Bài bình luận: Những nhà khoa học 'tử vì UFO'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời điểm bài viết này được xuất bản cũng là lúc cuộc điều trần về Vật thể bay không xác định (UFO) của Quốc hội Hoa Kỳ đã kết thúc. Đây là cuộc điều trần thứ hai thuộc loại này trong lịch sử Hoa Kỳ. Nói chính xác hơn, đây là cuộc điều trần về UFO đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên Internet.

Ý nghĩa chính trị ở chỗ, không giống như phiên điều trần đầu tiên vào năm 1968, sự kiện này thu hút sự chú ý không chỉ của công chúng Hoa Kỳ, mà cả thế giới. Câu hỏi trị giá sáu triệu USD là: Điều gì sẽ xảy ra nếu Lầu Năm Góc thừa nhận có công nghệ của người ngoài hành tinh? Chính phủ các nước khác sẽ phản ứng như thế nào trước điều này? Liệu niềm tin tôn giáo của chúng ta có bị thách thức nghiêm trọng bởi sự tồn tại của các nền văn minh ngoài hành tinh hay không? Chúa có phải là người ngoài hành tinh không? Người Trái Đất đã sẵn sàng đối mặt với Sự thật chưa?

Là một nhà báo kỳ cựu đầy hoài nghi, vốn chất chứa quá nhiều bí ẩn vẫn chưa được giải đáp, tôi không mong đợi câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ được tiết lộ trong phiên điều trần này. Dân biểu Andre Carson chủ tọa phiên điều trần, nói: “Người dân Mỹ xứng đáng mong đợi các nhà lãnh đạo chính phủ và cơ quan tình báo của họ nghiêm túc đánh giá và ứng phó với mọi rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn — đặc biệt là những rủi ro mà chúng ta không có hiểu biết đầy đủ về nó”. Vì đây được hiểu là vấn đề an ninh quốc gia nên hai sĩ quan quân đội, đó là Ronald Moultrie từ Lầu Năm Góc và Scott Bray, Phó giám đốc tình báo hải quân, được mời làm chứng.

Liệu hai quan chức cấp trung trong quân đội có thể tiết lộ toàn bộ bí ẩn về UFO trong sáu thập kỷ qua, bao gồm đĩa bay, gia súc bị tấn công, vật thể không xác định dưới đáy biển, vụ bắt cóc người ngoài hành tinh, Khu vực 51, v.v. hay không? Dĩ nhiên là không. Tuy nhiên, ngay cả khi Sự thật vẫn chưa được sáng tỏ, thì ít nhất hiện tượng UFO đến nay cũng không còn là một chủ đề ngoài lề nữa. Những người theo đuổi chủ đề này một cách nghiêm túc sẽ không còn bị chế giễu và bị gạt ra ngoài lề nữa. Hy vọng là như vậy.

Hình ảnh về UFO do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố với Quốc hội hôm 17/5. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)
Hình ảnh về UFO do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố với Quốc hội hôm 17/5. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)

Đối với những quan chức như Luis Alizondo, phiên điều trần này xác thực rằng công việc tố giác của họ được đánh giá cao và danh tiếng của họ được phục hồi. Đối với những nhà báo như Leslie Kean, người đã dành toàn bộ sự nghiệp chuyên nghiệp của mình để theo đuổi chủ đề này, phiên điều trần này biện minh cho những nỗ lực của họ.

Tuy nhiên, có những người không được may mắn như vậy. Stanton Friedman, một nhà vật lý hạt nhân và là nhà nghiên cứu UFO chuyên nghiệp, đã qua đời vào năm 2019. Tôi nghĩ ông ấy sẽ rất vui khi được chứng kiến ​​buổi điều trần này nếu ông còn sống. Liệu ông ấy có xem xét tính xác thực của các tài liệu Majestic 12 nếu có cơ hội không?

Chúng ta cũng nên tưởng nhớ đến Tiến sĩ James E. McDonald (1920 - 1971), người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc điều trần về UFO của Quốc hội năm 1968. Niềm tin của ông rằng UFO đại diện cho một hiện tượng vật lý có tầm quan trọng khoa học và giả thuyết về chuyến thăm của người ngoài trái đất cần được xem xét nghiêm túc. Tất cả dẫn đến việc ông suy sụp và tự sát. Ông là một nhà khoa học đã 'tử vì UFO'.

Chiều thứ Sáu (ngày 25/6/2021), Hoa Kỳ đã giải trình báo cáo về vật thể bay không xác định (UAP, thường được gọi là UFO) trong không phận Hoa Kỳ. Mặc dù báo cáo khẳng định UFO là có thật nhưng vẫn còn 5 vấn đề chưa rõ. Hình ảnh mô hình UFO. (Ảnh: Shutterstock)

Đó là một thảm kịch lịch sử khi làn sóng chạm trán UFO lần đầu tiên sau Thế chiến II trùng với thời điểm bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Hai sự cố nổi tiếng vào năm 1947 đã báo trước cơn sốt UFO thời hậu chiến. Đó là khi Kenneth Arnold, một viên phi công tư nhân, chạm trán với 9 "đĩa bay" vào ngày 24/6. Và tất nhiên, vụ tai nạn vào ngày 5/7 tại Corona, New Mexico, được biết đến với tên gọi là "Sự cố Roswell”. Đột nhiên, việc chạm trán UFO trở thành một hiện tượng mang tầm cỡ quốc gia trong mắt các quan chức chính phủ, có thể phát triển thành sự cuồng loạn hàng loạt.

