Nạn phân biệt đối xử người chưa tiêm chủng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Ba Lan, thời Đức Quốc xã chiếm đóng, có các áp phích tiêm vào đầu người dân lý thuyết rằng "Người Do Thái là Chấy rận: Chúng gây ra bệnh sốt phát ban". Tại nhiều nơi trên thế giới hiện nay, nhiều chính trị gia đang nói rằng, đại dịch vẫn tiếp diễn là do những người “chưa tiêm chủng”, dù khoa học đã chứng minh rằng, người đã tiêm chủng hay chưa tiêm chủng đều có thể truyền và nhiễm SARS-CoV-2.

Là một giáo sư Lịch sử, công việc của tôi là xây dựng nền tảng cho các sinh viên để các em trở thành giáo viên Lịch sử ở bậc trung học phổ thông. Có một môn học mà trên lớp, các giáo viên Sử tương lai phải tự chuẩn bị và thực hiện các bài giảng mô phỏng thực tế. Các bạn khác trong lớp sẽ đóng vai học sinh trung học, còn tôi thì quan sát và đưa ra ý kiến sau những giờ thực hành này. Không biết là trùng hợp ngẫu nhiên hay là phản ánh thực tế tình hình thời đại, mà trong học kỳ này, có rất nhiều bài giảng mô phỏng đã chọn nói về sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị. Trong một bài giảng mô phỏng vô cùng hay, một giáo viên Sử tương lai đã cho học sinh của mình xem xét các bối cảnh làm nảy sinh chủ nghĩa toàn trị. Kèm theo đó, thầy giáo trẻ này còn dẫn ra một đoạn trích từ một quyển sách giáo khoa lịch sử thế giới, có liệt kê các đặc điểm của chủ nghĩa toàn trị.

Bài giảng này đã đánh trúng trọng tâm mục đích thực sự của việc đưa chủ nghĩa toàn trị vào chương trình giảng dạy ở bậc trung học. Mục đích đó không phải để tôn vinh những người như Hitler, Stalin, hay Mussolini. Mục đích đó cũng không phải là đưa cho học sinh một cẩm nang hướng dẫn các phương pháp của chủ nghĩa toàn trị, để từ đó các em có thể tuân theo. Đúng hơn là, mục đích của việc giảng dạy về chủ nghĩa toàn trị là để đưa ra một lời cảnh báo: hãy chú ý đến những điều kiện sinh ra chủ nghĩa toàn trị, để các em có thể nhận ra chúng và tránh khỏi chúng. Khi quan sát bài giảng của anh chàng giáo viên Sử tương lai này, tôi không thể không nghĩ về mục đích chân chính đó trong bối cảnh hiện tại của chúng ta.

Trong quyển sách giáo khoa mà bài giảng mô phỏng trên đã sử dụng, có một đoạn trích làm tôi quan ngại nhất: “Các nhà độc tài thường tạo ra ‘kẻ thù của nhà nước’ để đổ lỗi cho các vấn đề. Thường thì những kẻ thù này là thành viên của các nhóm tôn giáo hoặc nhóm sắc tộc. Thường thì những nhóm này dễ bị nhận dạng, và là đối tượng của các chiến dịch khủng bố và bạo lực. Họ có thể bị buộc phải sống trong một số khu vực nhất định, hoặc phải tuân theo các quy tắc chỉ áp dụng cho họ” (trang 876).

Việc tạo ra kẻ thù của nhà nước đòi hỏi quá trình biến họ thành nhóm bị gạt ra và bị kỳ thị: đây là quá trình gạt một nhóm người ra ngoài lề xã hội như thể họ là một thứ gì đó khác biệt, thấp kém hơn, và không cùng một hội với xã hội; điều này biến nhóm này trở nên vô nhân tính trong mắt xã hội. Những nhóm người bị kỳ thị như vậy dễ dàng trở thành vật tế thần. Họ phải chịu trách nhiệm một cách bất công cho những gì không hay trong xã hội.

Lịch sử đã cho chúng ta rất nhiều ví dụ về việc gạt một nhóm người ra ngoài lề xã hội, biến họ thành đối tượng bị kỳ thị. Người Hy Lạp cổ đại đã dựa vào ngôn ngữ mà người ta sử dụng, để gắn mác “man rợ” cho những người không nói tiếng Hy Lạp. Ở Mỹ, chế độ nô lệ và phân biệt đối xử từng được duy trì dựa trên màu da. Tại Đức Quốc xã, Hitler đã dựa vào tôn giáo, coi người Do Thái là kẻ thù của nhà nước.

Việc biến một nhóm người thành đối tượng bị kỳ thị thường đánh vào định kiến ​​và nỗi sợ hãi của người dân. Ví dụ như, ở Mỹ, đàn ông da đen vẫn hay bị coi là "côn đồ", do nỗi sợ hãi bạo lực và tội phạm. Lấy một ví dụ khác, các quan chức y tế công cộng ở Ba Lan thời Đức Quốc xã chiếm đóng đã đánh vào nỗi sợ hãi bệnh tật của con người. Các áp phích tuyên truyền đã tiêm vào đầu người dân rằng "Người Do Thái là Chấy rận: Chúng gây ra bệnh sốt phát ban".

Hiện nay, một số chính trị gia đang biến những người “chưa tiêm chủng” thành đối tượng bị kỳ thị. Các chính trị gia này cố gắng đem những người “chưa tiêm chủng” ra làm vật tế thần, và gắng sức loại trừ nhóm thiểu số ấy, mặc dù họ thừa biết rằng người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng đều có thể nhiễm và lây lan SARS-CoV-2 cả.

