Phân tích: Xung đột nội bộ Myanmar bộc lộ thảm họa từ việc Trung Quốc xuất khẩu quyền lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một liên minh vũ trang dân tộc thiểu số ở miền bắc Myanmar đã đạt được mục tiêu chung với chính quyền Trung Quốc láng giềng: Trấn áp hoạt động gian lận mạng viễn thông quy mô lớn trong khu vực này, đã bắt giữ 31.000 nghi phạm và bàn giao cho phía Trung Quốc.

Khu vực này là ‘làng tội phạm’ và ‘địa ngục trần gian’ khét tiếng, ngoài lừa đảo viễn thông còn có nạn buôn lậu người, buôn bán ma túy, bắt cóc đòi tiền chuộc và thậm chí cả thu hoạch nội tạng. Các nghi phạm và nạn nhân của các hoạt động tội phạm này chủ yếu là người Hoa.

Giờ đây, liên minh vũ trang này tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ vào địa bàn do chính phủ quân sự Myanmar kiểm soát, quân sự chính phủ Myanmar đã mất quyền kiểm soát khu vực phía bắc Myanmar. Chính quyền quân sự Myanmar cũng được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hỗ trợ.

Để ngăn chặn bất kỳ tình huống khẩn cấp nào có thể phát sinh từ cuộc xung đột nội bộ ở Myanmar, phía Trung Quốc đã triển khai các cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía bên kia biên giới. Theo thông tin, cảnh sát Trung Quốc đã bắn hơi cay để giải tán đám đông chạy trốn khỏi Myanmar về phía biên giới Trung Quốc - Myanmar.

ĐCSTQ dường như có liên quan đến mọi thế lực gây hỗn loạn ở Myanmar, trên thực tế, ĐCSTQ có lịch sử lâu đời trong việc xuất khẩu quyền lực sang Myanmar, bao gồm cả việc can thiệp vào chính trị và kinh tế của Myanmar, điều này khiến tình hình ở nước này càng trở nên phức tạp hơn.

Kokang giống khu vực thuộc quyền quản lý của Trung Quốc

Khu tự trị Kokang nằm ở phía bắc Myanmar, chủ yếu giáp huyện Trấn Khang thuộc quyền quản lý của thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trong số khoảng 140.000 người ở Kokang, nhóm dân tộc chính là Kokang (thực ra cũng là người Hán) và ngôn ngữ chung là Kokang (thực ra cũng là một ngôn ngữ tiếng Hán địa phương ở Vân Nam). Người Kokang cần phải đến nội địa Myanmar hoặc Trung Quốc để được học cao hơn.

Nền kinh tế Kokang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, ngoài nhân tài và vốn, còn bao gồm cả kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, ví dụ như điện do Công ty Lưới điện Miền Nam Trung Quốc cung cấp, viễn thông do China TelecomChina Mobile cung cấp, sử dụng mã vùng của Lâm Thương là 0883, và mạng internet cũng đi qua các máy chủ Trung Quốc để liên kết ra bên ngoài.

Trong lịch sử, nguồn thu nhập chính của Kokang là trồng cây thuốc phiện và bán thuốc lá. Sau khi ngừng trồng cây thuốc phiện vào năm 2003, Kokang chuyển sang kinh doanh cờ bạc và thu hút các con bạc chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, dưới sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách phong tỏa trong đại dịch Covid 19, đã khiến lượng khách du lịch Trung Quốc đến Kokang giảm mạnh. Theo đó, tình trạng gian lận mạng viễn thông đã phát triển mạnh ở Kokang.

Năm gia tộc lớn ở Kokang cũng là những nhóm tội phạm.

Sau năm 2009, khu vực Kokang dần bị kiểm soát bởi “tứ đại gia tộc”: gia tộc Bạch Sở Thành, gia tộc Ngụy Siêu Nhân, gia đình Lưu Quốc Tỳ và gia tộc Lưu Chính Tường. Sau khi gia tộc Minh Học Xương xuất hiện, dường như đã trở thành thế lực "Ngũ đại gia tộc". Tất cả năm gia tộc này đều có lực lượng vũ trang tư nhân với sự hỗ trợ của chính phủ quân sự Myanmar, kiểm soát khu vực Kokang, đồng thời tham gia và tổ chức hoạt động ma túy, cờ bạc, lừa đảo điện tử và các chuỗi ngành tội phạm khác ở đó. Những cuộc đấu tranh thường xuyên xảy ra giữa các gia tộc lớn này (cũng là các nhóm tội phạm) vì lợi ích riêng của họ.

Theo thông tin, một nhóm lừa đảo điện tử táo bạo đã lừa gạt người lao động đến từ Trung Quốc thông qua các quảng cáo tuyển dụng lương cao, sau đó giam giữ họ trong các trại lừa đảo điện tử và buộc họ tham gia vào hành vi lừa đảo viễn thông để lừa gạt nhiều người hơn. Những người có “thành tích” lừa đảo kém có thể bị bạo lực, hoặc có thể bị bán lại, và cuối cùng có thể trở thành “mỏ người” - bị lấy máu nhiều lần hoặc bị thu hoạch nội tạng khi còn sống.

Một bài báo trên China News Weekly vào tháng 6 năm nay dẫn lời một sĩ quan cảnh sát Vân Nam, ước tính rằng có ít nhất 1.000 trại lừa đảo điện tử ở Myanmar, với “gần hàng trăm nghìn người đang gõ bàn phím ở đó” tham gia vào các hoạt động lừa đảo điện tử, đa số ở miền bắc Myanmar.

ĐCSTQ đứng sau các gia tộc lớn cũng như kẻ thù và bạn bè của họ

Trong năm đại gia tộc, họ Bạch, họ Ngụy, họ Lưu Quốc Tỳ và họ Minh đều từng là thuộc hạ cũ của Bành Gia Thanh - được mệnh danh là ‘Vua Kokang’, các gia tộc này đều liên minh với chính quyền quân sự Myanmar sau khi phản bội Bành Gia Thanh. Một gia đình họ Lưu khác, Lưu Chính Tường, là người giàu nhất vùng Kokang, không có lai lịch với họ Bành, liên minh trực tiếp với chính phủ quân sự Myanmar. Chính quyền quân sự Myanmar luôn được ĐCSTQ ủng hộ.

Bành Gia Thanh, sinh năm 1931, được cho là đã gia nhập Đảng Cộng sản Myanmar năm 1967 và được ĐCSTQ huấn luyện và hỗ trợ quân sự ở Trung Quốc. Năm 2009, xảy ra xung đột quân sự giữa Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Kokang của Bành Gia Thành và chính phủ quân sự Myanmar, ông ta bị đánh bại và phải rút lui về Trung Quốc, được sự bảo hộ của ĐCSTQ

Sau khi Bành Gia Thanh rút khỏi Kokang, họ Bạch, họ Ngụy và hai nhà họ Lưu lần đầu tiên phân chia phạm vi ảnh hưởng của Bành Gia Thanh. Gia tộc họ Minh bắt đầu nổi lên sau tứ đại gia tộc.

Lần này, Liên minh Ba Anh em hợp tác với ĐCSTQ trong việc chống gian lận điện tử Kokang được lãnh đạo bởi Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Kokang, do con trai của Bành Gia Thành là Bành Đức Nhân lãnh đạo. Hai lực lượng còn lại là Quân đội Arakan và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang, cả hai đều là lực lượng vũ trang chống lại chính quyền quân sự Myanmar.

Một nguồn tin thân cận với các lãnh đạo cấp cao của Liên minh Ba Anh em gần đây đã tiết lộ với The Epoch Times: "Quân đội Liên minh đánh tại Kokang là có ĐCSTQ đứng đằng sau hỗ trợ, mục đích của ĐCSTQ là khôi phục 'lực ảnh hưởng tuyệt đối' của mình đối với Myanmar".

