Mỹ: Y tá mô tả phác đồ điều trị COVID-19 'tàn nhẫn' của bệnh viện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những y tá đã chứng kiến ​​các phác đồ điều trị COVID-19 "tàn nhẫn" giết chết bệnh nhân tại các bệnh viện đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về những gì đang diễn ra trong hệ thống y tế của các tiểu bang và liên bang.

"Chúng thật kinh khủng, và tất cả chúng đều được tuân thủ chặt chẽ", Staci Kay một y tá thuộc mạng lưới North Carolina Physicians for Freedom (Thầy thuốc bang North Carolina vì Tự do) đã rời bỏ bệnh viện để tự hành nghề điều trị COVID-19 sớm chia sẻ với tờ Epoch Times. "Họ sẽ không cân nhắc đến các phác đồ điều trị ngoài những gì CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) và NIH (Viện Y tế Quốc gia) đưa cho họ. Và không ai đặt câu hỏi tại sao cả".

Staci Kay đã gặp phải sự bất hòa nhận thức khi đối mặt với một loạt báo động đỏ. Cô cho biết, nhân viên bệnh viện đang lờ đi việc các phương pháp điều trị là có vấn đề và có hiệu quả kém trong các thử nghiệm lâm sàng, chẳng hạn như remdesivir và các quy trình như cách ly bệnh nhân, chỉ vì họ muốn tuân thủ quy định của chính phủ.

"Tôi đã từng chứng kiến ​​những người chết đi trong lúc gia đình của họ xem qua Facetime trên iPad", Staci Kay cho biết. "Nó thật tàn nhẫn".

Là một cựu y tá khoa chăm sóc đặc biệt, Staci Kay cho biết đã từng chứng kiến ​​nhiều bi kịch, nhưng việc chứng kiến ​​cách những bệnh nhân COVID được điều trị "khiến tôi bừng tỉnh vào nửa đêm, đổ mồ hôi lạnh vì đau ngực".

"Tôi đã căm ghét công việc của mình", Staci Kay nói. "Tôi đã ghét phải đi làm. Tôi đã bị căng thẳng theo cách mà tôi chưa từng bị trong cả đời mình".

Staci Kay cho biết, việc cô lập bệnh nhân khỏi gia đình là đặc biệt khó khăn, vì mọi người không thể đến nói lời từ biệt với những người thân yêu của mình.

'Chúng ta có thể làm tốt hơn'

Khi Staci Kay đang tìm kiếm các lựa chọn khác, thì cô thấy một phác đồ điều trị nội trú được thiết kế bởi Bác sĩ Paul Marik, thành viên sáng lập của tổ chức Front Line COVID-19 Critical Care Alliance (Liên minh Tiền tuyến Chăm sóc Đặc biệt COVID-19), dự kiến ​​có tỷ lệ thành công 94%.

Tuy nhiên, sau khi Staci Kay trình bày phác đồ này với trưởng khoa chăm sóc đặc biệt về phổi, cô đã bị gạt đi, và bác sĩ trưởng khoa khoe rằng bệnh viện có tỷ lệ sống sót là 66% vào thời điểm đó.

"Tôi đã nói với ông ấy rằng, 'Tôi thấy chúng ta có thể làm tốt hơn', nhưng tôi bị gạt đi ngay", Staci Kay nói. "Tôi đã rất tức giận vì tôi đang thấy mọi người chết đi, và tôi biết chúng tôi lẽ ra có thể làm tốt hơn".

Cứ như thể những người từng thông minh đã bị tẩy não, "và sau đó trở nên ngu ngốc", thiếu trí lực để phân biệt thật giả, theo Staci Kay nhận xét.

Điều này khiến Staci Kay bắt đầu điều trị cho bệnh nhân ở ngoài bệnh viện, để họ không phải vào bệnh viện. Đây là công việc toàn thời gian của cô sau khi bị sa thải vì không tuân theo những gì mà cô mô tả là yêu cầu xét nghiệm phi lý đối với những người chưa tiêm chủng.

