Mỹ công bố ảnh trục vớt khí cầu do thám Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (6/2), Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ (NORCOM) đã công bố những bức ảnh đầu tiên ghi lại quá trình trục vớt các mảnh vỡ và xác khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị Mỹ bắn rơi ở vùng biển ngoài khơi tiểu bang Nam Carolina.

Vào tối Chủ nhật (5/2), Washington công bố các bức ảnh cho thấy lực lượng Hải quân Mỹ đang trục vớt các mảnh vỡ từ khinh khí cầu. Các thủy thủ đang kéo một mảnh lớn của khí cầu lên một chiếc thuyền nhỏ.

Theo chú thích của các bức ảnh, các thủy thủ thuộc Nhóm Xử lý Vật liệu nổ 2 đã được cử đến để trục vớt khinh khí cầu gần Bãi biển Myrtle, tiểu bang Nam Carolina. Cuối tuần qua, các quan chức địa phương yêu cầu người dân không được chạm vào khinh khí cầu trong trường hợp các mảnh vỡ của nó dạt vào bờ biển, sau khi khí cầu này bị máy bay chiến đấu F-22 Raptor bắn hạ vào chiều thứ Bảy (4/2).

NORCOM cũng công bố hình ảnh chiếc máy bay chiến đấu F-22 được sử dụng để bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc. Lầu Năm Góc trước đó xác nhận rằng chiếc máy bay này cất cánh từ Căn cứ Không quân Langley ở tiểu bang Virginia để thực hiện nhiệm vụ.

Các thủy thủ thuộc Nhóm xử lý vật liệu nổ 2 trục vớt một khinh khí cầu do thám tầm cao ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, hôm 5/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Một quan chức cấp cao ẩn danh nói với đài Fox News rằng, sau khi trục vớt, Mỹ sẽ đưa các mảnh vỡ của khinh khí cầu đến phòng thí nghiệm của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ ở Quantico, Virginia để các chuyên gia phân tích thêm.

The Epoch Times đã liên hệ với FBI để yêu cầu bình luận.

Hôm 6/2, Tướng Glen VanHerck, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ cho biết, khinh khí cầu này cao khoảng 200 feet (60,96 m), nặng đến vài nghìn pound (1 pound = 0,45 kg).

“Khinh khí cầu này ước tính cao tới 200 feet. Tôi cho rằng nó có thể mang theo một trọng tải có kích thước bằng một chiếc máy bay phản lực cỡ nhỏ, có thể là máy bay phản lực khu vực như ERJ hoặc loại tương tự. Nó có thể nặng tới vài nghìn pound”, ông Glen VanHerck nhận định.

Một máy bay trực thăng của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đang tiến hành trục vớt khinh khí cầu do thám tầm cao, hôm 4/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Sau đó, ông VanHerck giải thích lý do quân đội Mỹ không bắn hạ khinh khí cầu vào thời điểm phát hiện ra nó gần Billings, tiểu bang Montana hồi tháng trước. Ngay sau khi phát hiện ra khí cầu, đã có nhiều lời kêu gọi bắn hạ thiết bị bay này.

Ông VanHerck nói rằng, "Hãy tưởng tượng những mảnh vỡ lớn nặng hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn pound từ trên trời rơi xuống. Đó chính xác là những gì chúng ta đang nói đến”.

Các thủy thủ đang trục vớt một khinh khí cầu do thám tầm cao ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, hôm 5/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Vị tướng này cũng đề cập rằng khinh khí cầu này có khả năng nhận thức trong lĩnh vực hàng hải (Maritime Domain Awareness - MDA) khi nó đến gần Alaska.

"Theo tôi, khinh khí cầu này không gây ra mối đe dọa quân sự hay vật chất nào đối với Bắc Mỹ”, ông cho biết hôm 6/2.

"Đây là trách nhiệm của NORAD, vì vậy tôi không thể hành động ngay lập tức vì không có bằng chứng về một hành động thù địch hay ý định thù địch”.

Các quan chức quốc phòng và quân sự Hoa Kỳ hôm 4/2 cho biết, khinh khí cầu này đã tiến vào không phận của Hoa Kỳ ở phía bắc quần đảo Aleut của tiểu bang Alaska hôm 28/1. Sau đó, nó di chuyển về phía tây bắc Canada vào hôm 30/1. Ngày hôm sau (1/2), nó quay trở lại lãnh thổ Hoa Kỳ và lơ lửng ở phía bắc tiểu bang Idaho.

Các quan chức Hoa Kỳ phát biểu với điều kiện ẩn danh khi thảo luận về chủ đề nhạy cảm.

Trong một phần khác của cuộc họp báo, ông VanHerck khẳng định rằng các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua không phận Hoa Kỳ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, ông Trump và các cựu thành viên trong chính quyền của ông đã bác bỏ tuyên bố này.

Trung Quốc tuyên bố đây là một khinh khí cầu dân sự được dùng để “nghiên cứu khí tượng”, nhưng từ chối cho biết nó thuộc về cơ quan chính phủ hoặc công ty nào. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã phủ nhận những tuyên bố trên và cho rằng, đó là một khinh khí cầu do thám.

Hơn nữa, ông VanHerck nói với các phóng viên rằng quả khinh khí cầu này có khả năng được cài chất nổ, và đây mới là yếu tố khiến ông quyết định không bắn hạ khi nó đang lơ lửng trên đất liền.

Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ hôm 6/2 cho biết, họ đã thiết lập một vành đai an ninh nơi khinh khí cầu rơi xuống, cách Bãi biển Surfside ở tiểu bang Nam Carolina khoảng 6 hải lý (khoảng 11 km).

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ công bố ảnh trục vớt khí cầu do thám Trung Quốc