Năm 1948, Tướng Không quân Hoa Kỳ Nathan Farragut Twining, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không, đã thành lập Dự án SIGN (tên gốc: Dự án SAUCER) để thu thập, đối chiếu, đánh giá và phân phối trong nội bộ chính phủ tất cả các thông tin liên quan đến những lần chạm trán như vậy, trên tiền đề rằng UFO có thể là thật và chúng đại diện cho mối quan tâm về an ninh quốc gia.

Trớ trêu thay, sau 74 năm chúng ta lại quay lại vạch xuất phát.

7 lần lính Mỹ ‘đụng độ’ UFO trong chiến tranh Việt Nam. (Ảnh ghép minh họa)

Trước sức nóng của Chiến tranh Lạnh, Không quân và Cơ quan Tình báo Trung ương (Central Intelligence Agency - CIA) nghi ngờ UFO có thể là vũ khí bí mật của Liên Xô. Trên thực tế, trong những năm gần đây, cô Annie Jacobsen - một nhà báo điều tra và tác giả chuyên viết sách thuộc thể loại phi hư cấu người Mỹ - đã đưa ra gợi ý không chắc chắn rằng chiếc đĩa bay bị rơi ở Roswell thực sự là của Liên Xô. Tuy nhiên, chứng hoang tưởng đã nhường chỗ cho sự bí mật.

Sau Dự án SIGN, có thêm Dự án GRUDGE (1949), nhằm giảm bớt lo lắng của công chúng thay vì điều tra hiện tượng. Vì vậy, có một kết luận bị bỏ qua trước khi dự án bắt đầu: UFO là không có thật. Bất cứ ai chạm trán UFO đều phát điên; bất cứ ai nói về UFO đều bị cho là "kỳ quái”. Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn tồn tại. Vì vậy, Dự án Blue Book đã ra đời vào năm 1952.

Dự án Blue Book dưới sự lãnh đạo tài ba của sĩ quan Không quân Mỹ Edward J. Ruppelt, người chính thức đặt ra cái tên “Vật thể bay không xác định - UFO". Hàng nghìn báo cáo về UFO đã được thu thập, phân tích và đệ trình. Cũng trong dự án này, nhà thiên văn học và nhà tư vấn khoa học, Tiến sĩ J Allen Hynek đã tạo ra phân loại về cái mà sau này được gọi là “Những cuộc gặp gỡ gần gũi”. Vì một lý do nào đó không rõ, sĩ quan Ruppelt tạm thời được điều động sang nhiệm vụ khác vào tháng 2/1953. Khi quay trở lại dự án, ông nhận thấy nhân viên của mình bị giảm sút rất nhiều.

Một UFO phát sáng được công chúng chụp ảnh tại nhiều nơi ở Pháp vào đêm 9/11. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Một UFO phát sáng được công chúng chụp ảnh tại nhiều nơi ở Pháp vào đêm 9/11. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Một sự việc kỳ lạ khác là vào tháng 12/1953, Quy chế liên quân - Hải quân - Không quân số 146 đã "hình sự hóa" cuộc thảo luận về các báo cáo mật về UFO của quân nhân với những người không được phép. Những người vi phạm phải đối mặt với án tù lên đến hai năm và/hoặc tiền phạt lên đến 10.000 USD. Kể từ đó, dự án Blue Book là về kiểm soát dư luận. "Chương trình nghị sự ẩn" là tìm hiểu về UFO thay vì điều tra. Điều này tiếp diễn cho đến năm 2017, khi các video chính thức về UFO của các phi công chiến đấu thuộc Lực lượng Không quân bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông tin tức.

Tại sao điều này lại là bí mật? Tại sao dư luận về UFO phải được kiểm soát? Tại sao nghiên cứu UFO lại bị dán nhãn "khoa học giả"? Cả Tiến sĩ James McDonald và Tiến sĩ Allen Hynek đều biết rằng, ngay cả khi 99% trường hợp chạm trán UFO là giả mạo, thì 1% còn lại cần phải được điều tra nghiêm túc. Tuy nhiên, chỉ có Tiến sĩ McDonald thực hiện nỗ lực phi thường khi đi ngược lại chương trình nghị sự chính thức. Nhưng cái giá mà ông phải trả cho điều này sự huỷ hoại về sự nghiệp nghiên cứu, hôn nhân và cuối cùng là cuộc sống của chính mình.

Bài học rút ra từ những sự kiện lịch sử này là: Những gì chúng ta cần không chỉ là điều tra về những lần chạm trán với UFO gần đây, mà còn cần phải đánh giá toàn diện tất cả các cuộc chạm trán với UFO kể từ năm 1947. Trên hết, chúng ta cần phải biết ai là người đã ra lệnh che đậy bức màn lịch sử này.

Quan điểm trình bày trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Eddie Leung là một nhà báo Hồng Kông kỳ cựu đã làm việc tại nhiều cơ quan truyền thông tin tức trong hơn ba thập kỷ về các vấn đề: Hồng Kông, chính trị quốc tế, phim ảnh và võ thuật Trung Quốc. Anh là một trong những người tiên phong phát sóng radio trên Internet Hồng Kông.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bài bình luận: Những nhà khoa học 'tử vì UFO'