Gia tộc họ Minh chọc giận ĐCSTQ dẫn đến sát thân, gia tộc họ Bành lợi dụng ‘chống lừa đảo điện tử’ để tấn công bốn kẻ thù.

Trong nhiều năm, nhiều hoạt động tội phạm khác nhau đã diễn ra ở khu vực Kokang, mặc dù hầu hết nạn nhân là người Trung Quốc nhưng ĐCSTQ chưa bao giờ thực sự làm gì cả.

Có thông tin cho rằng nguyên nhân trực tiếp khiến ĐCSTQ thề sẽ trấn áp mạnh mẽ các hoạt động lừa đảo điện tử của Kokang lần này là do gia tộc họ Minh sát hại một số cảnh sát ngầm của ĐCSTQ.

Theo thông tin, vào ngày 20/10 năm nay, khi gia tộc họ Minh chuyển những kẻ lừa đảo mạng có quốc tịch Trung Quốc từ trại lừa đảo điện tử ‘Ngọa hổ sơn trang’ do chúng kiểm soát đến nơi khác, một số cảnh sát ngầm của ĐCSTQ đã tiết lộ danh tính để ngăn chặn chúng, nhưng họ đã bị đội quân nhà họ Minh giết. Sự kiện này được gọi là "sự kiện 1020".

Sự kiện 1020 đã khiến phía Trung Quốc phẫn nộ, yêu cầu chính quyền Kokang điều tra và thúc giục gia tộc họ Minh “nói ra sự thật”.

Liên minh Ba Anh em chống lại chính quyền quân sự Myanmar đã phát động “Chiến dịch 1027” vào ngày 27/10 với danh nghĩa “chống lừa đảo điện tử”. Lần hành động này, ngoài việc nhắm vào nhà họ Minh, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Kokang do Bành Đức Nhân chỉ huy còn nhắm vào nhà họ Bạch, họ Ngụy và họ Lưu Quốc Tỳ - bốn kẻ thù lớn của nhà họ Bành.

Kết quả của chiến dịch “chống lừa đảo điện tử” là: Giữa tháng 11, con trưởng nhà họ Minh là Minh Học Xương tự sát, các thành viên khác của nhà họ Minh bị bắt giao cho phía Trung Quốc; con trưởng nhà họ Bạch là Bạch Sở Thành bị bắt, ba thành viên khác của nhà họ Bạch đã chết khi đang trốn thoát bằng trực thăng thì bị quân Đồng minh thả bom, máy bay bị phá hủy. Một số thành viên của gia đình họ Ngụy và Lưu Quốc Tỳ đã bị bắt và giao cho phía Trung Quốc để ghi lại “video thú tội”. Tổng cộng có khoảng 31.000 nghi phạm lừa đảo điện tử đã bị bắt và giao cho phía Trung Quốc.

Điều đáng mỉa mai là cháu trai của Minh Học Thành là Minh Quang Trung đã được nhận vào Đại học Bắc Kinh trong năm nay và thậm chí vào ngày 23/7 còn được kênh truyền thông NetEase của Trung Quốc giới thiệu với nội dung "Minh Quang Trung, người truyền cảm hứng, đã đỗ vào Đại học Bắc Kinh”. Trong chương trình Minh Quang Trung đã ca ngợi một cách cao độ.

Các lực lượng liên minh lợi dụng cơ hội chiếm thêm nhiều địa bàn, Trung Quốc lo sợ tình hình nằm ngoài kiểm soát

Trong tháng qua, Liên minh Ba Anh em đã chiếm nhiều điểm qua biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc, chính quyền quân sự Myanmar đã mất quyền kiểm soát phía bắc Myanmar.

