Ông Tập Cận Bình có kế hoạch gặp ông Putin trước khi gặp ông Biden, phát đi tín hiệu gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Wall Street Journal đưa tin độc quyền rằng ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị đến thăm Trung Á vào tháng 9 để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cuộc gặp của ông Tập với ông Putin trước khi gặp Tổng thống Mỹ Biden vào tháng 11 nhấn mạnh nỗ lực của ông Tập trong việc tăng cường quan hệ Trung-Nga khi phương Tây thắt chặt việc kiềm chế ĐCSTQ.

Theo The Wall Street Journal, những người tham gia vào việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ được tổ chức tại Thành phố Samarkand, Uzbekistan, từ ngày 15/9 ngày 16/9, cho biết văn phòng của ông Tập trong tuần này ám chỉ rằng ông có thể đích thân tham dự cuộc họp. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo Pakistan, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị thượng đỉnh.

Một số nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh chỉ bắt đầu lên kế hoạch cho ông Tập tham dự hội nghị và gặp ông Putin sau khi thất bại trong việc ngăn chặn chuyến thăm của bà Pelosi. Giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại một cuộc xung đột quân sự bất ngờ với Washington do căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan.

Hãng thông tấn TASS của Nga hồi tháng 6 đưa tin ông Putin có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Thượng Hải, nhưng không đề cập đến cuộc gặp với ông Tập.

Các quan chức Trung Quốc nói rằng chuyến thăm đến Uzbekistan ở Trung Á sẽ nhấn mạnh nỗ lực của ông Tập nhằm củng cố mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các đồng minh ngoài Hoa Kỳ như một bức tường thành chống lại sự kiềm chế của phương Tây đối với Trung Quốc.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối an ninh khu vực được thành lập bởi Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á vào năm 2001, được gọi là "NATO của phương Đông". Ấn Độ và Pakistan được thêm vào tổ chức năm 2017. Các nhà quan sát bao gồm Iran và Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ được liệt kê là đối tác Hội thoại.

Tờ Wall Street Journal trước đó đưa tin rằng ông Tập có kế hoạch thăm Đông Nam Á vào giữa tháng 11 để tổ chức cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ, kể từ khi ông Biden nhậm chức. Người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nói với tờ Bloomberg hôm thứ Sáu (19/8) rằng ông Tập, ông Biden và ông Putin đều sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tháng 11.

Sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, Mỹ đã kêu gọi nhóm G20 trục xuất tư cách thành viên của Nga và rút lại lời mời đối với ông Putin. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia nhất quyết mời ông Putin, đồng thời gửi lời mời đến Tổng thống Ukraine Zelensky, người không phải là thành viên G20, với hy vọng đóng một vai trò hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Trung Quốc tin rằng cuộc gặp với ông Putin trước cuộc gặp với ông Biden sẽ gửi một tín hiệu: ông Tập cam kết tăng cường mối bang giao Trung-Nga. Ông Putin và ông Tập đã gặp nhau trong Thế vận hội Bắc Kinh hồi tháng 2 năm nay, và một vài tuần sau đó Nga đã phát động một cuộc chiến tranh chống lại Ukraine.

Ông Putin trong tuần này gọi chuyến thăm đài Loan của bà Pelosi là "một sự khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận" nhằm tạo ra hỗn loạn. Bắc Kinh cho biết tuyên bố của ông Putin cho thấy "sự hợp tác chiến lược cấp cao giữa Trung Quốc và Nga". Quân đội hai nước cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung ở Viễn Đông của Nga vào cuối tháng này, một minh chứng khác cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Moscow vào thời điểm phương Tây giận dữ về việc Nga xâm lược Ukraine

Chuyến thăm Trung Á của ông Tập cận Bình cũng có thể giúp giảm căng thẳng với Ấn Độ. Hai nước đang vướng vào tranh chấp kéo dài về biên giới Himalaya và một cuộc đụng độ quân sự chết người đã nổ ra vào năm 2020. Ấn Độ, cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, được gọi là một phần của "Đối thoại An ninh Bốn bên" nhằm chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ ở châu Á.

Trung Quốc và Ấn Độ gần đây đã tranh cãi về việc một tàu khảo sát Trung Quốc cập cảng Sri Lanka, một động thái mà New Delhi lo ngại có thể báo hiệu Bắc Kinh sử dụng Sri Lanka làm căn cứ cho các hoạt động quân sự ở Ấn Độ Dương.

Kể từ sau đại dịch, hầu hết các cuộc gặp của ông Tập với các nhà lãnh đạo toàn cầu đều diễn ra trực tuyến. Vào tháng 6, ông Tập đã hội đàm với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS. Cuộc gặp mặt trực tiếp cuối cùng giữa ông Tập và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra vào năm 2019.

Chuyến thăm nước ngoài cuối cùng của ông Tập là vào tháng 1/2020, sau khi dịch bệnh Lây lan nhanh chóng ở miền Trung Trung Quốc.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 vào mùa thu này, ông Tập cận Bình dự kiến sẽ tái đắc cử tổng bí thư, và sau khi vị trí của ông được củng cố trong Đảng, ông sẽ tiếp tục các chuyến thăm nước ngoài bình thường.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình có kế hoạch gặp ông Putin trước khi gặp ông Biden, phát đi tín hiệu gì?