Staci Kay cho biết, trong khi làm công việc thầy thuốc từ xa, cô đã chứng kiến ​​nhiều trường hợp thương tật do vaccine COVID-19.

"Tôi cũng đã thấy những điều trong mảng nội trú, mà tôi nghi ngờ là những thương tật do vaccine mà bác sĩ của chúng tôi không công nhận", Staci Kay nói. "Tôi đã thấy những ca chảy máu não, co giật không rõ nguyên nhân, ung thư di căn như cháy rừng, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, và tôi đã chứng kiến ​​một người chết một cách khủng khiếp vì viêm cơ tim".

Về phía bệnh nhân ngoại trú, Staci Kay cho biết đã gặp các tình trạng do vaccine COVID-19 như sương mù não, suy giảm nhận thức, đau khớp, rối loạn chức năng tiêu hóa, và bệnh thần kinh gây tê và ngứa ran ở tứ chi.

'Kiểu cũ trở thành kiểu mới'

Dịch vụ của Staci Kay Sophelina Counseling cung cấp dịch vụ y tế từ xa, chăm sóc khẩn cấp lưu động, và các liệu pháp tiêm tĩnh mạch (IV) lưu động. Dịch vụ này độc lập khỏi sự kiểm soát của đoàn thể, của chính phủ liên bang và tiểu bang, mà theo cô là giải pháp cho hệ thống y tế bị tê liệt bởi các điều kiện bắt buộc đầy ngột ngạt.

"Miễn là có sự kiểm soát của đoàn thể đối với y học, cho dù [đoàn thể] đó là [chương trình bảo hiểm y tế quốc gia] Medicare hay các công ty bảo hiểm tư nhân, bạn sẽ luôn có những nhà cung cấp [dịch vụ y tế] bị ép buộc, bị áp lực, và bị cưỡng bức làm những việc mà họ thường không làm", cô nói. "Các bác sĩ không có những phương pháp điều trị mà họ từng có trước đây".

Vì sự kiểm soát của đoàn thể này, mà những thứ các bác sĩ phải làm theo yêu cầu khiến họ tốn nhiều thời gian, và thời gian đó lẽ ra dùng để chăm sóc bệnh nhân, theo Staci Kay nhận xét.

"Việc thoát khỏi cấu trúc đoàn thể này sẽ thay đổi cuộc chơi", cô nói.

Staci Kay ủng hộ việc quay lại "kiểu cũ", đó là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu trực tiếp, trong đó bệnh nhân trả một khoản phí hàng tháng hoặc hàng năm để được tiếp cận với nhà cung cấp dịch vụ y tế mà không có sự can thiệp của một công ty bảo hiểm truyền thống đòi hỏi "quá nhiều thủ tục phức tạp, nhiều yêu cầu, nhiều cơn nhức đầu".

Cô chỉ ra một mô hình y tế tên là GoldCare, được thiết kế bởi Bác sĩ Simone Gold người sáng lập tổ chức America's Frontline Doctors (Các bác sĩ Tiền tuyến của Mỹ).

BS. Gold người đã bị kết án hai tháng tù vì bị cáo buộc liên quan đến vụ xâm nhập Tòa Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 đã thành lập GoldCare như một hiệp hội thành viên tư nhân (PMA).

Bởi vì phần lớn những gì các công ty bảo hiểm làm là xoay quanh các vụ kiện tiềm tàng, để trở thành thành viên của hiệp hội thành viên tư nhân này, người ta phải ký một điều khoản đồng ý sẽ không kiện tụng.

"Điều đó có ích cho chúng ta là vì, chúng ta không phải yêu cầu [bệnh nhân] làm xét nghiệm hoặc yêu cầu thăm khám không cần thiết chỉ để tránh cho bản thân gặp hậu quả xấu, bởi vì đó là hầu hết những gì mà y tế đoàn thể làm", cô nói.

