hẹn sẽ đứng ra bảo vệ Ảrập Xêút khi, ví dụ như, Iraq hoặc Iran sử dụng tên lửa. Do đó, Mỹ không bao giờ chìm quá sâu vào cuộc suy thoái do thiếu dầu và luôn đủ mạnh để ổn định Trung Đông.

Tuy nhiên, giờ đây, Ảrập Xêút đang rời xa Mỹ và hướng tới khách hàng mới và lớn nhất của họ - Trung Quốc. Riyadh không còn bơm dầu theo yêu cầu của Washington; điều này khiến lạm phát tại Mỹ cao ngất trời, lãi suất tăng và suy thoái kinh tế cận kề. Mối liên minh đã kết thúc và chính quyền Biden không hề vui vẻ với điều đó.

Căn nguyên của sự tan rã này nằm ở kinh tế vĩ mô. Xuất khẩu của Ảrập Xêút sang Mỹ giảm từ 2,2 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2003 xuống dưới 460.000 thùng/ngày vào năm 2020. Năm đó, Ảrập Xêút trở thành nguồn cung dầu lớn nhất của Trung Quốc, xuất khẩu gần 1,7 triệu thùng/ngày cho quốc gia độc tài này.

Có thể thấy, việc Mỹ không điều hướng thương mại tự do đang tạo điều kiện thúc đẩy một liên minh mới nổi giữa Trung Quốc và Ảrập Xêút.

Tuần trước, các bộ trưởng năng lượng Trung Quốc và Ảrập Xêút đã tổ chức một hội nghị trực tuyến. Tại đó họ nói về hợp tác nhiều hơn nữa trong dầu mỏ và hạt nhân, cũng như về đầu tư vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Cuộc đối thoại như vậy đã đánh bại các đề nghị từ phía chính quyền Biden, bao gồm cả việc Ảrập Xêút đối trọng với BRI.

Xét đến những căng thẳng trong khu vực với Iran, các cuộc thảo luận giữa Ảrập Xêút với Bắc Kinh có thể dẫn đến việc đàm phán về sản xuất vũ khí. Iran đang đi trước với việc mua vũ khí hạt nhân, điều này có thể khuyến khích Ảrập Xêút làm điều tương tự, đặc biệt khi liên minh của họ với Mỹ đang có vấn đề.

Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên và bây giờ là Ảrập Xêút nói rằng vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang trên đà kết thúc, và một “kiểu quan hệ quốc tế mới” do Bắc Kinh đạo đức giả dẫn đầu đang xuất hiện, trong đó Mỹ sẽ là kẻ đi sau chứ không phải là người lãnh đạo.

Bắc Kinh đang trên đường thay thế Washington trở thành thủ đô hàng đầu thế giới, cả về khả năng kiểm soát Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn (khi xét theo ngang giá sức mua) và lực lượng hải quân lớn hơn (tính theo số lượng tàu). Một thế giới do Bắc Kinh lãnh đạo sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta hiện có bởi vì Bắc Kinh theo đuổi quyền bá chủ toàn cầu, điều mà Mỹ và các đồng minh sẽ không dễ dàng nhượng bộ.

Ảrập Xêút có lẽ đang coi Mỹ là một đối thủ cạnh tranh khi mà chính quyền Biden công khai nhắm mục tiêu vào tất cả các chế độ độc tài, đồng thời lại cố gắng (một cách đạo đức giả) để đưa công suất 4 triệu thùng/ngày của Iran trở lại thị trường toàn cầu. Điều đó sẽ làm giảm giá dầu và đe dọa an ninh quốc gia của Ảrập Xêút, quả là thiệt đơn thiệt kép cho Riyadh.

Ảrập Xêút cũng không thích áp lực mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh và Moscow. Riyadh muốn tiếp tục kiếm tiền trong khi từ chối thể hiện quan điểm chính trị.

Tổng thống Biden đã chọn đi con đường đạo đức cao cả với Ảrập Xêút - có lẽ phải trả giá bằng những hy sinh ngắn hạn - bằng cách công khai và liên tục nói về vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 mà theo một số cáo buộc, vụ việc có sự tham gia của Thái tử Ảrập Xêút Mohammad bin Salmon.

Trước đó, chính quyền Trump (và sau này cả ông Biden) đã làm việc để đoàn kết người Ảrập Xêút và người Israel chống lại Iran. Đó là những bước đi chiến lược có tác động ở cấp độ toàn cầu khi Iran liên minh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, như đã nói, Ảrập Xêút đang tiến về phía Trung Quốc. Nga và Ảrập Xêút dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cộng (OPEC+) trong việc hạn chế nguồn cung dầu và do đó giữ giá dầu ở mức cao. Đầu tháng này, các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu đã quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu tăng chóng mặt và suy thoái kinh tế rình rập. Họ đã làm điều này bất chấp lời kêu gọi của ông Biden về việc tăng sản lượng và chống lạm phát.

Mỹ cần mạnh mẽ hơn

Để nới lỏng nút thắt Gordian này của các quốc gia độc tài, Mỹ đã cố gắng sử dụng các biện pháp khuyến khích mang tính tích cực, nhưng Hoa Kỳ cũng cần phải táo bạo hơn trong việc áp dụng các biện pháp mang tính không khuyến khích.

Chẳng hạn, dự luật [lưỡng đảng] đối phó với OPEC+, được gọi là NOPEC, sẽ loại bỏ quyền miễn trừ quốc gia đối với các quốc gia OPEC+ để Tổng chưởng lý Mỹ có thể kích hoạt các vụ kiện chống độc quyền tại các tòa án Mỹ. Điều này có thể phá hủy OPEC+ và làm giảm giá dầu, giúp ích cho nền kinh tế Mỹ - ngoại trừ hoạt động sản xuất dầu của chính nước Mỹ.

Tuy vậy, NOPEC cũng có thể làm tăng lượng khí thải vào thời điểm trái đất nóng lên. Đồng thời, nó có thể giúp đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Liên minh châu Âu).

Có thể thấy, nút thắt của Trung Quốc và các đồng minh độc tài ngày càng khó tháo gỡ. NOPEC và các biện pháp cứng rắn khác phải phù hợp với nguyên tắc dân chủ và thị trường, đồng thời phải trở thành một phần trong chiến lược lớn của Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Xuân Hoa

Theo Anders Corr - The Epoch Times

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân Ảrập Xêút không còn bơm dầu theo yêu cầu của Mỹ