Biden lặp lại sự ủng hộ với Ukraine sau cuộc gọi với Putin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cam kết của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, khi quốc gia này đang phải đối mặt với việc Nga tăng cường quân đội dọc biên giới phía đông.

“Tổng thống Biden khẳng định, Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố sau cuộc gọi hôm Chủ nhật (2/1).

Sự đảm bảo được đưa ra hai ngày sau cuộc điện đàm 50 phút giữa Tổng thống Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 30/12. Cuộc điện đàm được đưa ra theo yêu cầu của ông chủ điện Kremlin để thảo luận về "một loạt các vấn đề chiến lược và an ninh", theo lời một quan chức cấp cao của chính quyền Biden.

Theo hãng truyền thông quốc gia Nga TASS, người phát ngôn Điện Kremlin là ông Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin về việc Nga đang lên kế hoạch cho một "cuộc xâm lược" có thể xảy ra trên lãnh thổ Ukraine. Ông cho biết, Nga đang tìm cách giải quyết các vấn đề ở đông nam Ukraine và Donbass.

Tháng trước, Moscow yêu cầu Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ không được phép gia nhập NATO, đồng thời kêu gọi NATO đẩy lùi các hoạt động triển khai quân sự ở Trung và Đông Âu.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã từ chối đưa ra bất kỳ đảm bảo nào đối với Nga, với lý do nguyên tắc của NATO là chấp thuận tư cách thành viên cho bất kỳ quốc gia nào đủ điều kiện.

Trong cuộc điện đàm hôm Chủ nhật, cả Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky đều bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang dự kiến ​​diễn ra vào tuần ngày 10/01 tại Geneva. Các hoạt động này sẽ bao gồm Đối thoại ổn định chiến lược song phương giữa Hoa Kỳ và Nga, cũng như Hội đồng NATO - Nga, và cuộc họp Hội đồng thường trực của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE).

Tổng thống Biden hứa hẹn với Ukraine rằng, Hoa Kỳ và các đồng minh nước này sẽ tuân thủ nguyên tắc không đưa ra bất kỳ quyết định hay cuộc thảo luận nào “về Ukraine mà vắng mặt nước này” tại các cuộc đàm phán.

Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ đã nhắc lại với người đồng cấp Nga một lần nữa rằng, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine. Ông đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc trao đổi ngoại giao theo lịch trình như một con đường nhằm giảm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Ông cũng đưa ra cảnh báo tương tự đối với Nga vào ngày 07/12 về việc có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga trong trường hợp cần thiết.

Trong các cuộc hội đàm, cả Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đều “thừa nhận rằng, có những lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác cùng tiến, song cũng có lĩnh vực không đạt được thỏa thuận và các cuộc đàm phán sắp tới sẽ xác định rõ hơn về điều đó”. Đây là thông tin một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden cho biết về cuộc hội đàm vào ngày 10/01 sắp tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga là ông Andrey Rudenko nói với TASS hôm 02/01 rằng, Hoa Kỳ và Kiev không ủng hộ sự hiện diện đến từ các thành phố biên giới phía đông Ukraine là Donetsk và Lugansk trong Normandy Four (gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine) và các cuộc họp nhóm vẫn đang được đề xuất .

Hôm 2/1, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden ủng hộ “hoạt động ngoại giao tích cực để thúc đẩy việc thực hiện các Thỏa thuận Minsk, ủng hộ cuộc đàm phán theo Hiệp định Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine)”.

Trong cuộc họp với các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ vào đêm trước Giáng sinh, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bày tỏ quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán với Nga.

“Hơn bao giờ hết, hành động sẽ quyết định tất cả. Mục tiêu của tôi là ngăn chặn đổ máu ở miền đông Ukraine. Không thể hình dung được an ninh ở châu Âu sẽ ra sao nếu cuộc chiến tranh ở Donbas chưa kết thúc”, Tổng thống Ukraine Zelensky cho hay.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Thế giới


BÀI CHỌN LỌC

Biden lặp lại sự ủng hộ với Ukraine sau cuộc gọi với Putin