Hàng loạt chỉ trích từ Hoa Kỳ về việc Trung Quốc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Đại hội đồng LHQ một lần nữa đã bầu chọn các quốc gia vi phạm nhân quyền đáng ghê tởm, bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba. Các cuộc bầu cử này chỉ xác thực thêm quyết định rút lui [khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ] của Hoa Kỳ...", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dẫn đầu một loạt các chỉ trích đối với Liên hợp quốc (LHQ), sau khi các quốc gia vốn có hồ sơ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 13/10.

“Đại hội đồng LHQ một lần nữa đã bầu chọn các quốc gia vi phạm nhân quyền đáng ghê tởm, bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba. Các cuộc bầu cử này chỉ xác thực thêm quyết định rút lui [khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ] của Hoa Kỳ và sử dụng các địa điểm và cơ hội khác để bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên toàn cầu”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố ngày 13/10.

Hoa Kỳ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền vào tháng 6/2018, trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2019, do LHQ không có những cải cách.

Hội đồng Nhân quyền tổng cộng có 47 ghế, với 15 ghế trống. Để lấp đầy số ghế trống này, LHQ đã tổ chức bầu chọn các quốc gia đại diện tại trụ sở LHQ ở thành phố New York vào ngày 13/10. Số ghế này được phân bổ cho 5 nhóm khu vực, bao gồm: các quốc gia châu Phi, các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia Đông Âu, Mỹ Latinh và Caribe Các tiểu bang, Tây Âu và các quốc gia khác.

Hầu hết các nhóm khu vực đều có số lượng ứng cử viên bằng số ghế trống. Ví dụ, khu vực Tây Âu và các Quốc gia khác có 2 ghế trống, thì 2 quốc gia là Pháp và Vương quốc Anh đã ứng cử.

Chỉ có khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là có cạnh tranh, do có 5 quốc gia nhưng chi có 4 ghế cho khu vực này. Trong đó, Pakistan và Uzbekistan mỗi nước giành được 169 phiếu bầu, tiếp theo là Nepal với 150 phiếu bầu và Trung Quốc 139 phiếu. Ả Rập Xê-út đã bị loại khi đứng thứ 5 với 90 phiếu bầu, theo LHQ công bố tại một cuộc họp báo.

Các quốc gia khác được bầu chọn bao gồm Nga, Bolivia và Cuba.

Tất cả 193 quốc gia thành viên của LHQ đều có thể bỏ phiếu trong mỗi nhóm khu vực bằng hình thức bỏ phiếu kín. Các quốc gia chiến thắng sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm vào ngày 1/1/2021.

Tuy Trung Quốc được bầu chọn nhưng ​​sự ủng hộ tại LHQ cho quốc gia này năm nay đã giảm đáng kể, so với với 180 phiếu bầu vào năm 2016 cho Trung Quốc có được một ghế trong ban hội thẩm.

Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ đã tìm kiếm các cách thức khác để thúc đẩy nhân quyền, chẳng hạn như thông qua phiên họp trực tuyến lần thứ 75 của Đại hội đồng LHQ diễn ra vào tháng Chín, hay một sự kiện mang tính bước ngoặt về tự do tôn giáo do Tổng thống Donald Trump tổ chức vào năm 2019.

Sau phiên họp trực tuyến do Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 23/9, hơn 50 quốc gia đã ký vào một tuyên bố chung công nhận Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền (UDHR), nhấn mạnh rằng “một số nguyên tắc cơ bản áp dụng cho tất cả con người, ở mọi nơi, mọi lúc".

UDHR, do Đại hội đồng LHQ công bố năm 1948, là một văn kiện quan trọng, quy định rằng, các quyền cơ bản của con người cần được bảo vệ trên toàn cầu.

“Cam kết của Hoa Kỳ đối với nhân quyền không chỉ là lời nói. Thông qua hành động của Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ], chúng ta đã trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Myanmar [Miến Điện], Iran và những nơi khác”, ông Pompeo tuyên bố.

Chính phủ Hoa Kỳ đã trừng phạt 6 quan chức Trung Quốc và một tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc, nơi ước tính một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo.

Trong đánh giá hàng năm mới nhất của tổ chức tư vấn Freedom House của Hoa Kỳ về mức độ quyền chính trị và quyền tự do dân sự của các nước trên thế giới, Trung Quốc được đánh giá là “không tự do” với số điểm là 10/100.

Trong cuộc họp giao ban hàng ngày vào ngày 14/10, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên nói những bình luận của ông Pompeo là “rất nực cười”. Ông Triệu nói rằng Hoa Kỳ nên “ngừng phát tán vi rút chính trị” và không sử dụng “nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác”.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối kết quả bầu cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ năm nay, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio.

Ông Rubio viết trên Twitter: “China, Russia và Cuba được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là một trò đùa khi bạn biết rằng họ đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Thượng nghị sĩ nói thêm: "Hệ thống này đã bị phá vỡ và đó là một thảm kịch với số lượng các thách thức nhân quyền cấp bách trên toàn cầu".

Nikki Haley, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, đã đăng trên Twitter: “Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một trò hề hoàn toàn không xứng đáng với tên của nó hay [xứng đáng] với bất kỳ sự tín nhiệm nào từ Hoa Kỳ”.

Hillel Neuer, giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ UN Watch có trụ sở tại Geneva, đã viết trên twitter rằng, thứ Ba ngày 13/10 (ngày LHQ tổ chức cuộc bầu cử) là “ngày đen tối cho nhân quyền”.

Ông Neuer chỉ ra rằng, dựa trên xếp hạng của Freedom House, 51% các quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền được đánh giá là “tự do một phần” hoặc “không tự do”, nghĩa là họ “không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu của một nền dân chủ tự do”.

Tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% bắt đầu từ ngày 1/1/2021, khi các quốc gia bao gồm Trung Quốc ngồi vào ghế của họ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Hàng loạt chỉ trích từ Hoa Kỳ về việc Trung Quốc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc