Mất cân bằng vũ khí hạt nhân tạo ra 'thời khắc nguy hiểm': Cựu nhân viên CIA

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cựu sĩ quan CIA và là chuyên gia về vũ khí hạt nhân đã liên tiếp chỉ trích các nhà lãnh đạo của Mỹ và Anh, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson, vì tin vào câu thần chú “chiến tranh hạt nhân không bao giờ thắng thế và không bao giờ nên được tiến hành”, cũng như cho phép Nga và Trung Quốc xây dựng một lợi thế chiến lược lớn so với phương Tây.

Ông Peter Vincent Pry, Giám đốc Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và An ninh Nội địa, nói với The Epoch Times rằng, “Đây là một trong những thời khắc nguy hiểm nhất mà chúng ta từng đối mặt trong thời đại tên lửa hạt nhân".

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cùng những nhận xét hiếu chiến của Tổng thống Vladimir Putin đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể hủy diệt nhân loại.

Đầu tháng này (06/2022), một bạch thư (pdf) đã được công bố, khuyến nghị chính phủ Anh công khai các bộ phim cung cấp thông tin chẳng hạn như loạt phim “Protect and Survive”, được thực hiện vào những năm 1970 để chuẩn bị cho mọi người về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân.

Phản hồi lại bạch thư này, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Quốc phòng của Vương quốc Anh, Nghị viên Tobias Ellwood, cho biết: “Có lẽ, với cuộc chiến ở Ukraine và việc quân đội Nga tấn công các nhà máy điện hạt nhân, cùng với việc ông Putin đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân, đã đến lúc cần phải xem xét lại sức chống chịu của chúng ta đối với các cuộc tấn công và tai nạn hạt nhân".

Những người lính ở Moscow tham dự lễ tang của lãnh đạo Liên Xô kiêm cựu giám đốc KGB Yuri Andropov vào năm 1984. Bảy năm sau, Liên Xô sụp đổ. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ông Pry cho biết Liên Xô sụp đổ vì không thể đuổi theo chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông nhận định rằng trong những năm 1990 và thậm chí sau khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000, có nhiều nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ và Anh cho rằng mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân đã không còn nữa, cho nên cần giảm chi tiêu quân sự ngay cả khi Nga tiến hành tái vũ trang và Trung Quốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Phương Tây ‘nhẹ dạ cả tin' vào các số liệu chính thức của Nga và Trung Quốc

Về mặt chính thức, Trung Quốc chi 293 tỷ USD mỗi năm cho quân sự và Nga chỉ chi 66 tỷ USD, so với 800 tỷ USD của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên trên thực tế, ông Pry cho biết Trung Quốc còn chi tiêu nhiều hơn mức chi của Hoa Kỳ, và Nga đã báo cáo "quá thấp" số tiền mà họ đã chi, còn các chính trị gia phương Tây thì lại “nhẹ dạ” tin vào số liệu đó.

Ông nói rằng Nga và Trung Quốc hiện đang vượt phương Tây 10 lần về vũ khí hạt nhân chiến thuật và ông nói thêm rằng: “Tất cả các tên lửa hạt nhân của họ đều mới, trong khi tên lửa của chúng ta đã được 30 năm".

Tuy nhiên, ông Tim Ripley, một nhà phân tích quốc phòng và là tác giả của cuốn “Little Green Men: The Inside Story of Russian Military Power” nói với The Epoch Times rằng, “Trong Chiến Tranh Lạnh, và đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, đồng hồ đếm ngược về ngày tận thế. Ngày nay chúng ta có đang ở trong cùng một mức độ nguy hiểm không? Có lẽ là không".

Ông Ripley nói: “Đã có rất nhiều lời hùng biện nhưng chúng ta vẫn chưa thấy việc triển khai vũ khí hạt nhân. Bất chấp tất cả những lời hùng biện được đưa ra từ phía Nga, các tàu hạt nhân và tàu ngầm của họ đang dành rất nhiều thời gian ở bến cảng".

Các binh sĩ Nga tuần tra phần bị phá hủy của Nhà máy thép Ilyich trong khi giao tranh ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine, hôm 18/05/2022. (Ảnh: Olga Maltseva/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine tiềm ẩn nguy cơ lớn về một vụ tai nạn hạt nhân.

Ông Ripley nói: “Chắc chắn có vũ khí hạt nhân của Nga tại các căn cứ không quân và hải cảng gần Ukraine và Ukraine đã tấn công một số trong số đó bằng tên lửa, vì vậy có khả năng xảy ra một vụ tai nạn. Không nhất thiết phải là một Hiroshima, nhưng chắc chắn là nơi gây ra ô nhiễm hạt nhân".

Như vậy, các nhà lãnh đạo chính trị đã sẵn sàng cho xung đột hạt nhân chưa? Và họ có hiểu các sắc thái phức tạp của chiến lược quân sự không?

Chính sách ‘mơ hồ chiến lược’ của Vương quốc Anh

Anh từ lâu đã duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” khi đề cập đến vũ khí hạt nhân của mình.

Giải pháp thay thế sẽ là chính sách “không tấn công đầu tiên” (no first strike), có nghĩa là Anh sẽ chỉ phóng vũ khí hạt nhân nếu chính nước này bị tấn công hạt nhân.

Ông Dominic Cummings, cựu cố vấn chính phủ, người hiện đã trở thành một trong những nhà phê bình của Thủ tướng Boris Johnson, gần đây đã viết về chủ đề này.

Ông nói, “Đại dịch COVID đã chỉ ra cách các nhà lãnh đạo có thể rơi vào thảm họa vì họ tổ chức các cuộc họp dựa trên những giả định lớn mà họ chưa bao giờ thực sự nghiên cứu và điều tra".

Ông Cummings cũng cho biết ông bắt đầu chất vấn các quan chức chính phủ vào năm 2020 về chiến lược hạt nhân liên quan đến Nga, nhưng cho biết: “Điều đó không thể dễ dàng được thảo luận công khai".

Ông Pry bày tỏ sự đồng tình với ông Cummings, rằng Anh dường như không chuẩn bị và rằng ông Johnson nên kiềm chế luận điệu hiếu chiến của mình về vấn đề Ukraine.

(Từ trái sang) Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thắp nến tại Nhà thờ Mikhailovsky Zlatoverkhy (Nhà thờ Thánh Michael's Golden Domed) ở Kyiv, Ukraine, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine của Ukraine)

Ông Ripley cho biết vào năm 1991, Anh cùng Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ “tấn công hạt nhân” Iraq nếu ông Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân đội đồng minh trong Chiến tranh Kuwait. Ông cũng nói rằng xung đột Ukraine đã làm tăng khả năng xảy ra một số kịch bản mà trong đó Anh có thể phóng tên lửa hạt nhân vào Nga.

“Nếu Ukraine thất thủ và có quân đội Anh ở Ba Lan hoặc Estonia, đó là một ví dụ về nơi mà một mối đe dọa có thể xuất hiện. Nếu người Nga tấn công hạt nhân một tiểu đoàn Anh ở Estonia và chúng ta tấn công hạt nhân quân đội của họ ở Ukraine, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu họ có tấn công hạt nhân một trong những tàu sân bay của chúng ta ở ngoài khơi Na Uy không? Nếu một trong hai bên tấn công hạt nhân lãnh thổ của bên kia thì đó sẽ là ngày tận thế", ông Ripley nói.

Tuy nhiên, ông cho biết cả Nga và NATO đều nhận thức được rằng “thế tiến thoái lưỡng nan ngày càng leo thang” và không bên nào muốn xung đột ở Ukraine phát triển thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, chứ chưa nói đến một vụ nổ hạt nhân.

‘Nga và Trung Quốc nghĩ rằng mình có thể giành chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân’

Ông Pry không chắc lắm. Ông nói: “Nga và Trung Quốc nghĩ rằng mình có thể giành chiến thắng [trong chiến tranh hạt nhân]. Chúng ta đã tự tẩy não chính mình rằng họ [Nga và Trung Quốc] không thể thắng một cuộc chiến tranh hạt nhân… Nhưng họ không tin như vậy [dù họ nói vậy]. Không tin quý vị hãy đào sâu vào học thuyết quân sự của họ, quý vị nhìn vào các cuộc tập trận của họ, quý vị nhìn vào vị thế của họ. Quý vị nên tin vào những gì họ làm thay vì những điều họ nói".

