Fed làm giàu cho các ngân hàng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạo ra những cuộc bùng nổ tăng trưởng và những vụ băng hoại kinh tế khiến các ngân hàng trở nên giàu có hơn và khiến người dân phải gánh hậu quả.

Tháng 3/2023, Bộ Tài chính Mỹ phê duyệt việc cung cấp các khoản vay trị giá ít nhất 300 tỷ USD cho Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và các ngân hàng khác. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cam đoan đây không phải là một gói cứu trợ và sẽ không sử dụng tiền thuế của người dân. Tuy nhiên, đây là nói ngoa, vì tiền của Bộ Tài chính đến từ những người nộp thuế.

Năm 2008, khi Phố Wall nhận được 700 tỷ USD tiền thuế của người dân, ít nhất họ cũng đủ trung thực để gọi đó là một gói cứu trợ. Và mặc dù các khoản thanh toán trực tiếp đến từ Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Bộ Tài chính, thì tình hình kinh tế không bền vững mà đã tạo ra yêu cầu cứu trợ là tác phẩm của Cục Dự trữ Liên bang và sự kiểm soát của họ đối với lãi suất.

Ngày 10/7/1832, Tổng thống Andrew Jackson đã phủ quyết dự luật chuyển đổi Ngân hàng Mỹ — một ngân hàng của chính phủ — thành Cục Dự trữ Liên bang theo hình thức hiện tại. Tổng thống Jackson tuyên bố, mặc dù một ngân hàng quốc gia mang lại những lợi ích nhất định, thì ông tin rằng điều đó là vi hiến và xâm phạm quyền của các bang cũng như quyền tự do của người dân. Ông coi việc thành lập Cục Dự trữ Liên bang là một sự độc quyền do chính phủ cấp, tuyên bố: "Mọi độc quyền và tất cả các đặc quyền riêng đều không có lợi cho công chúng, những người nên nhận được một điều tương đương công bằng". Việc thành lập một ngân hàng liên bang sẽ có lợi cho một số công ty tư nhân, trong khi gây tổn hại cho các công dân.

Cục Dự trữ Liên bang giám sát và điều tiết ngành ngân hàng. Họ cũng thiết lập lãi suất quỹ liên bang — là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay qua đêm để có được số tiền bằng đúng với yêu cầu dự trữ bắt buộc của Fed. Những thay đổi trong lãi suất này có thể có tác động to lớn đến nền kinh tế và có thể được sử dụng như một công cụ chính sách tiền tệ của chính phủ để điều tiết lạm phát. Khi đất nước suy thoái, lãi suất này được ấn định thấp hơn để kích thích tăng trưởng. Và khi nền kinh tế đang trải qua lạm phát, như hiện nay, lãi suất này được tăng lên, để hạ nhiệt tình hình.

Và mặc dù nhiệm vụ của Fed có lý ở một mức độ nào đó, thì nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed bóp méo nền kinh tế bằng cách tạo ra lãi suất thấp và cao bất thường dẫn đến những cuộc bùng nổ tăng trưởng và những vụ băng hoại kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Fed đã cắt giảm lãi suất xuống 0, và duy trì ở mức đó trong 7 năm. Có một số lần tăng lãi suất giữa năm 2008 và đợt phá sản ngân hàng gần đây, nhưng lãi suất vẫn ở mức thấp bất thường. Những mức lãi suất thấp này đã khuyến khích việc vay mượn và đầu tư vào các doanh nghiệp mà không sinh lời khi lãi suất được phép tăng lên. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với SVB. Danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng đó đã mất hàng tỷ USD vì trái phiếu được mua khi lãi suất của Fed thấp một cách bất thường. Sau khi Fed tăng lãi suất, SVB đã phải bán các trái phiếu đó với giá chiết khấu để trang trải các khoản nợ.

Ngoài việc thiết lập lãi suất, Fed còn là người cho vay khi gặp bước đường cùng — Fed cung cấp tiền cho các ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng. Các ngân hàng có thể vay tiền từ Fed để ngăn chặn sự sụp đổ. Khi Fed tạo ra tiền, thông qua việc thao túng lãi suất hoặc bằng cách cho vay tiền, họ sẽ làm tăng cung tiền và phá giá tất cả các loại tiền tệ mà tất cả người Mỹ nắm giữ. Tiền tiết kiệm của người dân mất giá mỗi một khi Fed tăng cung tiền. Đây là một ví dụ về điều mà Tổng thống Jackson phản đối, vì ông cho rằng Fed sẽ gây hại cho công chúng trong khi giúp các chủ ngân hàng trở nên giàu có hơn.

Nếu một ngân hàng sụp đổ, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ cung cấp bảo hiểm, bồi thường thiệt hại cho khoản tiền gửi từ 250.000 USD trở xuống cho mỗi người gửi tiền, cho mỗi ngân hàng được bảo hiểm, cho mỗi loại tài khoản sở hữu. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008 và một lần nữa vào năm 2023, Bộ Tài chính Mỹ đã phê duyệt tài trợ để chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi, ngay cả những khoản vượt quá 250.000 USD. Cùng với nhau, Fed, FDIC, và bây giờ là Bộ Tài chính, hoạt động như một chương trình bảo hiểm cho các ngân hàng. Fed có thể đặt lãi suất thấp một cách cố ý, để khuyến khích các ngân hàng vay và đầu tư. Và nếu những khoản đầu tư đó trở xấu, Fed, FDIC, và Bộ Tài chính có thể can thiệp và cứu trợ chúng. Mỹ không phải là một quốc gia xã hội chủ nghĩa và các ngân hàng như SVB không phải là doanh nghiệp nhà nước. Đây là những công ty tư nhân hoạt động vì lợi nhuận, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư của họ. Sự kết hợp của Fed, FDIC, và Bộ Tài chính đang cung cấp sự bảo đảm, bằng tiền của người dân, cho các công ty tư nhân.

Nếu lãi suất được để tùy vào thị trường tự do, giống như giá của hầu hết mọi thứ khác trong một xã hội tư bản, thì các ngân hàng sẽ ít có khả năng đặt lãi suất thấp một cách bất thường và cũng ít có khả năng thực hiện các khoản đầu tư xấu. Ngoài ra, nếu không có triển vọng về một gói cứu trợ từ chính phủ liên bang, thì các ngân hàng sẽ cẩn thận hơn về việc làm mất tiền của người gửi tiền và họ sẽ không bao giờ rơi vào thế lấy tiền từ người nộp thuế.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Fed làm giàu cho các ngân hàng