Đặc khu trưởng Hong Kong tự thừa nhận: Từng bị Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (ngày 16/11), Đặc khu trưởng Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói rằng, việc gia hạn thị thực là quyền tự chủ và quyền quyết định của mỗi chính phủ. Là một quan chức hành chính, bản thân bà cũng từng bị chính quyền Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực. Tuyên bố này được đưa ra sau khi gần đây, truyền thông nước ngoài đưa tin rằng Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong đã từ chối cấp thị thực (visa) tác nghiệp cho phóng viên mà không đưa ra bất kỳ lý do gì.

Tờ The Economist của Anh cho biết, Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong (Immigration Department) đã từ chối gia hạn visa làm việc của phóng viên Sue-lin Wong của tờ The Economist mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.

Tổng biên tập của The Economist, bà Zanny Minton Beddoes bày tỏ sự đáng tiếc về quyết định của chính quyền Hong Kong trong một tuyên bố, đồng thời chỉ ra rằng sự có mặt của các kênh truyền thông nước ngoài là rất quan trọng đối với vị thế của một thành phố quốc tế như Hong Kong. Bà Beddoes cũng kêu gọi chính quyền Hong Kong tiếp tục cho phép các kênh truyền thông nước ngoài được tới đặc khu.

Trước một cuộc họp của chính quyền vào ngày 16/11, bà Đặc khu trưởng Hong Kong đã trả lời câu hỏi của giới truyền thông về vấn đề này. Bà nói rằng việc gia hạn thị thực là quyền tự chủ và quyết định của mỗi chính phủ. Với tư cách là một quan chức hành chính, bà cũng từng bị chính quyền Mỹ từ chối thị thực. Điều này phản ánh quyền tự chủ và quyền quyết định của chính phủ Hoa Kỳ. Do đó, Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong cũng có quyền quyết định từ chối, gia hạn thị thực hoặc thêm các điều kiện đi kèm tùy vào từng trường hợp.

Bà Lâm Trịnh cũng chỉ ra rằng, Hong Kong là một thành phố quốc tế và bà rất tự hào về việc Hong Kong là trung tâm của các kênh truyền thông nước ngoài. Nhiều kênh truyền thông nước ngoài cũng chọn Hong Kong làm nơi đặt trụ sở chính trong khu vực Châu Á (Regional Headquarter). Bà cho biết, chính quyền đặc khu sẽ hỗ trợ giới truyền thông, nhưng nhấn mạnh rằng tiền đề là phải tuân thủ luật pháp của Hong Kong, bao gồm Luật An ninh Quốc gia.

Nhiều cư dân mạng bày tỏ bất mãn trước việc bà Lâm Trịnh so sánh việc bản thân bị Mỹ từ chối thị thực với việc chính quyền Hong Kong từ chối cấp visa cho phóng viên tờ The Economist. Có cư dân mạng nói rằng, chính phủ Mỹ trừng phạt bà Lâm Trịnh nhưng đều cấp visa cho các phóng viên Hong Kong. Có người bình luận rằng, chỉ có các quan chức địa phương nằm dưới quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể nói ra những điều phi logic như vậy mỗi ngày.

Trong những năm gần đây, nhiều phóng viên, nhà báo nước ngoài đã buộc phải rời khỏi Hong Kong do bị từ chối cấp thị thực làm việc. Ví như trường hợp của biên tập viên Victor Mallet thuộc tờ Financial Times trong năm 2018, hay Chris Buckley của New York Times và biên tập viên Aaron Mc Nicholas của Hong Kong Free Press hồi năm 2020, v.v. Vào năm 2020, từng có tin đồn rằng Cục quản lý xuất nhập cảnh Hong Kong đã thành lập bộ phận an ninh quốc gia để xem xét đơn xin thị thực của các nhà báo nước ngoài.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đặc khu trưởng Hong Kong tự thừa nhận: Từng bị Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực