Phân tích: Lính đánh thuê Wagner sẽ hoạt động mạnh ở lục địa đen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhóm chiến đấu tại châu Phi của Tập đoàn Lính đánh thuê Wagner sẽ không sớm rút lui, bất chấp cuộc binh biến chống lại Điện Kremlin của ông trùm Yevgeniy Prigozhin và lời kêu gọi gia nhập quân đội Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

Đó là quan điểm của hầu hết các nhà phân tích về an ninh và các thành viên thuộc các cơ quan tình báo mà The Epoch Times đã liên hệ.

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations) - tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington DC - ước tính có ít nhất 5.000 lính đánh thuê Wagner đang hoạt động trên lục địa đen, cụ thể là tại các quốc gia như Cộng hòa Trung Phi, Libya và Mali.

Dễ hiểu khi Wagner cố thủ tại châu Phi

Bà Jasmine Opperman, nhà tư vấn an ninh chuyên về chủ nghĩa cực đoan và bạo lực chính trị ở châu Phi, cho biết Tập đoàn Wagner có sự hiện diện trên khắp châu Phi một cách không chính thức.

“Công ty Nghiên cứu Internet (Internet Research Agency) [của Wagner], tổ chức mà đã can thiệp các cuộc bỏ phiếu và các vụ việc khác, có mặt ở khắp mọi nơi. Bất cứ nơi nào giàu tài nguyên thiên nhiên, quý vị sẽ nhìn thấy các công ty bình phong của Wagner, chẳng hạn như ở Sudan", bà nói với The Epoch Times.

Giáo sư Hennie Strydom thuộc khoa quan hệ quốc tế của Đại học Johannesburg (Nam Phi), cho biết Liên minh châu Phi đã “mở cửa” cho Wagner bằng cách không thực hiện bất kỳ hành động nào để ngăn chặn Wagner “giành chỗ đứng cho Moscow” trên lục địa đen.

“Các đơn vị của Wagner đi khắp nơi giết người châu Phi và đánh cắp tài nguyên, nhưng Liên minh châu Phi không làm gì và không nói gì. Trong bối cảnh này, có lý do nào khiến ông Putin phải rút Wagner khỏi một lục địa mà các nhà lãnh đạo trên lục địa hoan nghênh họ?”, ông Strydom nói với The Epoch Times.

“Rõ ràng, sự hiện diện của Tập đoàn Wagner là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm chống lại sự can dự quân sự của phương Tây vào châu Phi, đặc biệt là của Mỹ và Pháp. Chỉ với riêng lý do đó, không có khả năng những lính đánh thuê này sẽ sớm rút lui hàng loạt", ông Strydom nói.

Bà Opperman cho biết những tay lính đánh thuê đã "thiết lập vững chắc vị trí của họ" sau vụ binh biến của ông trùm Prighozhin vào Moscow.

Nhà lãnh đạo Wagner mô tả hành động của mình là "sự phản đối" cách xử lý cuộc chiến ở Ukraine của các tướng lĩnh Điện Kremlin. Tổng thống Vladimir Putin thì gọi cuộc nổi dậy là "phản quốc" và cho rằng đây là âm mưu đảo chính.

Bà Opperman nói: “Trong bối cảnh như thế, việc các chiến binh Wagner cố thủ tại nơi họ đang hiện diện ở châu Phi là điều dễ hiểu”.

“Hiện tại, không ai chắc chắn về tương lai của Wagner, nhưng có một điều tôi chắc chắn là trừ khi Moscow cung cấp rất nhiều tiền cho các đơn vị [Wagner đang] đóng quân ở châu Phi, họ sẽ không từ bỏ tất cả các mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ kim cương và các tài nguyên khác mà họ đã chiếm được kể từ khi họ bắt đầu hoạt động ở châu Phi khoảng 6 năm trước".

Ông Prigozhin hiện đang ở Belarus, theo thông tin từ tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus.

“Rõ ràng, Tổng thống Putin đã ân xá cho ông Prigozhin, nhưng ông ấy (Prigozhin) biết rằng sự ân xá của ông Putin chẳng có ý nghĩa gì. Và làm thế nào mà ông Prigozhin có thể sống lưu vong ở Belarus, nơi có mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin, … mà vẫn cảm thấy an toàn? Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trùm Wagner xuất hiện ở châu Phi. Xét cho cùng, ngoài Ukraine và Nga, Wagner ở châu Phi là lực lượng lớn nhất của Nga trên thế giới".