Cửa khẩu Kyin-San-Kyawt, một trong 5 cửa khẩu thương mại chính ở thị trấn Muse ở biên giới Myanmar - Trung Quốc, đã bị đóng cửa sau khi bị lực lượng liên minh chiếm đóng hôm 25/11.

Thị trấn Muse có khu thương mại dài 169 km và có khối lượng thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Đây là cửa khẩu biên giới thứ tư bị quân đội liên minh chiếm được trong một tháng giao tranh ác liệt.

Người phát ngôn của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Kokang, Le Kyar Win, nói với hãng tin AP: “Chúng tôi tấn công những nơi do chính quyền quân sự kiểm soát và coi đó là mục tiêu quân sự của chúng tôi”.

Chính quyền quân sự của Myanmar thừa nhận họ đã mất ít nhất ba thị trấn và giao tranh dường như đã làm đình trệ gần như mọi hoạt động thương mại hợp pháp giữa Myanmar và Trung Quốc. Điều này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Myanmar.

Quân đội Liên minh cũng đã gây thêm áp lực lên chính quyền quân sự nước này, vì quân đội chính phủ vẫn còn đang phải chống lại một nhánh lực lượng vũ trang ủng hộ dân chủ. Lực lượng vũ trang ủng hộ dân chủ này được thành lập để phản đối cuộc đảo chính của quân đội Myanmar vào tháng 2/2021 nhằm giành chính quyền từ chính phủ được bầu cử dân chủ của bà Aung San Suu Kyi.

ĐCSTQ lo ngại tình hình ở Myanmar vượt quá tầm kiểm soát và kêu gọi tất cả các bên ngừng bắn. Trung Quốc cũng đã thông báo triển khai một cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía biên giới phía Trung Quốc vào ngày 25/11, cuộc tập trận này ​​kéo dài đến ngày 28/11. Theo thông tin, cảnh sát Trung Quốc đã bắn hơi cay vào biên giới gần Laukkaing thủ phủ của Kokang, để giải tán đám đông người tị nạn đến từ khu vực Kokang.

Chính quyền quân sự Myanmar

Myanmar nằm dưới sự cai trị của quân đội kể từ năm 1962. Năm 1990, Myanmar đã tổ chức bầu cử quốc hội, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành chiến thắng vang dội, tuy nhiên chính quyền quân sự từ chối chuyển giao quyền lực và quản thúc bà Aung San Suu Kyi tại gia.

Năm 2015, Myanmar tổ chức thêm một cuộc bầu cử quốc hội, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ lại giành chiến thắng, quân đội bất đắc dĩ chuyển giao một phần quyền lực, nhưng đồng thời vẫn giữ một lượng lớn quyền lực, trong đó có quyền trực tiếp bổ nhiệm 1/4 số thành viên của Quốc hội Liên bang.

Trong cuộc bầu cử quốc hội Myanmar tháng 11/2020, bà Aung San Suu Kyi và Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ một lần nữa giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, quân đội không công nhận kết quả bầu cử và tiến hành đảo chính vào ngày 1/2/2021, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo khác của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, nhưng (quân đội) đã hứa khi tình trạng khẩn cấp kết thúc sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Quân đội Myanmar sau đó cũng tuyên bố thành lập Hội đồng Quản trị Quốc gia Myanmar để cai trị đất nước, do Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Myanmar là ông Min Aung Hlaing làm chủ tịch. Quân đội cũng thành lập Ủy ban bầu cử Liên bang.

Ngoài ra, quân đội Myanmar còn truy tố bà Aung San Suu Kyi và những người khác vì nghi ngờ "gian lận bầu cử".

Vào ngày 1/8/2021, quân đội Myanmar tuyên bố sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp đến năm 2023. Ông Min Aung Hlaing đã có bài phát biểu ngày hôm đó và tuyên bố rằng một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023.

Phía chính quyền Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn ủng hộ chính phủ quân đội Myanmar.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Xung đột nội bộ Myanmar bộc lộ thảm họa từ việc Trung Quốc xuất khẩu quyền lực