Nga ép phương Tây bảo đảm trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu, Nga yêu cầu NATO hủy bỏ cam kết về tư cách thành viên năm 2008 với Ukraine và Gruzia và nói rằng liên minh NATO cần hứa không triển khai vũ khí ở các quốc gia giáp biên giới với Nga vì nó có thể đe dọa an ninh của nước này.

Các yêu cầu đã được Bộ Ngoại giao Nga nêu ra trong một tuyên bố đầy đủ nhất về các đảm bảo an ninh mà Tổng thống Vladimir Putin nói rằng ông muốn có được từ Hoa Kỳ và khối đồng minh.

Nga cũng đưa ra các đề xuất về việc thiết lập đối thoại quốc phòng thường xuyên và tránh các cuộc đối đầu gần giữa máy bay quân sự và tàu chiến của hai nước. Nga cho biết, đề xuất của Moscow tạo cơ sở cho cuộc thảo luận với Washington sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ trong tuần này giữa ông Putin và Tổng thống Biden.

Yêu cầu về một quyền phủ quyết hiệu quả của Nga đối với tư cách thành viên NATO đối của Ukraine, điểm nóng bất ổn nhất trong quan hệ Đông-Tây, là điều mà Washington và Kyiv đã loại trừ một cách triệt để.

Theo AP, trong cuộc gọi điện video với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hối thúc phương Tây đưa ra những đảm bảo ngăn NATO mở rộng sang Ukraine hoặc triển khai quân đội và vũ khí ở đó.

Mặc dù thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu ngày 10/12 rằng, mong đợi NATO sớm đưa ra những đảm bảo an ninh đó là thật "ngây thơ”, nhưng Moscow vẫn khẳng định ​​những điều đó phải được NATO thực hiện.

“Nếu các đối thủ của chúng ta ở phía bên kia - trước hết là Mỹ, mà còn các nước khác, các đồng minh, cái gọi là đồng minh của Mỹ - từ chối, cố gắng ném ngư lôi vào toàn bộ sự việc, họ chắc chắn sẽ gặp phải tình trạng tồi tệ hơn nữa về an ninh”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói.

Căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây đã trượt dốc sâu hơn trong những tuần gần đây do một lực lượng quân đội Nga tăng cường gần biên giới với Ukraine làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược có thể xảy ra. Các quan chức Nga đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch tấn công Ukraine và lần lượt đổ lỗi cho Kyiv, cáo buộc Kyiv gây hấn trước.

Ukraine không phải là thành viên NATO nhưng có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ liên minh quân sự. Ông Ryabkov cho biết hôm thứ Sáu rằng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang tiến đến "gần nhất có thể" với Nga "bất chấp những cảnh báo".

Ông Ryabkov kêu gọi NATO “xem xét nghiêm túc” đề xuất của Nga về việc tạm hoãn triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu, đồng thời cho biết Moscow coi việc triển khai như vậy là “con đường trực tiếp để đẩy nhanh cuộc đối đầu”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói tiếp: “Trước khi quá muộn, chúng ta cần tránh một cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu.

Sau cuộc gọi với ông Putin, ông Biden đã công bố kế hoạch cuộc đàm phán trong tương lai giữa Mỹ, các đồng minh hàng đầu của NATO và Nga để giải quyết một số lo ngại về an ninh của Moscow.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định quan điểm của NATO về vấn đề này và nhấn mạnh rằng lập trường của liên minh vẫn không thay đổi, Reuters đưa tin.

Nguyên Hương

 



BÀI CHỌN LỌC

Nga ép phương Tây bảo đảm trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Ukraine