New Zealand cáo buộc trưng cầu dân ý của Nga là 'giả mạo'

Giúp NTDVN sửa lỗi

New Zealand cùng các đồng minh phương Tây đã cáo buộc các cuộc trưng cầu dân ý của Nga là giả mạo, bất hợp pháp và không tuân theo các nguyên tắc dân chủ.

“Cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý này không tự do hay công bằng, và rõ ràng là chúng không được tổ chức theo các nguyên tắc dân chủ”, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta nói.

Các nguồn tin của Nga cho hay, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson cho thấy sự ủng hộ đáng kể đối với việc tách rời Ukraine và gia nhập Nga.

Bốn vùng lãnh thổ này rộng 90.000 km2, chiếm 15% diện tích Ukraine với dân số ước tính khoảng 4 triệu người. Bốn khu vực này tạo thành một liên kết trọng yếu đối với Điện Kremlin, nối Nga và bán đảo Crimea, nơi được Moscow sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 và chỉ được kết nối với đất liền bằng một cây cầu.

Tuy nhiên, bà Mahuta cho biết, các cuộc trưng cầu dân ý này được tổ chức một cách vội vàng "dưới sự đe dọa của vũ lực". Bà cũng kêu gọi Nga ngay lập tức ngừng xâm lược Ukraine và quay trở lại bàn đàm phán ngoại giao để giải quyết xung đột.

Bà nói: “New Zealand sẽ đoàn kết với Ukraine để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ".

“Cuộc chiến này đã gây ra những đau thương to lớn cho Ukraine và khiến hàng triệu thường dân nước này phải di tản".

Ngoại trưởng Mahuta khẳng định, New Zealand sẽ kiên quyết chống lại sự leo thang của cuộc xâm lược của Nga, bao gồm cả lệnh động viên một phần của nước này, cũng như lời biện minh của Moscow rằng họ phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" để giải phóng Ukraine.

Ảnh của Epoch Times
Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta phát biểu trong cuộc họp báo tại Wellington, New Zealand, vào ngày 02/11/2020. (Ảnh: Hagen Hopkins/Getty Images)

Phương Tây cáo buộc các cuộc trưng cầu dân ý của Nga là 'bất hợp pháp'

Hầu hết các quốc gia phương Tây đều đồng thuận rằng, các cuộc trưng cầu dân ý của Nga ở bốn khu vực thuộc Ukraine là 'bất hợp pháp'.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre gọi các cuộc trưng cầu dân ý là “bất hợp pháp và thái quá”, đồng thời nói thêm rằng Mỹ sẽ “không bao giờ” công nhận các nỗ lực thôn tính lãnh thổ của Nga ở Ukraine.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Nga cũng như các cá nhân và thực thể bên trong và bên ngoài nước Nga ủng hộ hành động này".

Bà nói, Mỹ sẽ tập hợp những phản đối về nỗ lực thôn tính của Nga trên quy mô toàn cầu, bao gồm cả ở Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, ông đã hứa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng Canada sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo các quốc gia khác không công nhận "các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo".

Ông Trudeau tuyên bố sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga, nhưng từ chối nêu thông tin chi tiết.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết trong một bài đăng trên Twitter trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý rằng, "Nga tiếp tục lên kế hoạch trưng cầu dân ý giả mạo tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine. Điều này là bất hợp pháp và không hợp lệ. Chúng sẽ không đặt ra cơ sở hợp pháp cho bất kỳ mục đích giành lãnh thổ Ukraine nào của Nga và nỗ lực này sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận".

Ông Zelenskyy đã cảm ơn các nhà lãnh đạo phương Tây vì đã tố cáo các cuộc trưng cầu dân ý là giả mạo.

“Cảm ơn tất cả các bạn vì sự ủng hộ rõ ràng và dứt khoát. Cảm ơn tất cả các bạn vì đã hiểu rõ vị thế của chúng tôi”, ông nói trong một video phát biểu vào đêm muộn vào ngày 28/9, theo nguồn tin từ tờ Reuters.

"Ukraine không thể và sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chiếm bất kỳ phần lãnh thổ nào của chúng tôi".

Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak cũng chỉ ra rằng, những người Ukraine tham gia cuộc trưng cầu dân ý sẽ phải đối mặt với cáo buộc phản quốc và ít nhất 5 năm tù giam.

Trước đó, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố, Châu Âu đang tiến hành một gói trừng phạt thứ tám nhằm "khiến Điện Kremlin phải trả giá" vì làm leo thang xung đột ở Ukraine.

Bà với các phóng viên tại Brussels ở Bỉ rằng: “Chúng tôi không chấp nhận cuộc trưng cầu dân ý giả mạo cũng như bất kỳ hình thức thôn tính nào ở Ukraine, và chúng tôi quyết tâm khiến Điện Kremlin phải trả giá cho sự leo thang hơn nữa”.

Bà Von der Leyen cho biết, lệnh cấm nhập khẩu mới sẽ thổi bay 7 tỷ euro (6,7 tỷ USD) doanh thu của Nga. EU cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng bị cấm xuất khẩu "nhằm tước đoạt các công nghệ chủ chốt của cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin".

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

New Zealand cáo buộc trưng cầu dân ý của Nga là 'giả mạo'