Nga nêu điều kiện tiếp tục Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga sẽ không tiếp tục tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (New START) với Mỹ trừ khi Washington lắng nghe quan điểm của Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 27/2.

Theo hãng tin Reuters, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời trên nhật báo Izvestia ngày 27/2 rằng "thái độ của tập thể phương Tây", dẫn đầu là Mỹ, cần phải thay đổi đối với Nga.

"An ninh của một quốc gia không thể được đảm bảo bầng việc đánh đổi an ninh của một quốc gia khác", ông Peskov bình luận.

Ông Peskov cho rằng việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vũ trang cho Ukraine cho thấy "NATO đã hành động tập thể trong tư cách một khối duy nhất. Do đó, khối này không còn là đối thủ có điều kiện của Nga, mà là kẻ thù".

Trước đó, trong thông điệp liên bang ngày 21/2 trước Quốc hội Liên bang Nga, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẽ tạm ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Mỹ, cáo buộc phương Tây có liên quan trực tiếp đến nỗ lực tấn công các căn cứ không quân chiến lược của nước này.

"Hôm nay, tôi buộc phải thông báo rằng Nga sẽ ngừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới. Nhưng tôi xin nhắc lại, Nga không rút khỏi hiệp ước, mà chỉ đơn thuần là ngừng tham gia”, ông Putin tuyên bố trong một bài phát biểu gần một năm sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine.

Hiệp ước New START ban đầu được ký kết bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ở Praha (CH Czech) năm 2010 và có hiệu lực từ 2011. Hiệp ước nhằm cắt giảm một nửa số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược được triển khai trên khắp thế giới.

Theo đó, hiệp ước này sẽ hạn chế kho vũ khí của Nga và Mỹ ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002.

Đầu năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026 - ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Cho đến nay, Nga và Mỹ cho phép các bên được thực hiện dưới 20 lần thanh sát mỗi năm trong khuôn khổ New START.

Mỹ và Nga được cho là kiểm soát khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân hiện có trên thế giới.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí có trụ sở tại Washington, kho vũ khí của Nga bao gồm khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ hiện sở hữu khoảng 5.550 đầu đạn.

Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thay mặt liên minh bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Nga và kêu gọi Moscow xem xét lại quyết định này.

“Tôi mạnh mẽ khuyến khích Nga xem xét lại quyết định của mình và tôn trọng các thỏa thuận hiện có”, ông Stoltenberg nói với báo giới hôm 21/2.

Hiện Mỹ chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của phía Nga đưa ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 22/2/2023. (Ảnh: Anton Novoderezhkin/Sputnik/AFP/Getty Images)

Phản ứng của Điện Kremlin đối với kế hoạch hòa bình Ukraine của Trung Quốc

Điện Kremlin đã phản ứng một cách “thờ ơ” trước kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Trung Quốc đã tuyên bố liên minh "không giới hạn" với Nga ngay trước khi Nga đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine một năm trước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/2 công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine trong ngày đánh dấu 1 năm chiến sự. Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bảo vệ nhà máy hạt nhân và ngưng các biện pháp trừng phạt.

Đáp lại, phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong bài phát biểu được công bố hôm thứ Hai (27/2) rằng, Điện Kremlin đang rất chú ý đến kế hoạch của Trung Quốc về một giải pháp hòa bình ở Ukraine và các chi tiết của kế hoạch này phải được phân tích kỹ lưỡng, theo hãng tin TASS.

Ông nói: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo ra một kế hoạch có thể đưa cuộc xung đột vào con đường hòa bình đều đáng được quan tâm. Chúng tôi dành rất nhiều quan tâm đến kế hoạch của những người bạn Trung Quốc”.

"Tất nhiên, cần phân tích kỹ mọi chi tiết trong đề xuất và tính đến lợi ích của các bên. Đây là một quá trình rất dài và căng thẳng", ông Peskov nhấn mạnh.

"Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng hiện tại chúng tôi chưa thấy những điều kiện cần thiết để thực thi kế hoạch này và tìm giải pháp hòa bình vào thời điểm này. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục. Chúng tôi đang hướng tới việc đạt được các mục tiêu đã đề ra", ông Peskov cho hay.

Đề xuất của Trung Quốc gồm 12 điểm sau:

  1. Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia;
  2. Từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh;
  3. Ngừng các hành động thù địch;
  4. Nối lại hòa đàm;
  5. Giải quyết khủng hoảng nhân đạo;
  6. Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh;
  7. Duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân;
  8. Giảm các rủi ro chiến lược;
  9. Tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc;
  10. Ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương;
  11. Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp;
  12. Thúc đẩy tái thiết hậu xung đột.

Trong tài liệu được công bố, Trung Quốc mô tả đối thoại và đàm phán là phương án khả thi duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời kêu gọi tất cả các bên cần hỗ trợ Nga và Ukraine hợp tác cùng chí hướng, cũng như sớm nối lại đối thoại trực tiếp. Đề xuất này cũng nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện và cung cấp nền tảng cho việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine "sẽ làm việc với Trung Quốc" nếu nước này thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ. Tổng thống Ukraine cũng nói rằng ông muốn tổ chức một cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phản ứng về kế hoạch hoà bình của Trung Quốc, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Bắc Kinh thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hoà bình. “Trung Quốc không có nhiều uy tín vì họ không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine".

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nga nêu điều kiện tiếp tục Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân