Thổ Nhĩ Kỳ bị pháo kích xuyên biên giới sau khi không kích căn cứ của người Kurd ở Syria, Iraq

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 3 người đã thiệt mạng vào ngày 21/11 trong một loạt vụ tấn công bằng súng cối ở tỉnh Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Syria.

Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ lỗi cho các cuộc tấn công xuyên biên giới là do Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), chi nhánh Syria của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu nói với các phóng viên ở Ankara rằng, nhiều quả đạn cối đã tấn công quận Karkamis, nằm ở phía đông nam của Gaziantep, khiến 3 cư dân địa phương thiệt mạng và một số người bị thương.

“Theo thông tin sơ bộ, ba công dân, bao gồm một trẻ em và một giáo viên, đã thiệt mạng”, ông Soylu cho biết, theo hãng thông tấn Anadolu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả các cuộc oanh tạc chết người “theo cách mạnh mẽ nhất có thể", ông nói.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Các phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria để tham gia cuộc tuần tra chung với quân đội Nga, ở vùng nông thôn của thị trấn Derbassiye thuộc tỉnh Hasakeh của Syria, trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 14/7/2021. (Ảnh: Delil Souleiman/AFP/Getty Images)

Phát biểu trên Twitter, Thống đốc Gaziantep Davut Gul cho biết, 5 quả đạn cối đã tấn công một khu dân cư gần biên giới Karkamis, giáp biên giới với Syria thuộc tỉnh miền đông nam Gaziantep.

Một ngày trước đó, 8 nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thương trong một vụ tấn công bằng súng cối xuyên biên giới ở tỉnh Kilis - giáp ranh với tỉnh Gaziantep ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, theo các quan chức Ankara.

PKK được thành lập vào cuối những năm 1970. Hiện có trụ sở tại Dãy núi Qandil phía bắc Iraq, nhóm này tuyên bố đang tìm cách thành lập một nhà nước độc lập của người Kurd trong khu vực.

Trong 40 năm qua, PKK đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào cả mục tiêu dân sự và quân sự ở bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) coi PKK là một nhóm khủng bố.

Mặc dù PKK có quan hệ mật thiết với YPG, YPG vẫn nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, nước sử dụng lực lượng này như một bức tường thành bề ngoài chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu vào YPG

Tuần trước, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công hàng chục căn cứ của YPG/PKK ở miền bắc Syria và miền bắc Iraq.

Các cuộc tấn công diễn ra nhằm đáp trả vụ đánh bom ngày 13/11 làm rung chuyển trung tâm thành phố Istanbul, khiến 6 người thiệt mạng và 81 người khác bị thương. Vụ tấn công xảy ra trên Đại lộ Istiklal nổi tiếng của Istanbul. Con phố đi bộ này thuộc quận Beyoglu của thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chật kín người mua sắm, khách du lịch và gia đình vào dịp cuối tuần.

Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng bắt giữ hàng chục nghi phạm, bao gồm cả nghi phạm đánh bom. Trong vòng vài giờ sau vụ bắt giữ, Bộ Nội vụ cáo buộc YPG/PKK đã lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công.

Theo ông Soylu, cuộc tấn công được chỉ đạo từ thành phố Kobani (còn được gọi là Ain al-Arab) có đa số người Kurd sinh sống. Kobani trải dài từ phía bắc Syria đến phía nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Soylu cũng cho biết, kẻ đánh bom bị cáo buộc đã đi qua thành phố Afrin phía bắc Syria khi đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một thông báo được đăng vào ngày hôm sau trên trang web của PKK, nhóm này phủ nhận có liên quan đến vụ đánh bom chết người.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Người thân thương tiếc một nạn nhân của vụ đánh bom tự sát năm 2016 khiến 36 người thiệt mạng ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 13/3/2016. Đáp lại, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các căn cứ của phiến quân người Kurd ở miền bắc Iraq. (Ảnh: Adem Altan/AFP/Getty Images)

Bất chấp sự phủ nhận nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng cách tấn công tổng cộng 81 căn cứ YPG/PKK ở miền bắc Syria và miền bắc Iraq trong suốt tuần qua, theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 21/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, các cuộc không kích đã "loại bỏ 12 nơi ẩn náu của bọn khủng bố" trong và xung quanh thành phố Kobani.

Phát biểu với các phóng viên trên đường trở về Thổ Nhĩ Kỳ từ Qatar, ông nói: “Chiến dịch chống khủng bố này sẽ tiếp tục, cả trên không và trên bộ”.

Kể từ năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ba cuộc tấn công lớn vào miền bắc Syria với mục tiêu là bảo vệ đường biên giới dài gần 1.000 km của nước này khỏi các cuộc tấn công của PKK và các nhánh của tổ chức này ở Syria.

Trong những tháng gần đây, ông Erdogan đã nhiều lần ám chỉ về kế hoạch tấn công lần thứ tư, viện dẫn các cuộc tấn công tăng cường nhằm vào các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ từ các khu vực do YPG kiểm soát ở miền bắc Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay trong cuộc hội đàm tại Điện Kremlin vào ngày 05/03/2020 ở Moscow, Nga. (Ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Đổ lỗi cho Moscow

Ông Erdogan cũng chỉ trích Nga vì đã "không" thực hiện những lời hứa trước đó nhằm đảm bảo việc rút các đơn vị YPG khỏi các khu vực gần biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo Nga, quốc gia có trách nhiệm quét sạch những kẻ khủng bố khỏi miền bắc Iraq và Syria theo thỏa thuận song phương năm 2019, nhưng Moscow đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình”, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Erdogan phát biểu hôm 21/11.

Ông nói rằng, đất nước ông sẽ không “im lặng trước chủ nghĩa khủng bố”, đồng thời nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động đơn phương chống lại YPG nếu Nga “không thực hiện điều đó”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động cuộc tấn công thứ ba vào miền bắc Syria, được gọi là “Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình” vào tháng 10/2019. Cuộc tấn công này nhằm thiết lập một “vùng đệm” rộng 20 dặm bên trong lãnh thổ Syria dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Vài ngày sau khi chiến dịch được triển khai, ông Erdogan đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi của Nga. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nga đã hứa với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng, quân đội Nga được triển khai ở Syria sẽ quét sạch khu vực biên giới của các đơn vị YPG.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố YPG đã rút toàn bộ lực lượng khỏi khu vực. Đồng thời, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra chung ở khu vực biên giới đầy rủi ro phía đông sông Euphrates.

Quân đội Nga đã được triển khai ở Syria kể từ năm 2015, khi Damascus chính thức yêu cầu Moscow giúp đỡ trong cuộc chiến chống phiến quân và các nhóm thánh chiến do nước ngoài hậu thuẫn.

Moscow đã không trả lời những lời chỉ trích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm báo chí đưa tin.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thổ Nhĩ Kỳ bị pháo kích xuyên biên giới sau khi không kích căn cứ của người Kurd ở Syria, Iraq