Lính đánh thuê Wagner sẽ hoạt động mạnh ở châu Phi
Ông Yevgeny Prigozhin cho ông Vladimir Putin (khi đó là Thủ tướng) xem nhà máy sản xuất bữa ăn trưa cho học sinh, ngày 20/09/2010. (Ảnh: ALEXEY DRUZHININ/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)

Hành quyết hàng loạt và cướp bóc tài nguyên

Wagner lần đầu tiên triển khai các chiến binh tới châu Phi vào năm 2018, gửi các “huấn luyện viên quân sự” tới Cộng hòa Trung Phi và Sudan. Những “huấn luyện viên quân sự” này đã giúp đỡ các thể chế bất hợp pháp, chẳng hạn như chính quyền quân sự của Mali, đồng thời cướp bóc tài nguyên thiên nhiên.

Một số tổ chức nhân quyền cũng cáo buộc nhóm này thực thi nhiều tội ác tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, tra tấn và hành quyết hàng loạt, ở các quốc gia như Cộng hòa Trung Phi và Mozambique.

Wagner hiện có một lực lượng lớn ở Libya - đất nước đang chìm trong tình trạng vô luật pháp, hỗ trợ các nhóm phiến quân tại đây để đổi lấy dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác. Nhóm này cũng bị cáo buộc có liên quan đến nạn buôn người.

Ông Samuel Ramini, nhà phân tích xung đột tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, nói với The Epoch Times rằng mối quan tâm của ông Putin đối với châu Phi “thuần túy là lượng tiền thu được, vì vậy việc ông ấy tiếp tục sử dụng Wagner” trên lục địa đen là điều hợp lý.

Ông Ramini nói: “Nga, chủ yếu thông qua việc sử dụng nhóm Wagner, chỉ thiết lập sự hiện diện của họ tại các quốc gia châu Phi nhiều tài nguyên - những thứ làm giàu cho ông Prigozhin và những người có quan hệ với ông ấy ở Nga”.

“Mali có rất nhiều vàng. Cộng hòa Trung Phi có uranium, kim cương, vàng và dầu mỏ. Wagner nhận được một phần lớn trong chiếc bánh này bằng cách giúp Tổng thống Faustin-Archange Touadéra chống lại các nhóm nổi dậy. Lính đánh thuê của Wagner cũng là vệ sĩ riêng của Tổng thống".

Bà Opperman cho biết Wagner tàn phá bất cứ nơi nào ở châu Phi mà họ đi qua. “Ở Libya, họ gài bẫy mìn trong các gia đình và giết trẻ em. Họ cũng hành quyết dân thường. Wagner cũng làm những điều này ở Mali, nơi họ đã giết hơn 500 người trong một tuần ở thị trấn Moura".

Chính quyền Mỹ của Tổng thống Biden đã cáo buộc Wagner thực thi “các hoạt động tội phạm nghiêm trọng”, bao gồm “hành quyết hàng loạt, hãm hiếp, bắt cóc trẻ em và bạo hành thể chất” ở Cộng hòa Trung Phi và Mali.

Ngày 27/06, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt bốn công ty và một cá nhân có liên quan đến “nhóm quân sự bạo lực PMC Wagner của Nga” và thủ lĩnh Prigozhin.

Trong một thông cáo báo chí, ông Brian Nelson - Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề về Khủng bố và Tình báo Tài chính - tuyên bố: “Tập đoàn Wagner lợi dụng tình trạng mất an ninh trên thế giới, thực hiện các hành vi tàn bạo và các hoạt động tội phạm đe dọa đến an toàn, trị an, thịnh vượng và nhân quyền của các quốc gia, cũng như cướp bóc tài nguyên thiên nhiên tại các quốc gia. Các thực thể bị trừng phạt ở Cộng hòa Trung Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Nga đã tham gia giao dịch vàng bất hợp pháp để tài trợ cho Tập đoàn Wagner, giúp Wagner duy trì và mở rộng lực lượng vũ trang của họ - bao gồm cả ở Ukraine và châu Phi; trong khi cá nhân bị trừng phạt là đối tượng giữ vai trò trung tâm của các hoạt động của Wagner ở Mali".

