Thủ tướng Anh vạch kế hoạch 4 điểm hỗ trợ Ukraine chiến đấu lâu dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm Chủ Nhật (19/6) đã vạch ra kế hoạch 4 điểm để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến tranh lâu dài chống lại quân xâm lược Nga. Ông cũng cảnh báo về 'sự mệt mỏi của Ukraine', nói rằng điều đó rất quan trọng để chứng tỏ Vương quốc Anh sẽ đồng hành cùng Ukraine trong một chặng đường dài.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm Chủ nhật đã đề ra kế hoạch 4 điểm để hỗ trợ Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc chiến “có thể kéo dài nhiều năm”.

Trong khi đó, Tổng chỉ huy quân đội mới của Vương quốc Anh cảnh báo rằng, quân đội Anh phải chuẩn bị "chiến đấu ở châu Âu thêm một lần nữa".

Trong bài viết đăng trên tờ Sunday Times hôm 19/6, Thủ tướng Johnson đã lập luận rằng bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày sinh Nga Hoàng Peter Đại đế đã cho thấy ông Putin “sẽ không từ bỏ ý định chia cắt Ukraine” nếu Nga chiến thắng trong cuộc chiến tranh.

“Mới chỉ tuần trước, ông ta đã ví bản thân mình với Peter Đại đế và cho rằng nước Nga có quyền vĩnh viễn ‘lấy lại’ bất kỳ lãnh thổ nào mà ‘người Slavs’ từng cư trú, một học thuyết mà sẽ cho phép nước Nga chinh phục mở rộng lãnh thổ khắp châu Âu, bao gồm cả các quốc gia thành viên NATO”, ông Johnson viết trên Sunday Times.

Ông Johnson nói mặc dù “kế hoạch lấy lại toàn bộ Ukraine” của ông Putin đã bị trật bánh, nhưng “trong tình trạng cô lập, ông ta có thể vẫn nghĩ hành động chinh phục toàn diện là có thể”.

Thủ tướng Anh cho biết, Anh Quốc và các nước đồng minh cần “tự tôi luyện cho một cuộc chiến tranh kéo dài” thông qua việc đảm bảo chắc chắn Ukraine có thể củng cố khả năng quân sự nhanh hơn Nga, và có thể thay thế xe tăng và thiết giáp bị thiệt hại trên chiến trường.

Thủ tướng Johnson vạch ra kế hoạch 4 điểm để hỗ trợ Ukraine lâu dài, gồm:

  • Tăng tốc cung cấp vũ khí cho Ukraine và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine;
  • Không ngừng cấp tiền và hỗ trợ kỹ thuật để giúp củng cố nhà nước Ukraine;
  • Xây dựng các tuyến đường bộ đến và đi Ukraine để ứng phó với việc Nga “bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine bằng cách phong tỏa các tuyến đường xuất khẩu chính của nước này qua Biển Đen”;
  • Chuyển lương thực ra khỏi Ukraine thông qua ủng hộ Liên Hiệp Quốc đàm phán một hành lang an toàn cho hoạt động xuất khẩu trên biển.

Trước đó, khi phát biểu tại Kyiv hôm thứ Bảy (18/6), trong chuyến thăm Ukraine lần thứ hai kể từ cuối tháng Hai, Thủ tướng Anh Johnson nói: “Khi sự mệt mỏi của Ukraine bắt đầu lớn dần, thì cũng là thời điểm rất quan trọng để thể hiện rằng, chúng ta sát cánh với họ đến cùng và chúng ta sẽ cho họ sự kiên cường chiến lược mà họ cần”.

Tuy nhiên ông cảnh báo rằng, mặc dù “nhu cầu khôi phục xuất khẩu lương thực có thể khó cấp bách hơn”, nhưng không có bước nào trong số này “sẽ mang lại kết quả tức thì”.

Ông viết: “Tất cả đòi hỏi một nỗ lực quyết tâm của Vương quốc Anh và các đồng minh kéo dài trong nhiều tháng và nhiều năm".

(Từ trái sang) Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thắp nến tại Nhà thờ Mikhailovsky Zlatoverkhy (Nhà thờ Thánh Michael's Golden Domed) ở Kyiv, Ukraine, hôm 17/6/2022. (Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine của Ukraine)

Tướng Sir Patrick Sanders, người đã thay thế Tướng Sir Mark Carleton Smith với tư cách là Tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh, cho biết hiện có “một mệnh lệnh cháy bỏng” là quân đội phải chuẩn bị cho cuộc chiến ở châu Âu.

Tướng Sanders cho biết, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã nhấn mạnh mục đích cốt lõi của Quân đội Anh là bảo vệ Vương quốc Anh bằng cách sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến trên bộ.

Ông cũng cho biết, ông là tổng tham mưu trưởng đầu tiên kể từ năm 1941 "nắm quyền chỉ huy Quân đội trong bóng tối của một cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Âu liên quan đến một cường quốc lục địa", đề cập đến Chiến tranh thế giới thứ II.

Ông viết: “Quy mô của mối đe dọa lâu dài từ Nga cho thấy, chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên bất an mới”. “Nhiệm vụ duy nhất của tôi là làm cho Quân đội của Vương Quốc Anh tăng lực sát thương và chiến đấu hiệu quả nhất có thể. Hiện tại, thời điểm và cơ hội đã đến”.

Ông Sanders cho biết, “Hiện nay có một mệnh lệnh cháy bỏng là phải tạo ra một đội quân có khả năng chiến đấu cùng với các đồng minh của Vương Quốc Anh và đánh bại Nga trong trận chiến", nói thêm rằng, “Anh Quốc là thế hệ phải chuẩn bị cho Quân đội chiến đấu ở châu Âu thêm một lần nữa".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tổ chức cuộc họp báo bế mạc tại trụ sở NATO trong hai ngày diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ở Brussels, Bỉ, hôm 16/6/2022. (Ảnh: Omar Havana / Getty Images)

Người đứng đầu NATO Stoltenberg hôm thứ Bảy (18/6) nói với tờ Bild am Sonntag của Đức rằng, liên minh NATO phải chuẩn bị cho cuộc chiến Nga-Ukraine “kéo dài nhiều năm”.

Ông Stoltenberg cho biết vào đầu tuần này, một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Madrid vào cuối tháng này dự kiến ​​sẽ thống nhất về một gói hỗ trợ cho Ukraine nhằm giúp nước này chuyển từ vũ khí cũ từ thời Liên Xô sang vũ khí tiêu chuẩn của NATO.

Ukraine hôm thứ Bảy tuyên bố đã giành được ưu thế trước Moscow trong khi chống trả các cuộc tấn công của Nga gần một thành phố quan trọng ở phía đông và nhiều địa điểm đã bị tấn công bằng đạn pháo và tên lửa.

Các lực lượng Nga đã bị đánh bại trong một nỗ lực tấn công thủ đô Kyiv của Ukraine vào tháng Ba. Nga kể từ đó đã tái tập trung vào khu vực Donbas ở miền đông Ukraine.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Anh vạch kế hoạch 4 điểm hỗ trợ Ukraine chiến đấu lâu dài