Quyền tự do báo chí, ngôn luận và biểu đạt đang bị đe dọa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ, các tập đoàn và giới tinh hoa luôn sợ hãi sức mạnh của báo chí tự do; bởi vì báo chí tự do có khả năng vạch trần những lời nói dối của họ, phá hủy hình ảnh được trau chuốt cẩn thận của họ và làm suy yếu quyền lực của họ.

Trong bài viết gần đây đăng trên The Epoch Times, bà Birsen Filip - nhà triết học và kinh tế học, tác giả của cuốn sách “The Rise of Neo-liberalism and the Decline of Freedom” (Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do và sự suy tàn của tự do) - đã bàn về thực tế đáng buồn rằng thế giới đang dần mất đi tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do biểu đạt.

Theo bà Filip, trong những năm gần đây, các phương tiện truyền thông thay thế ngày càng phát triển; mỗi ngày lại có thêm nhiều người tiếp cận thông tin qua các nền tảng truyền thông xã hội. Trước tình hình này, chính phủ, truyền thông dòng chính và các tập đoàn kỹ thuật số đã gia tăng kiểm duyệt các phương tiện truyền thông thay thế, tăng cường kiểm soát những tiếng nói dám thách thức tin tức dòng chính về hầu hết các vấn đề.

Tại cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi cuối tháng 5 ở Davos (Thụy Sĩ), Ủy viên về An toàn điện tử của Úc, bà Julie Inman Grant, đã phát biểu rằng quyền tự do ngôn luận không phải là cuộc thảo luận không giới hạn mà tất cả mọi người đều có thể tham gia. Theo bà Grant, chính phủ sẽ cần hiệu chỉnh lại toàn bộ các quyền mà con người đang thực thi trên Internet — từ quyền tự do ngôn luận đến việc không bị bạo hành trực tuyến.

Trong khi đó, chính phủ Canada đang hạn chế các phương tiện truyền thông độc lập và quyền tự do biểu đạt bằng cách thông qua Dự luật C-11. Dự luật này cho phép chính phủ Canada kiểm soát tất cả các nền tảng nghe nhìn trực tuyến trên Internet, bao gồm mọi nội dung trên Spotify, TikTok, YouTube và các ứng dụng podcast.

Tương tự, Vương quốc Anh đang tìm cách giới thiệu Dự luật An toàn Trực tuyến; Mỹ có Ban Quản lý Thông tin Sai lệch (nhưng đành phải tạm dừng hoạt động sau khi công chúng phản ứng dữ dội); Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của riêng họ - tất cả đều nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Những nỗ lực của giới tinh hoa và các chính trị gia để bịt miệng những nhà tư tưởng và những người bất đồng chính kiến ​không phải là điều gì mới mẻ. Trên thực tế, lịch sử đầy rẫy ví dụ về “các cuộc đàn áp những người làm khoa học, việc đốt sách khoa học và hành động tiêu diệt có hệ thống giới trí thức thuộc nhóm những người bị nhắm tới” [1].

Trong bài viết của mình, bà Filip tiết lộ: Chính phủ, các tập đoàn kỹ thuật số và các phương tiện truyền thông dòng chính muốn đảm bảo rằng, thông qua nhiều chiến dịch tuyên truyền tinh vi, họ sẽ trở thành lực lượng duy nhất có thể tác động đến quan điểm, mong muốn và lựa chọn của người dân. Để đạt được mục đích ấy, họ thậm chí còn biến giả thành thật. Trên thực tế, ý nghĩa ban đầu của từ sự thật đã bị thay đổi; những người dám nói lên sự thật đang bị dán nhãn là truyền bá lời nói thù hận hay tuyên truyền thông tin sai lệch.

Theo bà Filip, hiện nay, sự thật không còn là điều cần được tìm ra nữa, cũng không còn là điều mà lương tri của mỗi cá nhân đóng vai trò là trọng tài duy nhất - trong bất kỳ trường hợp nào - khi đánh giá về các bằng chứng. Sự thật đã trở thành một cái gì đó được tạo ra bởi quyền lực, một cái gì đó được sử dụng để đảm bảo lợi ích của tổ chức, một cái gì đó có thể được thay đổi khi tổ chức yêu cầu.

Việc sửa đổi định nghĩa về sự thật tạo ra nhiều mối nguy hiểm đáng ngại, bởi vì việc tìm kiếm sự thật thường góp phần vào tiến bộ của nhân loại ở chỗ nó dẫn đến những khám phá mang lại lợi ích cho xã hội nói chung.

Bà Filip cho rằng sự thật không phải là từ duy nhất mà ý nghĩa của nó đã bị thay đổi để được dùng như một công cụ tuyên truyền. Những từ ngữ khác bao gồm tự do, công lý, luật pháp, quyền, bình đẳng, đa dạng, phụ nữ, đại dịch, vaccine, v.v. đều đã bị thay đổi ý nghĩa. Điều này rất đáng lo ngại, bởi vì những thay đổi như vậy đang được giới cầm quyền sử dụng để tạo nên các chế độ chuyên chế.

Theo bà Filip, khi ngày càng nhiều các chính phủ tự do - dân chủ hướng tới chủ nghĩa toàn trị, họ sẽ muốn dập đi các chỉ trích từ dư luận, hay thậm chí dập đi cả những biểu hiện nghi ngờ, vì chúng có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng dành cho họ.

[1] F.A. Hayek, The Road to Serfdom (New York: Routledge 2006), trang 168.

Xuân Hoa

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Quyền tự do báo chí, ngôn luận và biểu đạt đang bị đe dọa