“Cá nhân bị trừng phạt” mà ông Nelson nhắc đến là Andrey Nikolayevich Ivanov. Theo Bộ Tài chính Mỹ, ông Ivanov đã tạo điều kiện thuận lợi để Wagner thực hiện các giao dịch khai thác mỏ và mua bán vũ khí với các quan chức cấp cao trong chính phủ Mali.

Lính đánh thuê Wagner sẽ hoạt động mạnh ở châu Phi
Một chiếc xe tải của Wagner xuất hiện ở căn cứ Bangassou của Lực lượng Vũ trang Trung Phi (FACA) - nơi bị tấn công vào ngày 03/01/2021. Ảnh chụp ngày 03/02/2021. (Ảnh: Alexis Huguet / AFP qua Getty Images)

Đuổi phương Tây, thâm nhập sâu vào châu Phi

Bà Opperman cho biết ông Ivanov cũng quản lý Africa Politology, một nhánh con của Wagner PMC. “Công ty này rất mờ ám và nó đang mở rộng sự hiện diện trên khắp châu Phi”.

“Africa Politology về cơ bản là cánh tay tuyên truyền của Wagner. Ví dụ, tổ chức này sử dụng các đặc vụ người châu Phi, chẳng hạn như các nhà lãnh đạo cộng đồng, để tung ra các thông điệp chống phương Tây và đặc biệt là chống Liên Hợp Quốc trên các nền tảng truyền thông xã hội và các nền tảng công cộng khác”.

Bà Opperman cho hay, công ty của ông Ivanov là chủ mưu của các cuộc biểu tình công khai thời gian gần đây ở Mali. Những cuộc biểu tình này yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 13.000 người của Liên Hợp Quốc rút khỏi đất nước và thay thế bằng quân đội Nga. Nhiều người biểu tình mang cờ Nga và biểu ngữ ủng hộ ông Putin.

Thứ 6 (30/06), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí bỏ phiếu kết thúc sứ mệnh kéo dài hàng thập kỷ tại Mali. Washington cho biết động thái này được "thiết kế" bởi Tập đoàn Wagner.

“Đây là thành công lớn của Wagner và ông Putin biết điều đó. Đây chỉ là một trong những lý do mà Wagner sẽ ở lại châu Phi trong thời gian dài sắp tới", bà Opperman nói. “Ông Putin khao khát thành công, đặc biệt là vào thời điểm này".

Giáo sư Strydom thì cho hay, Moscow đã cung cấp vũ khí và đạn dược cho các thành viên Wagner ở châu Phi, trong khi một công ty của trùm Prigozhin chịu trách nhiệm trả tiền cho họ.

“Không đời nào ông Putin lại cắt nguồn cung vũ khí, đạn dược và tiền bạc cho lính Wagner ở châu Phi, bởi vì xét cho cùng thì họ là lính đánh thuê … Họ đơn giản là làm việc cho bất cứ ai đặt súng vào tay họ và trả tiền cho họ. Hầu hết những người này không trung thành với ông Putin hay bất kỳ ai khác; họ trung thành với tiền bạc. Vì vậy, họ sẽ ở lại trong hàng ngũ của Điện Kremlin vào thời điểm hiện tại", ông Strydom nói.

Ông Putin đã nói rằng các thành viên Wagner nên gia nhập quân đội Nga, hoặc "về nhà", hoặc đến Belarus với thủ lĩnh Prigozhin.

Nhưng bà Opperman và ông Strydom có chung quan điểm rằng điều này sẽ không áp dụng cho lực lượng Wagner ở châu Phi. “Moscow đã đầu tư quá nhiều vào châu Phi đến mức mà họ không thể vứt bỏ tất cả. Tôi đoán một số thỏa hiệp liên quan đến châu Phi sẽ được đưa ra", ông Strydom nói.

Còn theo nhà phân tích Ramini, điều quan trọng cần nhớ là Tập đoàn Wagner không xâm lược châu Phi. “Chính các nước châu Phi và các chính phủ tại đó đã chào đón lính đánh thuê Nga".

