Lầu Năm Góc: Quân đội Trung Quốc phát triển vượt trội trong các lĩnh vực chiến tranh phi truyền thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo thường niên mới đây của Lầu Năm Góc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bằng cách nâng cấp các hệ thống điện tử, thông tin và hậu cần, đang đẩy mạnh phát triển quân đội để giành thế thượng phong trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Báo cáo về Sức mạnh Quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc công bố vào ngày 29/11 cho thấy, ĐCSTQ đang tìm mọi cách để “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến” chống lại một “kẻ thù mạnh” - thuật ngữ mà Bắc Kinh thường dùng để ám chỉ Hoa Kỳ. Để làm được điều đó, ĐCSTQ tích cực mở rộng sự hiện diện quân sự trên toàn cầu, đồng thời áp dụng nhiều loại công nghệ và học thuyết để ngăn chặn Mỹ can thiệp bất kỳ cuộc chiến nào mà họ phát động.

Báo cáo của Lầu Năm Góc đã nghiên cứu “đường lối chiến tranh” của ĐCSTQ và phát hiện ra rằng Bắc Kinh đang tăng cường tập trung vào “chiến tranh các hệ thống” (systems warfare), đồng thời gia tăng “các hoạt động quân sự phi chiến tranh” để làm suy yếu Hoa Kỳ mà không cần phải tiến hành các cuộc xung đột sát thương và công khai. “Chiến tranh các hệ thống” là chiến lược phá hủy hoặc vô hiệu hóa các hệ thống hoạt động vốn có tác dụng hỗ trợ các chức năng quân sự của đối thủ - gồm chỉ huy và kiểm soát, thông tin, tình báo, hỏa lực, di chuyển và cơ động, bảo vệ và duy trì, v.v.. Nói một cách đơn giản, một quân đội hiện đại hoạt động thông qua một hệ thống gồm nhiều hệ thống.

Chiếm ưu thế về thông tin

Việc hiện đại hóa và mở rộng quân đội trên quy mô lớn của ĐCSTQ không có gì là bí mật. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện có 2,2 triệu quân nhân tại ngũ và 660.000 nhân viên bán quân sự, cũng như 340 tàu ngầm và các loại tàu khác, cùng hơn 2.800 máy bay.

Không dừng lại ở việc sở hữu quân đội lớn mạnh, ĐCSTQ đang phát triển PLA để lực lượng này có khả năng tham gia mạnh mẽ các lĩnh vực phi truyền thống (không liên quan đến chiến đấu), bao gồm chiến tranh điện tử, thông tin và tâm lý.

Lầu Năm Góc: Quân đội Trung Quốc phát triển vượt trội các lĩnh vực chiến tranh truyền thống và phi truyền thống
Binh lính quân đội xếp đội hình, sau lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi lật đổ nhà Thanh và dẫn đến sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 09/10/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết: “PLA coi các hoạt động thông tin (IO) là một phương tiện để sớm chiếm được ưu thế về thông tin trong một cuộc xung đột; họ đang tiếp tục mở rộng phạm vi cũng như tần suất của IO trong các cuộc tập trận quân sự”.

Một nỗ lực tương tự tập trung vào chiến tranh điện tử và thông tin của Bắc Kinh là “chiến tranh chính xác đa lĩnh vực” (multi-domain precision warfare- MDPW). MDPW tìm cách ngăn chặn các đối thủ của Trung Quốc - như Hoa Kỳ - tiếp cận các khu vực và hệ thống quan trọng bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử, đồng thời khởi động các cuộc phản công chính xác vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Chiến lược này kết hợp nhiều lĩnh vực phi truyền thống như tác chiến điện tử và tâm lý với các lĩnh vực tác chiến truyền thống như năng lực trên biển, trên bộ và trên không, từ đó tạo ra một khuôn khổ toàn diện cho việc tiến hành chiến tranh.

Báo cáo của Lầu Năm Góc mô tả chiến lược MDPW của ĐCSTQ là “hệ thống thông tin của các hệ thống, trong đó kết hợp các tiến bộ về dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để nhanh chóng xác định các lỗ hổng quan trọng trong hệ thống vận hành của Mỹ, từ đó kết hợp với các lực lượng chung từ nhiều lĩnh vực để khởi động các cuộc tấn công chính xác vào các lỗ hổng đó”.

Để đạt được mục tiêu ấy, Bắc Kinh đang cố gắng “thông tin hóa” (số hóa) lực lượng của họ để đảm bảo sự gắn kết tối đa giữa quân đội và hệ thống mạng.

“Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi PLA thành lập một lực lượng thông tin hóa cao độ, có khả năng thống trị tất cả các mạng cũng như khả năng mở rộng lợi ích an ninh và phát triển” của Trung Quốc, báo cáo cho biết.

“Các bài viết về quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mô tả chiến tranh thông tin hóa là việc sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra một hệ thống hoạt động của các hệ thống; cho phép PLA thu thập, truyền, xử lý và sử dụng thông tin trong một cuộc xung đột để tiến hành các hoạt động quân sự chung trên mặt đất, trên biển, trên không, trong không gian vũ trụ, không gian mạng và các lĩnh vực phổ điện từ (electromagnetic spectrum domain)”.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, liên quan đến chiến lược này là một học thuyết quân sự mới nổi của Trung Quốc - được mô tả là “chiến tranh phá hủy các hệ thống”, trong đó ưu tiên phá hủy các hệ thống quan trọng hơn là tiêu diệt toàn bộ chiến binh của đối phương. Trong các cuộc chiến tương lai, việc phá hủy “các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng và quân sự” sẽ không kém phần quyết định so với việc giết chết các chiến binh.

Trung Quốc không nhắm đến vị trí thứ 2

Ngoài mục tiêu vượt qua lợi thế công nghệ tương đối của Hoa Kỳ, một lý do khác để giải thích cho việc Bắc Kinh thay đổi học thuyết đó là, ĐCSTQ muốn tạo ra “các điều kiện quốc tế” có lợi cho giấc mộng xây dựng một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại và vĩ đại”, báo cáo cho biết.

Giới lãnh đạo ĐCSTQ tin rằng các hoạt động toàn cầu, bao gồm cả việc tăng cường hiện diện quân sự toàn cầu của Trung Quốc, sẽ góp phần tạo ra môi trường quốc tế “thuận lợi” cho dự án trẻ hóa, hiện đại hóa Trung Quốc. Qua đó, Trung Quốc tìm cách thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường đứng đầu thế giới. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang mở rộng hiện diện quân sự và bán quân sự của họ ở nước ngoài, cũng như phổ biến các thành tựu công nghệ và các chuỗi cung ứng liên quan của chính họ.

Cuối cùng, báo cáo tiết lộ rằng ĐCSTQ đang tìm kiếm, đánh giá một số địa điểm ở nước ngoài để đặt các căn cứ quân sự và cảng mới, qua đó mở rộng phạm vi hoạt động của Trung Quốc và thách thức uy thế quốc tế của Hoa Kỳ.

“PRC có thể đã coi Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Guinea Xích đạo, Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan, cùng những nơi khác, là địa điểm đặt cơ sở hậu cần quân sự của PLA”, báo cáo cho biết.

Mục đích cuối cùng của việc ĐCSTQ phát triển và mở rộng quân sự là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường thế giới, đồng thời giành lấy các đòn bẩy quyền lực cần thiết để tăng cường kiểm soát các sự kiện toàn cầu.

“Với chiến lược quốc gia của Trung Quốc, có khả năng CHND Trung Hoa sẽ tìm cách phát triển quân đội để vào giữa thế kỷ này, quân đội Trung Quốc có thể ngang bằng — hoặc trong một số trường hợp vượt trội hơn — quân đội Hoa Kỳ và quân đội bất kỳ cường quốc nào khác mà Bắc Kinh coi là mối đe dọa đối với chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của họ”, báo cáo cho biết.

“Với những tham vọng sâu rộng mà ĐCSTQ dành cho một Trung Quốc trẻ hóa, không có khả năng Đảng này nhắm đến một vị trí mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ vẫn thấp kém hơn về quân sự so với Hoa Kỳ hay bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào khác”.

Xuân Hoa

Theo Andrew Thornebrooke - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lầu Năm Góc: Quân đội Trung Quốc phát triển vượt trội trong các lĩnh vực chiến tranh phi truyền thống