Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt sau khi Nga công nhận các vùng ly khai ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (21/02), Nhà Trắng đã công bố các biện pháp trừng phạt để đáp lại hành động công nhận chủ quyền độc lập của hai khu vực ở miền Đông Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Hai (21/02), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thách thức tính chính thống của quốc gia Ukraine, nói rằng đất nước này được thành lập bởi nhà nước cộng sản Nga Bolshevik sau cuộc cách mạng năm 1917.

Ngay sau đó, ông tiếp tục nói rằng ông sẽ “công nhận nền độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR)” — hai khu vực ở vùng Donbas của Ukraine do các nhóm ly khai được Nga hậu thuẫn nắm giữ.

“Tôi yêu cầu Quốc hội Liên bang Nga ủng hộ quyết định này, và sau đó phê chuẩn các hiệp ước hữu nghị và tương trợ với mỗi nước cộng hòa này. Hai văn kiện này sẽ được chuẩn bị và ký kết trong thời gian rất gần", ông Putin nói. “Và chúng tôi yêu cầu những người đã chiếm và nắm giữ quyền lực ở Kyiv lập tức chấm dứt các hành động thù địch".

Ngay sau khi đọc diễn văn, ông Putin đã ký sắc lệnh cho phép quân đội tiến vào hai khu vực ly khai này.

Nga tiếp tục duy trì hơn 150,000 quân dọc theo biên giới với Ukraine và nước láng giềng Belarus. Hiện vẫn chưa rõ về tình trạng, quy mô, và phạm vi của bất kỳ đợt điều động binh lính nào của Nga vào các khu vực tranh chấp này.

Hoa Kỳ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc

Hoa Kỳ đã đáp lại bài diễn văn của ông Putin bằng một tuyên bố của Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki cho biết hành động của ông Putin đã được “lường trước”, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt ngay lập tức đối với hai vùng nói trên thông qua một sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden.

Tuyên bố cho biết sắc lệnh của Tổng thống Biden sẽ “cấm các hoạt động đầu tư, thương mại, và tài chính mới của công dân Hoa Kỳ có đích đến là, nhận được từ, hoặc ở bên trong cái gọi là các khu vực DNR và LNR của Ukraine. Sắc lệnh này cũng sẽ cung cấp thẩm quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào được xác định hoạt động trong các khu vực đó của Ukraine".

Bà Psaki nói thêm rằng, các biện pháp bổ sung sắp được đưa ra để giải quyết “sự vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế của Nga” đến từ ông Putin.

Bà cũng nói rõ các bước mà Hoa Kỳ thực hiện hôm thứ Hai là khác với gói trừng phạt được đề xướng chống lại Nga nếu nước này xâm lược Ukraine.

Các quan chức Hoa Kỳ đã phối hợp với các đồng minh Âu Châu để đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt “nghiêm khắc” nếu Nga tiến hành xâm lược. Các quan chức cho biết, các biện pháp này bao gồm các lệnh trừng phạt chống lại các hệ thống tài chính lớn của Nga, các cá nhân là thành viên trong vòng tròn nội bộ của ông Putin, và ngăn chặn dự án đường ống Nord Stream 2 từ Nga đến Đức.

Hoa Kỳ cho biết sẽ cam kết theo đuổi con đường ngoại giao với Nga. Nhà Trắng thông báo vào hôm Chủ Nhật (20/01) rằng, Tổng thống Biden đã đồng ý gặp ông Putin “về nguyên tắc” với điều kiện ông không xâm lược Ukraine. Không rõ liệu hành động của Nga hôm thứ Hai có làm thay đổi các cân nhắc về ngoại giao hay các kế hoạch của Hoa Kỳ cho một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hay không.

Nga đã chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và khu vực Donbas kể từ đó đã chứng kiến ​​bạo lực giữa chính phủ Ukraine và các nhóm ly khai cướp đi sinh mạng của hơn 14,000 người.

Ukraine: 'Những hành động này của Nga là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ'

Ông Zelensky, trong một bài phát biểu trước quốc dân của tổng thống, đã chỉ trích việc Nga công nhận các khu vực đang đòi ly khai khỏi Ukraine là Luhansk và Donetsk.

Ông nói: “Ukraine chắc chắn coi những hành động này của Nga là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

"Tất cả trách nhiệm về tất cả các hậu quả liên quan đến quyết định nêu trên thuộc về giới lãnh đạo chính trị Nga. Việc công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở khu vực Luhansk và Donetsk có thể đồng nghĩa với việc Nga đơn phương rút khỏi các thỏa thuận Minsk".

“Với những quyết định của ngày hôm nay và có thể là ngày mai, Nga đang hợp pháp hóa quân đội của mình, trên thực tế đã có mặt ở các khu vực Donbas bị chiếm đóng từ năm 2014. Một quốc gia đã ủng hộ chiến tranh trong 8 năm không thể duy trì hòa bình”, ông Zelensky nói.

"Bây giờ hoàn toàn không có lý do gì cho những hành động thúc đẩy hỗn loạn. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để gìn giữ [cho hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ]. Chúng tôi gắn bó với con đường hòa bình và ngoại giao. Chúng tôi sẽ chỉ đi theo con đường này. Chúng tôi đang ở đất của chúng tôi, và chúng tôi đang không sợ bất cứ điều gì và bất cứ ai. Chúng tôi không nợ bất cứ ai. Chúng tôi sẽ không cho đi bất cứ thứ gì cho bất kỳ ai. Chúng tôi tự tin vào điều này”.

Việc Tổng thống Nga công nhận nền độc lập của hai nước cộng hoà tự xưng là Luhansk và Donetsk tại khu vực Donbass của Ukraine ngày hôm qua (21/2/2022), là việc làm có cùng cách thức và bước đi tương tự như Nga đã làm với Gruzia năm 2008.

Cách đây 15 năm khi Nga đã công nhận nền độc lập của nước Cộng hòa Nam Ossetia và Apkhazia, những vùng lãnh thổ trước đó thuộc Gruzia. Lý do Nga công nhận nền độc lập của khu vực ly khai này đơn giản cũng giống hệt như Ukraine bây giờ; Gruzia muốn gia nhập NATO. Tổng thống của Gruzia khi đó là Mikheil Saakashvili, vốn là chính trị gia trẻ, có xu hướng thân phương Tây, và tìm cách đưa Gruzia trở thành thành viên NATO.

Khi đó, chỉ bằng việc Nga công nhận nền độc lập của hai nước cộng hoà Nam Ossetia và Apkhazia, Nga lập tức làm vấn đề nội bộ của Gruzia rối loạn, quốc gia nhanh chóng suy yếu trong khi NATO và Mỹ không giúp được gì. Gruzia nhanh chóng mất 2 vùng lãnh thổ.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt sau khi Nga công nhận các vùng ly khai ở Ukraine