Nhưng ông nói thêm: “Đôi khi những chính phủ [châu Phi] này nhận được nhiều hơn những gì họ đã thỏa thuận, và không phải đều là những thứ tốt. Ví dụ, ở Cộng hòa Trung Phi, Wagner có quyền kiểm soát các tập đoàn cung cấp dịch vụ công cộng. Đó là cuộc thâm nhập thực sự vào một quốc gia, là chiến lược thực sự và có mục đích để chiếm lấy toàn bộ các quốc gia.

“Một khi họ [Wagner] vào trong một quốc gia, ngay cả khi chỉ là một số ít trong họ, với khí tài quân sự, các tổ chức, các khóa huấn luyện và nguồn lực của họ, các chính phủ [châu Phi] sẽ khó đẩy lùi họ. Đặc biệt bởi vì khi đã chấp nhận sự trợ giúp của nhóm lính đánh thuê này của Nga, điều đó thường có nghĩa là phương Tây đã rời bỏ các quốc gia này, vì vậy phương Tây không ở đó để giúp đỡ châu Phi khi Wagner bắt đầu tiếp quản. Pháp đã cắt viện trợ quân sự cho Cộng hòa Trung Phi, phải vậy không? Điều đó có nghĩa là các quốc gia châu Phi không còn ai khác để nương tựa và họ phải dính vào Nga, cho dù Nga có cho họ những gì họ muốn hay không muốn”.

Ông Ramini cho biết trong ngắn hạn, Wagner sẽ không thay đổi cách thức hoạt động ở châu Phi. Ông nói Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng từng làm rõ điều này. Theo ông, sau này, các công ty an ninh tư nhân (lính đánh thuê) của Nga sẽ cùng hoạt động và chiếm lĩnh toàn châu Phi.

Nói cách khác, ông Ramini giải thích, Wagner sẽ không độc quyền lĩnh vực an ninh quân sự tư nhân ở châu Phi; các công ty lính đánh thuê khác của Nga sẽ nhảy vào lĩnh vực này, tất cả vì lợi ích của Moscow.

“Rất có thể Gazprom (tập đoàn năng lượng nhà nước Nga) sẽ bắt đầu tuyển các nhà thầu an ninh tư nhân", ông Ramini nói. “Gazprom đã tuyên bố rằng họ sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào châu Phi trong tương lai, vào dầu khí, vì vậy quý vị có thể thấy Wagner sẽ bảo vệ các cơ sở năng lượng của Nga ở châu Phi trong thời gian tới đây".

Tuy nhiên, theo giáo sư Strydom, các thành viên của Wagner khó có thể hài lòng với những vai trò như vậy, bởi vì họ thích các hoạt động chiến đấu.

“Họ thích chiếm đoạt và kiểm soát. Ví dụ, nếu họ không giao chiến với các chiến binh thánh chiến trong các cuộc đọ súng, thì họ sẽ gài mìn, đánh phá các ngôi làng, thị trấn và khủng bố người dân. Đây không phải là những nhân viên bảo vệ thông thường thích ngồi trong trạm gác hoặc tuần tra hàng rào. Họ là những cựu chiến binh từng chiến đấu, họ thích bạo lực, và họ thích lấy đi những thứ không phải của họ. Trên thực tế, họ là những tên tội phạm cứng đầu”.

Ông Strydom cho biết phản ứng của Liên minh châu Phi đối với Tập đoàn Wagner sẽ đặt nền móng cho tương lai của tổ chức này ở châu Phi.

“Châu Phi có truyền thống ghét bỏ lính đánh thuê, đặc biệt là lính đánh thuê da trắng được cho là đã hưởng lợi từ nỗi đau và sự thống khổ của người châu Phi da đen. Tuy nhiên, Liên minh châu Phi và các nhóm khu vực khác lại thiếu các hành động quyết đoán liên quan đến sự hiện diện của Wagner. Với lịch sử đen tối của lính đánh thuê ở châu Phi và sự mất ổn định mà họ gây ra thông qua việc ủng hộ các chính phủ bất hảo và các chính trị gia sa ngã, cũng như các hành vi vi phạm nhân quyền của họ, người ta từng mong rằng Liên minh châu Phi sẽ phản ứng mạnh mẽ để chống lại Wagner. Nhưng Liên minh châu Phi lại im lặng".

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Lính đánh thuê Wagner sẽ hoạt động mạnh ở lục địa đen