Chuyên gia: Trung Quốc 'vay mượn' công nghệ quân sự từ Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi không thể đánh cắp ý tưởng và thiết kế công nghệ quân sự của Hoa Kỳ thêm nữa, Bắc Kinh đã quay sang 'vay mượn' các 'phần cứng quốc phòng' của Nga để tăng tốc quá trình hiện đại hóa cho quân đội nước này, nhằm thống trị khu vực và đe doạ các đối thủ lân cận. Vậy cụ thể, Trung Quốc đã 'vay mượn' những gì?

Đây là một câu chuyện vay mượn và ăn cắp. Vào thời điểm mà Trung Quốc và Liên Xô từng là đối thủ trong Chiến tranh Lạnh, Bắc Kinh đã 'tận dụng' các ý tưởng và công nghệ của Nga để kiến thiết quá trình hiện đại hóa cho quân đội nước này trong vòng 30 đến 40 năm qua. Khi không thể đánh cắp thêm ý tưởng và thiết kế từ Hoa Kỳ nữa, Trung Quốc quay sang hút hết sự sống của 'phần cứng quốc phòng' từ Nga. Kết quả là quân đội Trung Quốc đã sở hữu một số lượng lớn (chưa nói đến chất lượng) vũ khí, tăng tốc quá trình hiện đại hóa của lực lượng quân sự nước này.

Như vậy, Trung Quốc đã “vay mượn” những gì từ Liên Xô và Nga trong những năm qua để trang bị cho quân đội nước này khả năng thống trị trong khu vực và thậm chí đe dọa các đối thủ lân cận?

Máy bay chiến đấu của Trung Quốc trông giống như mô hình của Nga

Bắt đầu với việc lực lượng không quân Trung Quốc 'tận dụng' công nghệ của Nga trong các thiết kế máy bay chiến đấu. Máy bay chiến đấu phản lực hai động cơ Shenyang J-11 là một ví dụ.

Trung Quốc sử dụng J-11 làm công cụ đe dọa Đài Loan bằng cách điều máy bay chiến đấu này vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Nhưng quý vị có biết rằng thiết kế của J-11 dựa trên Sukhoi Su-27 của Nga? Sự việc khởi đầu một cách vô thưởng vô phạt. Người Nga đã đồng ý cấp giấy phép sản xuất 200 chiếc J-11 cho Trung Quốc vào năm 1995 dựa trên mẫu mà Moscow cung cấp để đổi lấy 2,5 tỷ USD. Sau khi thỏa thuận kết thúc, Trung Quốc đã sở hữu năng lực 'thiết kế đảo ngược' (reverse-engineered) các bộ phận của máy bay mà không có sự cho phép của Nga. Do đó, J-11 trông giống như Su-27. Và Nga không bao giờ sản xuất động cơ và hệ thống điện tử hàng không ở đất nước của họ như những gì Trung Quốc đã hứa.

Hệ thống tên lửa phòng không cũng 'giống hệt' các thiết kế của Nga

Một lần nữa, kế hoạch 'bắt chước' chuyển mục tiêu sang lĩnh vực tên lửa phòng không. Trung Quốc thường xuyên mua các bệ phóng tên lửa đất đối không S-300 từ Nga bắt đầu từ năm 2003. Năm 2010, Moscow giao thêm 15 bệ phóng. Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cây nhà lá vườn của Bắc Kinh trông giống như S-300 của Moscow, với đầy đủ hiệu ứng mạng, radar, hệ thống phóng thẳng đứng với tên lửa phòng không hai tầng, cùng với các tính năng khác. Có lẽ chúng đã được 'thiết kế đảo ngược'.

Tất nhiên, phía Trung Quốc nói rằng các nhà thiết kế của họ đã 'thiết kế nguyên bản' dựa trên hệ thống tên lửa phòng không SAM HQ-9. Trung Quốc cũng có thể lấy ý tưởng từ tên lửa SAM Patriot của Mỹ. Theo tờ Missilery.info “Công việc cải tiến tổ hợp của Trung Quốc được đẩy mạnh bằng cách sử dụng thông tin có được từ tổ hợp Patriot của Mỹ và S-300PMU-2 của Nga".

Tên lửa đạn đạo chống hạm dựa trên các thiết kế của Nga

Vẫn tiếp tục chủ đề tên lửa, Trung Quốc được biết đến với các tên lửa đạn đạo chống hạm Donfang DF-21B và DF-26B với năng lực 'tiêu diệt tàu sân bay'. Những tên lửa này dựa trên thiết kế ban đầu của Liên Xô từ những năm 1970. Liên Xô đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tên lửa đạn đạo chống hạm, tuy nhiên về sau đã từ bỏ nhiều chương trình khác nhau. Liên Xô đã hình dung ra một tên lửa cực nhanh (trước khi thuật ngữ siêu thanh xuất hiện) có thể cơ động xuyên qua bầu khí quyển và vượt qua các hệ thống phòng không. Trung Quốc đã sản xuất tên lửa này và cải tiến các thiết kế thời kỳ đầu của Liên Xô, bổ sung thêm khả năng đánh chặn đối phương.

Như ông Felix K. Chang cho biết trên Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Trung Quốc đã phát triển công nghệ này căn cứ trên những nghiên cứu trước đó và trang bị thêm đầu đạn xuyên động năng cho tên lửa đạn đạo này.

“Với khối lượng và tốc độ rơi của đầu đạn này, ngay cả tên lửa chống tên lửa đạn đạo (Anti-Ballistic Missile - ABM) cũng khó có thể ngăn chặn được nó. Trung Quốc đã tìm cách thiết kế các đầu đạn xuyên động năng có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ của các hệ thống ABM".

Câu chuyện thú vị đằng sau tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc: Không hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc

Cuối cùng là câu chuyện về việc Trung Quốc mua tàu sân bay của Ukraine mà Bắc Kinh nói là tự chế tạo.

Con tàu lúc đầu có tên Riga và được đặt tại Nikolayev vào tháng 12/1985. Nó được đổi tên thành Varyag vào năm 1990. Tàu sân bay được thiết kế để trở thành một phần của lớp Đô đốc Kuznetsov. Nhưng con tàu không được hoàn thành ở Nga và nó đã được chuyển giao cho Ukraine sau khi Liên Xô tan rã. Cuối cùng động cơ và bánh lái của con tàu đã bị hư hại và gần như tất cả những gì còn lại là thân tàu.

Con tàu đã được đưa ra đấu giá và một công ty ở Hồng Kông đã mua nó với giá chỉ 30 triệu USD với kế hoạch đáng ngạc nhiên là biến nó thành một sòng bạc nổi ở Ma Cao. Tuy nhiên, tất cả chỉ là mánh khóe. Con tàu được kéo đến Trung Quốc và cuối cùng không phải ở Ma Cao, mà là ở Nhà máy đóng tàu Đại Liên ở đông bắc Trung Quốc vào năm 2002. Trung Quốc hoàn thành con tàu với tên gọi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được đưa vào hoạt động năm 2012.

Vậy Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo? Người Nga dường như vượt trội hơn so với Trung Quốc khi nói đến các chiến lược 'mua đi bán lại' trong lĩnh vực quốc phòng. Nga vẫn muốn tiếp tục bán khí tài quân sự cho Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải tính đến cái giá phải trả của hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ đối với mọi giao dịch trong tương lai. Đây cũng là vấn đề mà cả thế giới đều lo ngại khi giao dịch với Trung Quốc.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lam Giang

Theo 19fortyfive

Tiến sĩ Brent M. Eastwood, hiện đang giữ chức vụ Biên tập viên Quốc phòng và An ninh Quốc gia của tờ 1945. Ông là tác giả cuốn Con người, Máy móc và Dữ liệu: Xu hướng chiến tranh trong tương lai . Ông là một chuyên gia về Các mối đe dọa mới nổi và là cựu sĩ quan Bộ binh của Quân đội Hoa Kỳ.



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc 'vay mượn' công nghệ quân sự từ Nga