EU muốn kết nạp Ukraine, G7 tuyên bố sát cánh với Ukraine trong thời khắc sinh tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen nói với hãng tin Euronews trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật (27/2) rằng, theo thời gian, Ukraine “thuộc về” Liên minh châu Âu và EU muốn kết nạp nước này là thành viên.

Bình luận của bà Von der Leyen được đưa ra ngay sau khi Brussels tuyên bố sẽ cung cấp khoảng 500 triệu Euro vũ khí sát thương và các khoản viện trợ khác cho quân đội Ukraine, đồng thời cấm các phương tiện truyền thông do Nga hậu thuẫn ở EU cũng như cấm máy bay Nga bay vào không phận EU.

EU muốn kết nạp Ukraine

Bà von der Leyen cho rằng: "Chúng tôi có quy trình gia nhập dành cho Ukraine, chẳng hạn như tích hợp thị trường Ukraine vào thị trường của khối. Chúng tôi cũng có sự hợp tác rất chặt chẽ về mạng lưới năng lượng. Vì vậy có rất nhiều chủ đề mà chúng tôi có thể làm việc chặt chẽ với nhau và dần dần, họ thuộc EU. Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ gia nhập khối".

Cuộc phỏng vấn được thực hiện sau khi EU thông báo sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine trong khi quân đội nước này đang chống trả lực lượng Nga.

“Lần đầu tiên từ trước đến nay, Liên minh châu Âu sẽ tài trợ việc mua và chuyển vũ khí và các phương tiện khác cho một quốc gia đang bị tấn công”, tuyên bố của Ủy ban châu Âu nêu rõ.

Bình luận của người đứng đầu EU von der Leyen chắc chắn sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận, người tin rằng Nga có những tuyên bố lịch sử đối với quốc gia Đông Âu Ukraine và đã sử dụng điều này một phần như một lý do để xâm lược quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Trả lời câu hỏi về khả năng đàm phán hoà bình giữa Ukraine và Nga, bà von der Leyen nói với Euronews rằng điều quan trọng là Ukraine “phải đồng ý đàm phán hoà bình và các điều kiện ổn”, nhưng niềm tin vào ông Putin đã “hoàn toàn bị phá vỡ và xói mòn”.

“Điều quan trọng là phía Ukraine đã đồng ý với các cuộc đàm phán hòa bình và các điều kiện đó thuận lợi cho Ukraine. Nói chung, hòa đàm bao giờ cũng tốt hơn là xung đột. Nhưng niềm tin vào Tổng thống Putin đã hoàn toàn bị phá vỡ và xói mòn”, bà von der Leyen nói.

Ukraine 14 năm ôm giấc mộng NATO

Trong phát biểu được đăng trên Twitter hôm 27/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với bà von der Leyen về việc tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraine, hỗ trợ tài chính vĩ mô và tư cách thành viên của nước này trong EU.

Hãng thông tấn Interfax-Ukraine có trụ sở tại Kyiv đưa tin hôm thứ Bảy rằng, ông Zelensky đã thúc ép EU, cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đưa ra một mốc thời gian chắc chắn liên quan đến triển vọng kết nạp Ukraine làm thành viên.

“Tám năm trước, người Ukraine đã lựa chọn, nhiều người đã hy sinh mạng sống của mình vì điều đó. Có thực sự là tám năm sau đó, Ukraine nên liên tục kêu gọi công nhận triển vọng châu Âu?", ông Zelensky nói.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố các quan chức Ukraine và Nga sẽ gặp nhau để đàm phán hòa bình "mà không cần điều kiện tiên quyết", Tổng thống Ukraine. (Ảnh: Anadolu via Getty Images)

“Kể từ năm 2014, Liên bang Nga đã thuyết phục rằng chúng tôi đã chọn sai con đường, và rằng không ai chờ đợi chúng tôi ở châu Âu. Châu Âu không nên liên tục nói và biện minh bằng những hành động cho rằng điều này là không đúng? Hôm nay không phải EU nên nói: công dân của chúng ta có thái độ tích cực đối với việc Ukraine gia nhập liên minh hay không? Tại sao chúng ta lại tránh câu hỏi này? Ukraine không xứng đáng được trả lời trực tiếp và trung thực hay sao?", ông Zelensky nói.

“Tương tự với NATO. Chúng tôi được thông báo là cánh cửa vẫn đang mở. Nhưng hiện tại, không có người ngoài nào được phép gia nhập cả”, Tổng thống Ukraine nói thêm.

Gia nhập EU là một quá trình phức tạp và Ukraine hiện chưa phải ứng viên chính thức.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp thuộc nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đã nhấn mạnh “phản ứng phối hợp đối với Nga” khi có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

“Chúng tôi đang cùng nhau ủng hộ người dân Ukraine và tạo ra những hậu quả và tổn thất nghiêm trọng để buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của họ. Chúng tôi sát cánh với Ukraine và ghi nhận sự dũng cảm và anh hùng của nhân dân Ukraine”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.

Trong khi một số quan chức Mỹ nói rằng, cuộc xâm lược của Nga dường như không diễn ra như kế hoạch đối với Điện Kremlin và tiến trình quân sự của nước này diễn ra chậm hơn dự kiến.

Các quan chức Ukraine trong những ngày gần đây đã kêu gọi người dân Kyiv pha cocktail Molotov và phân phát hàng nghìn khẩu súng trường cho người dân địa phương để bảo vệ đất nước trước cuộc xâm lược do Moscow dẫn đầu.

Ông Zelensky cho biết trên Facebook hôm Chủ nhật rằng, ông sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, sau khi trước đó từ chối các đề xuất của Moscow về các cuộc đàm phán hòa bình sau khi họ xâm lược Ukraine.

Ông Zelensky cũng cho biết, ông đã tổ chức một cuộc điện đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh của ông Putin, và đồng ý cử một phái đoàn tới biên giới Ukraine-Belarus “mà không cần điều kiện tiên quyết”.

Ông Zelensky nói: “Chúng tôi đồng ý cử phái đoàn Ukraine đến gặp phái đoàn Nga mà không có điều kiện tiên quyết nào ở biên giới Ukraine-Belarus, gần sông Pripyat".

G7 tuyên bố sát cánh với Ukraine trong thời khắc sinh tử

Trong khi đó, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết gói viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine với trị giá 450 triệu USD sẽ bao gồm cả máy bay chiến đấu và tất cả số vũ khí này được chuyển giao qua Ba Lan.

Phát biểu vài giờ sau khi Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen thông báo rằng khối sẽ "tài trợ cho việc mua và cung cấp vũ khí cùng các thiết bị khác" cho Ukraine, ông Borrell tiết lộ khối này có kế hoạch chi 501 triệu USD mua vũ khí cho Ukraine và chi thêm khoảng 56 triệu USD cho các mặt hàng như nhiên liệu, vật tư y tế.

Ông Borrell nhấn mạnh: "Chắc chắn, chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí. Chúng tôi thậm chí còn cung cấp máy bay chiến đấu chứ không chỉ đạn dược".

Quan chức này cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã yêu cầu EU cung cấp các máy bay chiến đấu mà phi công Ukraine có thể vận hành và những máy bay đó có thể được mua từ một số quốc gia EU. Lực lượng không quân Ukraine hiện sử dụng các máy bay chiến đấu MiG-29 và Sukhoi Su-24, Su-25 và Su-27 được sản xuất từ thời Liên Xô. Những máy bay nói trên nhiều khả năng sẽ được cung cấp từ những nước như Ba Lan, Bulgaria và Slovakia.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU cũng thông báo các lệnh trừng phạt tài chính sẽ đóng băng "khoảng một nửa số dự trữ tài chính của ngân hàng trung ương Nga". Theo ông Borrell, một nửa số dự trữ của Nga nằm trong ngân hàng ở các nước G7.

Quân nhân Ukraine tìm kiếm những quả đạn chưa nổ sau khi chạm trán với lực lượng Nga ở Kyiv, Ukraine vào ngày 26/2/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/ AFP/ Getty Images)

Theo hãng tin AP, các quan chức EU cũng cho biết EU đã đồng ý đóng cửa không phận của mình đối với các hãng hàng không Nga. Tất cả các máy bay của Nga dù thuộc sở hữu của các hãng hàng không nhà nước hay cá nhân sẽ bị cấm bay, cấm hạ cánh, cất cánh hoặc cấm quá cảnh không phận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Cũng trong ngày 27/2, các nước như Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp và đặc biệt là Đức đều tuyên bố sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraine. Đáng chú ý nhất là việc chính phủ Đức lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ từ bỏ nguyên tắc không cung cấp vũ khí cho các bên đang trong xung đột và quyết định gửi viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho hay, Đức cam kết bổ sung khẩn cấp 113 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng Đức năm 2022, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng cao hơn mục tiêu của NATO mức 2% GDP nước này.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

EU muốn kết nạp Ukraine, G7 tuyên bố sát cánh với Ukraine trong thời khắc sinh tử