Sau đây, tôi sẽ đưa ra lời nói của ba chính trị gia, để làm ví dụ cho thể loại ngôn ngữ dùng để biến một nhóm người thành đối tượng bị kỳ thị. Tôi cũng khuyến khích các bạn hãy xem lời nói của họ trong toàn ngữ cảnh.

09/09/2021, tại Mỹ, cuộc họp báo của Tổng thống Joe Biden đã công bố các lệnh bắt buộc tiêm chủng trên diện rộng. Ông Biden tỏ thái độ rằng "nhiều người trong chúng ta đang phát bực" với những người chưa tiêm chủng. Ông đổ lỗi cho họ, nói rằng vì họ mà đại dịch vẫn tiếp diễn. Ông Biden tuyên bố rằng “đại dịch của những người chưa tiêm chủng” này là “do… gần 80 triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng”. Ông đổ lỗi cho “một nhóm thiểu số đặc biệt người Mỹ” vì đã “ngăn cản chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn”. Và ông cũng hứa "Chúng ta không thể cho phép những hành vi này cản trở việc bảo vệ phần lớn những người dân Mỹ đã hoàn thành vai trò của mình và muốn trở lại cuộc sống bình thường".

17/09/2021, tại Canada, trong cuộc phỏng vấn trên chương trình trò chuyện La semaine des 4 Julie của Quebec, Thủ tướng Justin Trudeau đã gắn mác những người phản đối tiêm chủng COVID-19 là “những người kỳ thị nữ giới” và “những kẻ phân biệt chủng tộc”. Sau đó, ông tuyên bố rằng Canada cần phải đưa ra lựa chọn: "Chúng ta có dung thứ cho những người này không?"

04/01/2022, tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã có một cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Macron đã xếp những người chưa tiêm chủng vào loại không phải công dân. Ông nói rằng, những "dối trá và sự ngu dốt" của họ là "kẻ thù tồi tệ nhất" của nền dân chủ. Ông tuyên bố "Tôi thực sự muốn chọc giận [những người chưa tiêm chủng]". Ông Macron cho rằng, những người chưa tiêm chủng này chỉ là "một nhóm thiểu số rất nhỏ đang kháng cự", và đặt một câu hỏi ớn lạnh: "Làm thế nào để chúng ta giảm thiểu nhóm thiểu số đó?".

Trong những màn trao đổi trên truyền thông này, ông Biden, ông Trudeau, và ông Macron đã sử dụng rất nhiều phương pháp chuyên dùng để gạt một nhóm người ra ngoài lề xã hội.

    1. Các ông này đã tạo ra một nhóm đa số cùng chung lợi ích, bằng cách sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều (chúng ta), và tạo ra một nhóm thiểu số bị gạt ra ngoài, bằng cách sử dụng ngôi thứ ba số nhiều (họ).
    2. Bộ ba lãnh đạo chính phủ này đã đổ lỗi rằng, các chính sách ứng phó với đại dịch của chính phủ không thành công vì nhóm người bị gạt ra lề đó (“ngăn cản chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn”).
    3. Ba ông này đã dùng những từ ngữ để ra hiệu với nhóm người cùng chung lợi ích rằng, họ nên tức giận với nhóm người bị gạt ra ngoài lề kia (“nhiều người trong chúng ta đang phát bực”, “Tôi thực sự muốn chọc giận họ”).
    4. Ông Trudeau và ông Macron đặc biệt sử dụng những cái mác làm giảm giá trị của nhóm người bị gạt ra lề: những người kỳ thị nữ giới, phân biệt chủng tộc, kẻ thù, không phải công dân.
    5. Đáng lo ngại nhất là, ông Macron và ông Trudeau đã nhắc đến việc loại bỏ nhóm người bị gạt ra lề này (“Chúng ta có dung thứ cho những người này không?”, và “Làm thế nào để chúng ta giảm thiểu nhóm thiểu số đó?”).

Hy vọng của tôi là, tất cả những lời nói ấy sẽ chỉ là những lời hùng biện chính trị bị người ta lờ đi mà thôi — chúng sẽ chỉ là những câu chém gió sáo rỗng mà các chính trị gia này dùng với hy vọng sẽ ghi được thêm vài điểm trong mắt cử tri. Tôi e rằng sẽ không chỉ là thế. Dù sao đi nữa, thể loại ngôn ngữ nguy hiểm chuyên dùng để gạt người dân ra lề xã hội này phải được nhìn nhận và phải bị lên án.

Các nhà sử học chuyên nghiên cứu quan hệ nhân quả: bối cảnh, điều kiện, sự kiện, và kết quả của chúng. Chúng tôi đã xem xét các điều kiện dẫn đến chế độ chiếm hữu nô lệ, trại cải tạo lao động của Liên Xô, nạn diệt chủng người Do Thái, luật Jim Crow (luật thi hành phân biệt chủng tộc tại Mỹ), nạn diệt chủng người Tutsi ở Rwanda. Tôi viết bài này không phải là vì tôi đang cố gắng đánh đồng các chính sách ứng phó với đại dịch hiện tại với những thảm kịch trong quá khứ.

Đúng hơn là, tôi viết bài này vì tôi muốn dấy lên hồi chuông cảnh báo. Chúng ta đã thấy những điều kiện này trong quá khứ, và chúng ta đã thấy chúng dẫn đến kết quả gì. Chúng ta phải quay đầu lại ngay lập tức con đường này đang dẫn chúng ta đến bóng tối.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận Jared McBrady là Phó Giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Bang New York tại Cortland.

Cao Dương

Theo Brownstone Institute



BÀI CHỌN LỌC

Nạn phân biệt đối xử người chưa tiêm chủng