Kết quả là, Staci Kay cho biết, cả bệnh nhân và bác sĩ đều vui vẻ hơn vì quá trình điều trị không bị đè nặng bởi các yêu cầu cồng kềnh của bảo hiểm.

Đối với Staci Kay, mô hình này — gợi nhớ về thời mà chăm sóc y tế còn đơn giản hơn, khi các bác sĩ còn kết nối nhiều hơn với bệnh nhân của mình — chính là chìa khóa.

"Kiểu cũ sẽ phải trở thành kiểu mới", cô nói.

CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) và NIH (Viện Y tế Quốc gia) đã không trả lời đề nghị bình luận từ tờ Epoch Times về các phác đồ điều trị điều trị COVID-19.

Tẩy chay hệ thống

Một y tá muốn giấu tên sống tại bang Washington, từng nhận phí chữa bệnh là cá hồi, trứng, và mật ong, đã chia sẻ tầm nhìn giống Staci Kay về tương lai của ngành y.

Bà nói với tờ Epoch Times rằng mọi người "cần tẩy chay bảo hiểm y tế của họ".

"Tôi nghĩ những người không cần đến phẫu thuật để cứu mạng thì không nên đến bệnh viện", người y tá cho biết. "Tôi nghĩ mọi người cần tìm bác sĩ tư nhân và chỉ trả tiền cho những gì họ cần làm".

Chính phủ liên bang phải bị loại ra khỏi phương trình y tế, bà cho biết thêm.

"Tôi đặc biệt không nghĩ rằng có bất kỳ đứa trẻ nào nên đến khám những bác sĩ này những người đang nhận tài trợ từ tiểu bang hoặc nhận các khoản bồi hoàn từ [chương trình bảo hiểm y tế quốc gia] Medicare, và [chương trình chính phủ giúp trả chi phí y tế] Medicaid", người y tá cho biết.

Bà cho biết mình yêu cầu được giấu tên vì ngoài việc chưa tiêm chủng COVID, thì ở tiểu bang Washington và Oregon, chính quyền đã tạo điều kiện cho công chúng gửi khiếu nại nặc danh, "không bằng chứng", chống lại các nhân viên y tế quảng bá các phương pháp điều trị khác các phác đồ điều trị chính thức.

Sau khi bà bị sa thải vì không tuân thủ lệnh bắt buộc tiêm vaccine, bà đã bắt đầu kinh doanh dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân của riêng mình, cung cấp các kháng thể đơn dòng, truyền L-lysine và vitamin C, liệu pháp ánh sáng hồng ngoại, và máy khí dung để điều trị khi cần thiết và khi được chỉ định.

'Ngăn chặn dữ liệu trên diện rộng'

Với công việc mới của mình, người y tá này đã thực hiện các biện pháp can thiệp ban đầu mà bà cho rằng các bệnh viện nên làm, "nhưng từ chối thực hiện vì họ nói rằng không có bằng chứng cho việc đó".

Bà cho biết mình đang làm việc với một mạng lưới các bác sĩ và các nhà cung cấp ngày càng tăng, hoạt động như một "xã hội song song toàn diện" tồn tại trong bóng tối bên cạnh hệ thống y tế "méo mó".

Sau chiến dịch tiêm chủng hàng loạt trong cộng đồng của mình, người y tá cho biết đã thấy sự gia tăng các ca đột quỵ và tắc mạch. Trong lúc ấy, các bác sĩ thì tham gia vào việc "ngăn chặn dữ liệu trên diện rộng", chẳng hạn như không báo cáo lên Hệ thống Báo cáo Tác dụng phụ Có hại của Vaccine (VAERS) những gì mà người y tá này coi là thương tật và tử vong do vaccine. Các bác sĩ cũng ghi nhận các ca tử vong không do COVID là tử vong do COVID, theo bà cho biết.

Thậm chí từ trước khi CDC sửa đổi định nghĩa về người chưa tiêm chủng COVID, thì hệ thống bệnh viện đã phân loại lại những bệnh nhân chỉ tiêm 1 mũi vaccine COVID thành người chưa tiêm chủng COVID, người y tá cho biết.

Bà nói: "Điều tồi tệ nhất của việc này là khi các bác sĩ chuyên khoa phổi quyết định rằng, những bệnh nhân chưa tiêm chủng [COVID] sẽ thở máy trong 7 ngày, sau đó họ sẽ nói với gia đình rằng không thể làm gì được nữa", bà nói. "Sau đó, họ sẽ cho những bệnh nhân này ngưng thở máy để chờ chết (terminally extubate) ngay cả khi có thể làm được nhiều hơn thế".

Người y tá cho biết đích thân bà đã chứng kiến ​​điều này xảy ra với một bà mẹ trẻ 33 tuổi có 2 con.

"Cô ấy đã dùng ivermectin ở nhà và bị xem là một người theo thuyết âm mưu chống tiêm chủng", người y tá cho biết.

Trước khi người mẹ bị ngưng thở máy để chờ chết và chuyển sang trạng thái "chăm sóc cuối đời", người y tá cho biết mình đã tranh luận với các quản lý bệnh viện trong 12 tiếng.

Bà đã đề nghị bác sĩ phổi cân nhắc chạy thêm các xét nghiệm, bà nói.

"Đã hơn một tuần kể từ xét nghiệm D-dimer cuối cùng, và xét nghiệm này [nếu làm lúc ấy thì đã] có thể cho thấy liệu fibrin trong máu đang tăng hay giảm", người y tá giải thích. "Quy trình thông thường với một ca thuyên tắc động mạch phổi là xét nghiệm ba ngày một lần. Có nhiều loại thuốc chống đông máu và nhiều cách dùng lẽ ra đã có thể được áp dụng. Heparin tiêm tĩnh mạch có thể xoay chuyển được. Nếu họ đã sẵn sàng rút biện pháp hỗ trợ sự sống, tại sao họ không sẵn sàng thử một cái gì đó mà có thể chữa được chứng suy tuần hoàn?"

Cuối cùng, bệnh viện đã thắng, bà nói.

"Người mẹ chết thở hổn hển trong lúc tay tôi còn đặt trên lưng cô ấy", người y tá nói. "Tôi không thể tin nổi. Tôi đến gặp quản lý của mình, và yêu cầu kiểm tra việc chúng tôi làm xét nghiệm thời gian đông máu và kiểm tra phác đồ điều trị thuyên tắc động mạch phổi của chúng tôi. Điều đó đã khiến tôi bị đá ra khỏi khoa chăm sóc đặc biệt cho đến khi tôi bị sa thải".

Người y tá cho biết đã quan sát thấy các quản lý bệnh viện liên tục quảng cáo về tính an toàn của vaccine, mặc dù những tuyên bố này không phản ánh những gì họ đang thấy với các ca thương tật do vaccine ngày càng tăng.

Có một số nhân viên đã nhìn thấy sự thật nhưng phớt lờ nó để giữ được công việc của họ, nhưng cũng có nhiều người mà bà quan sát thấy — đúng như Staci Kay đã nói — có biểu hiện "bất hòa nhận thức nhiều đến kinh ngạc".

"Họ đã tiêm vaccine, và nếu họ phải đối mặt với khả năng là mình đã tự nguyện trở thành tay sai của một chương trình nghị sự thực sự xấu xa, tôi không nghĩ rằng họ có thể chấp nhận nổi chính bản thân mình", người y tá nói. "Tôi đã từng coi đồng nghiệp là những người tôi có thể tin tưởng với cả mạng sống của mình, nhưng sau khi họ tiêm liều vaccine thứ hai, giống như họ có một tâm trí bầy đàn tràn đầy hận thù. Thật lạ lùng và đáng sợ khi nói điều đó ra thành tiếng".

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:

Báo động tình trạng ngăn chặn thông tin tác dụng phụ có hại của vaccine COVID-19



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Y tá mô tả phác đồ điều trị COVID-19 'tàn nhẫn' của bệnh viện