Ít nhất 22 người thiệt mạng trong nghi án thảm sát tại tu viện Myanmar

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ít nhất 22 người, trong đó có nhà sư Phật giáo, đã bị bắt chết ở cự ly gần ở miền trung Myanmar vào tuần trước. Theo các bác sỹ khám nghiệm tử thi, những người phản đối chính quyền quân sự Myanmar, nói rằng đây là vụ thảm sát thường dân do quân đội tiến hành.

Một nhóm kháng chiến, những người vũ trang phản đối chính quyền quân sự Myanmar, bị chính quyền gọi là quân khủng bố, đã tuyên bố rằng họ không chứng kiến vụ giết người, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân tử vong là bị tấn công bằng súng và vũ lực.

Những người kháng chiến tố cáo rằng 22 nạn nhân đã chết trong một thảm sát thường dân bởi chính quyền quân sự Myanmar.

Những hình ảnh do Lực lượng Phòng vệ Dân tộc Karenni chống chính phủ công bố trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy trên thi thể của một số nhà sư Phật giáo và nam giới khác có vết thương do đạn bắn ở cự ly gần; thi thể của họ dựa vào bức tường tòa nhà chính của tu viện.

Họ cũng cho thấy những vũng máu và lỗ đạn rải rác trên tường.

Theo tin từ ABC, Một thủ lĩnh địa phương của quân du kích Karenni, người đã chụp những bức ảnh cho biết những tay súng bắn tỉa của nhóm ông, những người ở khu vực xung quanh đã sử dụng ống ngắm súng trường để theo dõi; khoảng 100 binh sĩ [chính quyền] đã xả súng và đốt nhà khi họ tiến vào làng vào sáng thứ Bảy tuần trước.

Ông cho biết các tay súng bắn tỉa không thể theo dõi nhiều hơn vì họ phải rút lui sau khi bị máy bay chính phủ bắn.

Một thành viên của nhóm du kích Karenni, người yêu cầu giấu tên vì sợ bị quân đội trả thù, thừa nhận rằng lực lượng của anh không chứng kiến ​​vụ giết người mà chỉ chụp ảnh khi nhìn thấy các thi thể khi họ vào làng vào cuối ngày thứ Bảy.

Nhưng chính quyền quân sự Myanmar khẳng định rằng cái chết của 22 thường dân gây ra bởi nhóm khủng bố, và nhóm này đã cố tình tuyên bố thông tin sai lệch.

Một phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar, ông Zaw Min Tun, cho biết Lực lượng phòng vệ Dân tộc Karenni (KNDF) đã tham gia vào các cuộc đụng độ với các tay súng nổi dậy ở vùng Pinlaung thuộc bang Shan miền nam nhưng không làm hại bất kỳ thường dân nào.

Ông nói: “Khi các nhóm khủng bố nổ súng dữ dội… một số dân làng đã thiệt mạng và bị thương", theo ABC. Ông cho biết quân đội chỉ phản công chống lại ba nhóm kháng chiến.

Người phát ngôn của KNDF nói rằng các binh sĩ của họ đã tiến vào Nan Neint vào Chủ nhật và tìm thấy xác chết nằm rải rác tại một tu viện Phật giáo.

Video và ảnh do KNDF và một nhóm khác, Liên minh Cách mạng Karenni (KRU) cung cấp, cho thấy vết đạn ở thân và đầu của các xác chết và lỗ đạn trên tường của tu viện. Hiện tại, hãng tin Reuters không thể xác minh độc lập tính xác thực của tài liệu.

Một báo cáo khám nghiệm tử thi của Tiến sĩ Ye Zaw, thành viên của Chính phủ Thống nhất Quốc gia, một chính quyền dân sự lưu vong được thành lập sau cuộc đảo chính, cho biết vũ khí tự động có khả năng được sử dụng ở cự ly gần để giết 22 người, trong đó có ba nhà sư mặc áo cà sa.

"Vì không có quân phục, thiết bị và đạn dược nào được tìm thấy trên những thi thể còn lại, nên rõ ràng họ là thường dân", báo cáo cho biết.

"Tất cả các xác chết đều được tìm thấy trong khuôn viên của tu viện Nan Nein, rõ ràng đây là một vụ thảm sát".

Theo truyền thông địa phương, giao tranh giữa quân chính phủ và quân nổi dậy đã diễn ra ác liệt trong khu vực trong ít nhất hai tuần; khoảng 100 công trình bị thiêu rụi trong và xung quanh địa điểm được cho là xảy ra vụ thảm sát ở Nan Neint. Thông tin này cũng được báo cáo bởi Myanmar Witness, một tổ chức theo dõi vi phạm nhân quyền.

Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội đảo chính, lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào tháng 2/2021. Kể từ đó, chính quyền này bị thường dân phản đối. Nhiều nhóm kháng chiến chống lại chính phủ quân sự đã hình thành, đụng độ vũ trang đã diễn ra. Chính quyền gọi những nhóm vũ trang này là "lực lượng khủng bố". Một số lực lượng quân sự sắc tộc cũng đứng về phía chống lại chính quyền quân sự.

Ít nhất 3.137 người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp quân sự kể từ cuộc đảo chính, Reuters trích dẫn nguồn tin từ Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị phi lợi nhuận.

Liên Hợp Quốc đã cáo buộc quân đội về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Theo Reuters

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Ít nhất 22 người thiệt mạng trong nghi án thảm sát tại tu viện Myanmar