Ông Pry cho biết, Nga tin rằng với tên lửa hạt nhân siêu thanh mới nhất của mình, nước này có thể đánh hạ các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Hoa kỳ và cuối cùng là đánh bại phương Tây trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Một tên lửa hành trình siêu thanh Zircon mới được phóng từ tàu ngầm của hải quân Nga trên Biển Barents trong một đoạn video được Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố vào ngày 04/10/2021, (Ảnh chụp từ video)

Ông chỉ ra hàng trăm hầm trú ẩn sâu dưới lòng đất mà Nga dành cho giới tinh hoa quân sự và chính trị của mình. Đồng thời cho biết thêm rằng, Moscow đã tiến hành một cuộc diễn tập tấn công hạt nhân vào năm 2016, liên quan đến việc cho 40 triệu người đi trú ẩn.

Ông Cummings cũng nêu ý tưởng xây dựng boongke dưới lòng đất: “Với nguy cơ không thể tránh khỏi của các đại dịch trong tương lai và xác suất tích lũy của các cuộc tấn công vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) ngày càng tăng theo thời gian. Chúng ta có nên đầu tư vào các công trình phòng thủ dân sự mới này không? Ví dụ, chúng ta có nên khuyến khích việc xây dựng những nơi trú ẩn có thể sử dụng chung cho đại dịch và tấn công hạt nhân, có năng lượng độc lập và không khí tái tạo không?”.

Ông Ripley cho biết Thụy Điển, Phần Lan, và Thụy Sĩ đã xây dựng các boongke trong Chiến Tranh Lạnh như một phần của chương trình nhà ở thông thường của họ. Tuy nhiên, ông nói rằng một dự án kiểu như vậy là quá đắt đỏ đối với Anh.

Sự phản kháng chính trị đối với việc nâng cấp vũ khí hạt nhân

Trong khi Nga và Trung Quốc đang đầu tư vào một thế hệ vũ khí hạt nhân mới, thì các chính trị gia ở các quốc gia NATO vẫn đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục cử tri về sự cần thiết của việc nâng cấp vũ khí của họ.

Năm 1980, ngay sau khi đài BBC tiết lộ sự tồn tại của bộ phim “Protect and Survive”, chính phủ của Thủ tướng Margaret Thatcher đã công bố kế hoạch sản xuất một loại vũ khí răn đe hạt nhân độc lập mới, Trident, sẽ thay thế cho Polaris, hệ thống phóng từ tàu ngầm đang hoạt động từ năm 1968.

Trident đi vào hoạt động từ năm 1994 nhưng ông Ripley cho biết: “Bà Thatcher đã bắt đầu xây dựng vũ khí đó nhưng Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc vào thời điểm nó sẵn sàng. Hiện Hải quân Hoàng gia Anh đang thay thế các tàu ngầm Vanguard của mình bằng một lớp tàu ngầm Dreadnought mới nhưng họ vẫn sẽ sử dụng tên lửa Trident".

Các tàu ngầm mới, đang được đóng ở Barrow-in-Furness ở miền bắc nước Anh, được cho là có giá 31 tỷ bảng Anh (38 tỷ USD) và nhiều nghị viên Đảng Lao Động, bao gồm cả cựu lãnh đạo Jeremy Corbyn, đã phản đối việc xây dựng chúng.

Ông Pry cho biết các tàu ngầm có thể là mới nhưng tên lửa Trident mà họ sử dụng là “đồ cổ”, nhưng lại không có kế hoạch chính trị nào để nâng cấp chúng.

Ông nói rằng người dân ở Anh và Hoa Kỳ đã quên những bài học của Chiến Tranh Lạnh.

Ông Pry nói: “Liên Xô cuối cùng cũng chìm vào quên lãng với gánh nặng về vũ khí quốc phòng và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới này. Nếu chúng ta đứng ngoài cuộc chiến giữa các cường quốc này đủ lâu và nếu chúng ta có thể răn đe họ đủ lâu, tôi nghĩ rằng sớm hay muộn họ sẽ sụp đổ vì hệ thống của họ dựa trên sự dối trá. Họ hiểu sai về cách thức hoạt động của các nền kinh tế và họ hiểu sai về bản chất con người".

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng răn đe hạt nhân và năng lực của chúng tôi cũng của các đồng minh và đối tác NATO trong việc ngăn chặn các mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với an ninh tập thể".

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Ông Peter Vincent Pry là Giám đốc Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và An ninh Nội địa Hoa Kỳ



BÀI CHỌN LỌC

Mất cân bằng vũ khí hạt nhân tạo ra 'thời khắc nguy hiểm': Cựu nhân viên CIA